Nông dân Hà Nam với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xã hội 13:53 26/07/2024 Giang Nam
“Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bác Trọng sẽ ghi dấu vào lịch sử dân tộc thời đại Hồ Chí Minh bởi những đóng góp, cống hiến lớn lao cho sự phát triển và bảo vệ đất nước. Hơn thế, Tổng Bí thư đã để lại trong lòng những người nông dân chúng tôi niềm tin yêu sâu sắc. Chỉ một lần duy nhất trong đời tôi gặp bác, nhưng mãi mãi không quên đôi bàn tay Người ấm áp, truyền cảm sự chân thành, khát vọng cho nhân dân ...”

Ông Trần Khắc Chương, thôn 6, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục đã nói trong niềm xúc động không tả xiết khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Công việc nhà nông khá bận rộn, con cái đi làm công nhân, các cháu còn nhỏ, nhưng tranh thủ rảnh rỗi lúc nào là ông lại mở điện thoại xem tin tức về lễ tang của Tổng Bí thư. Trong lòng người đàn ông ít nói, trầm tư, cả đời vất vả với cuộc sống đồng ruộng, bây giờ cũng không giấu được nỗi buồn thương.

Vợ chồng ông Chương ngồi theo dõi tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Chương kể lại, năm 2014, trong chuyến thăm và làm việc ở Hà Nam, Tổng Bí thư về Vũ Bản, đến thăm gia đình ông. Khi đó nhà ông đang làm mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học cùng với 800 hộ dân khác trong xã. Đời sống kinh tế lúc đó rất khó khăn, nói là xây dựng mô hình chứ vốn và điều kiện cơ sở vật chất chuồng trại còn đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu đâu. Bác về nhìn gia cảnh nhà tôi như thế, cụ không ngại ngần ngồi xuống uống nước, cầm tay tôi động viên. Bác nói hỏi tôi: Các cháu đi làm ở đâu, thu nhập có khá không? Làm ruộng vất vả như thế, cố gắng chăn nuôi thật tốt để kinh tế phát triển. Bác hỏi vợ tôi nhà con cái lớn rồi có đỡ đần được gì không? Bác đi thăm nhà, thấy một số tiện nghi đã được sắm sửa, bác mừng lắm!”

Nghe tin bác về, người dân cũng nghỉ làm đồng, ở nhà đón bác. Khi đến gia đình ông Nguyễn Duy Dậu, thôn 1, cả nhà ông Dậu đón bác nồng hậu. Ông Dậu nói: “Cũng chẳng có gì để đãi bác, nhưng tất cả mọi thành viên trong gia đình hôm đó đều ở nhà. Con dâu tôi đang mang bầu cháu thứ 2, nó dắt con đến bên bác. Rồi bác bế cháu Phương Anh lúc đó mới hơn hai tuổi trên tay. Cả nhà tôi vinh hạnh được chụp ảnh cùng bác ngay tại hiên nhà. Đến bây giờ, bức ảnh đó tôi đã phóng to, treo trang trọng trong phòng khách, để mỗi lần con cháu đi xa, về gần nhìn thấy bác, lấy đó là niềm tự hào để phấn đấu học tập, rèn luyện vươn lên, xứng đáng với mong mỏi của bác”

Cháu Nguyễn Phương Anh (áo cam) ngồi nghe mọi người kể chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cháu Phương Anh giờ đã bước sang tuổi 13. Phương Anh là cháu nội của ông Trần Duy Dậu, đứa trẻ được Tổng Bí thư bế trên tay trong bức ảnh treo ở nhà ông. Phương Anh bảo: “Đó là hình ảnh theo cháu suốt hành trình lớn lên trong căn nhà này. Cứ bước chân vào nhà là nhìn thấy mình trên tay của ông. Cháu cũng chỉ nghe ông nội kể về Tổng Bí thư, bây giờ có điện thoại, theo dõi tin tức về ông, cháu ngưỡng mộ lắm. Ông mất, cả nước thương tiếc, cháu cũng thương tiếc nhiều hơn!”

Phương Anh cũng như nhiều đứa trẻ được Tổng Bí thư bồng bế khi về thăm. Đó không chỉ là một kỷ niệm đẹp mà đó là câu chuyện văn hóa của lãnh tụ. Ông Dậu nói: “Bác vô cùng gần gũi nhân dân, bằng tình cảm chân thành, không màu mè hoa lá. Có vị lãnh đạo nào như thế không, ôm ấp một đứa trẻ nông thôn, cầm tay nông dân dắt đi quanh vườn, quanh chuồng trại, vừa đi vừa nói chuyện, đứng rất lâu trong trại gà mà không phiền phức gì cả...”

Vợ ông Trần Duy Dậu là người ngồi cạnh Tổng Bí thư khi người về thăm gia đình ông, được Tổng Bí thư trò chuyện hỏi han đủ điều. Cả tuần nay, bà bị ngã, phải bó bột chân ngồi ở nhà, nghe những thông tin về tang lễ của bác. Bà khóc rất nhiều. Bà bảo: “Lúc bác về nhà con mới chỉ có bé Phương Anh, bây giờ con đàn cháu đống rồi bác ơi! Bác động viên con cố gắng làm ăn thật tốt, chăm lo chuồng trại cẩn thận để phát triển kinh tế giàu có hơn. Bác đi, để lại trong lòng chúng con những nỗi buồn đau không sao nói hết được....!”

Ở nhà bà Trần Thị Tuyết, vợ ông Chương, mấy ngày qua tiếp đón nhiều đoàn phóng viên các cơ quan báo chí về khơi lại kỷ niệm của Tổng Bí thư 10 năm trước. Bà Tuyết không thể trả lời phỏng vấn trôi chảy. Bởi vì, cứ nói về Tổng Bí thư là bà khóc. Bà bảo, bác đức độ, ân cần hiếm có. Bác giản dị và không cầu kỳ, xa cách giống ai. Ngồi với nông dân mà chẳng có khoảng cách gì cả. Bác vui khi thấy nhà tôi có bếp ga, có xe máy!

Ông Nguyễn Duy Dậu và cán bộ xã Vũ Bản bên bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp với gia đình cách đây 10 năm.

Trước đó, năm 2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về Hà Nam dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Đồng Sơn, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Đồng Sơn là làng cổ ven sông, còn lưu giữ những nhiều kiến trúc cổ, trong đó có cả đồng bào công giáo. Với cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đặc biệt quan tâm chăm lo đến đời sống của nhân dân. Đồng chí Trần Xuân Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam chia sẻ: “Kỷ niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng về Đồng Sơn năm ấy rất đẹp, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng dân. Đồng chí luôn quan tâm đến công tác mặt trận. Đồng chí nói: Mặt trận Tổ quốc là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận phải động viên và phát huy tốt hơn nữa vai trò, tiềm năng của nông dân, cùng với các giai cấp khác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Chúng tôi đưa đồng chí đi thăm các con ngõ ở Đồng Sơn, với những bức tường xây bằng đá hoặc gạch thất đẹp đẽ, đồng chí rất thích…”.

Có lẽ xuất phát từ tình cảm thương dân, đặc biệt là những người nông dân nên lần nào về Hà Nam, Tổng Bí thư cũng về nhà dân trước. Tổng Bí thư rất yêu phong cảnh làng quê nên rất muốn có thời gian để được đi trên những con đường rợp bóng tre, có bờ ao giếng nước. Thế nên, Tổng Bí thư nói với bà con nhân dân Vũ Bản, mặc dù xã xây dựng nông thôn mới, là một trong những xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở Hà Nam, nhưng vẫn giữ được hồn quê, nét quê bởi những rặng tre, những bờ ao còn nguyên sơ dáng vẻ nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Vũ Bản xây dựng nông thôn mới nhưng không hề làm mất đi hình ảnh làng quê thân thuộc bao đời, không có những bức tường bê tông hay những công trình bê tông hóa…

Các cán bộ xã Vũ Bản bên cây đa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng khi về thăm xã ngày 2/8/2014.

Chiều nay, ngày 26 tháng 7, lễ truy điệu, lễ an táng Tổng Bí thư được tiến hành. Người sẽ về với Bác Hồ, với các bậc tiền bối cách mạng, nhưng trái tim, tình cảm và những lo toan, mong ước của Tổng Bí thư vẫn còn trong cuộc sống này. Nhất là với nông dân, làm sao để họ có đời sống kinh tế vững vàng, đủ đầy và hạnh phúc…. Trong số hàng triệu người dân Việt Nam khóc thương Tổng Bí thư những ngày qua, có cả những người nông dân Hà Nam chúng tôi…

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC