Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Người chỉ dẫn: "Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới". Tháng 6/1925, Người sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên.
Những năm 1925 – 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội, của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được Trung ương lâm thời phân công phụ trách công tác vận động công nhân) đã cùng với những người đồng chí tích cực tổ chức vận động phong trào công nhân, trước hết là phong trào công nhân Bắc Kỳ để thành lập tổ chức Công hội. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo "Lao động" và tạp chí "Công hội Đỏ", bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Đỏ đã tập hợp lực lượng thợ thuyền, đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam, tạo nên cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Từ năm 1936 - 1939, tổ chức Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn Ái hữu và chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng và thỏa hiệp với phát xít Nhật thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của nhân dân ta, thủ tiêu các quyền tự do nghiệp đoàn. Trước tình hình đó, tổ chức Nghiệp đoàn Ái hữu rút vào hoạt động bí mật, lấy tên là "Hội Công nhân phản đế", năm 1941 đổi thành "Hội Công nhân cứu quốc" làm nòng cốt cho hoạt động của tổ chức Việt Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Với trên 20 vạn người vào thời điểm năm 1945, các đoàn viên Công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành "Hội Công nhân cứu quốc". Tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc tháng 6/1946, đã đổi tên "Hội Công nhân cứu quốc" thành "Công đoàn". Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.
Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai miền, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ. Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa I) họp vào tháng 8/1954 xác định nhiệm vụ trọng tâm là "Cần phải động viên, tổ chức đông đảo quần chúng lao động trong các đô thị thành một lực lượng mạnh mẽ làm chỗ dựa tốt nhất, chắc chắn nhất cho chính quyền tiến hành công tác tiếp thu, phục hồi sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự thành phố".
Ngày 5/11/1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn, tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong tình hình mới. Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa tạo tiền đề quan trọng, góp phần xây dựng và đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, thành quả đó có đóng góp quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 23 - 27/2/1961 đã quyết định đổi tên "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" thành "Tổng Công đoàn Việt Nam". Đại hội đã đề ra mục tiêu: "Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà". Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập và không ngừng được củng cố, phát triển, vừa tổ chức cho CNVCLĐ các thành phố đấu tranh, vừa động viên CNVCLĐ vùng giải phóng đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến đấu. Trong cuộc tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chính Minh, Công đoàn giải phóng đã vận động CNVCLĐ ở các đô thị đồng loạt nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện cơ bản để thống nhất tổ chức Công đoàn trên phạm vi toàn quốc. Ngày 6/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành "Tổng Công đoàn Việt Nam". Trong giai đoạn này, các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong CNVCLĐ đã tạo bước chuyển biến tích cực, nhiều điển hình tiên tiến, nhân tố mới hình thành, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Công đoàn còn tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, đề nghị Nhà nước bổ sung phụ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp khó khăn… các chế độ nghỉ ngơi, tham quan du lịch và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì, phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/1984), Nhà nước đã tặng Tổng Công đoàn Việt Nam Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước tiến hành đổi mới, từng bước hội nhập, Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội đã xác định mục tiêu: "Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội". Đại hội quyết định đổi tên "Tổng Công đoàn Việt Nam" thành "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam". Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đã có nhiều đóng góp vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1986 - 1990), đưa đất nước ta dần thoát khỏi khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và CNVCLĐ.
Ngày 28/01/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hàng triệu CNVCLĐ trong cả nước. Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tạo nên cú hích quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, giúp Công đoàn Việt Nam vượt mọi khó khăn, đóng góp ngày càng quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Chặng đường 95 năm xây dựng, phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế, lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Nông nghiệp và Tài nguyên) vừa tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu nước mặt tại 3 vị trí gồm: cống Nhật Tựu, cầu Ba Đa, cầu Phủ Lý. Kết quả phân tích cho thấy nước sông Nhuệ tại cống Nhật Tựu có chất lượng nước rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao.
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/4, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam gồm các đồng chí: Phạm Hùng Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Văn Khải, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tiếp xúc cử tri xã Hoàng Tây (thị xã Kim Bảng). Cùng dự hội nghị tiếp xúc cử tri có Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành của tỉnh; cấp ủy, chính quyền thị xã Kim Bảng và xã Hoàng Tây.
Ngày 15/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.