Sốt xuất huyết tăng 82,7%, Tay-chân-miệng tăng 112,5% so cùng kỳ
Trong tuần từ ngày 04 - 10/7, toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) có địa chỉ tại phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý. Hiện tại, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 85 trường hợp mắc TCM, tăng 112,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả các địa phương số ca mắc đều tăng so với cùng kỳ, một số địa phương có tỷ lệ tăng nhiều như: Thanh Liêm tăng 700%, Kim Bảng tăng 300%, Bình Lục tăng 218%.
Về bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue, trong tuần ghi nhận 5 ca mắc mới tại phường Yên Bắc, xã Mộc Bắc, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên); xã Nhân Bình (Lý Nhân) và xã Hưng Công (Bình Lục). Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 53 trường hợp mắc/nghi mắc SXH, tăng 82,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả các địa phương số ca mắc đều tăng so với cùng kỳ, một số địa phương có số ca tăng cao như: Thanh Liêm tăng 800%; Duy Tiên tăng 233,3%; Kim Bảng, Phủ Lý tăng 150%.
Cả bệnh TCM và SXH đều không có ổ dịch tập trung mà các ca mắc lẻ tẻ ở nhiều địa bàn dân cư. Điều này đặt ra vấn đề là nếu không xử lý dứt điểm, phòng bệnh tốt để triệt tiêu nguy cơ lây lan dễ dẫn đến bùng dịch đồng loạt cùng lúc ở nhiều địa bàn dân cư, sẽ rất khó khống chế.
Một số bệnh truyền nhiễm đã loại trừ có xu hướng quay trở lại
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5 ca ho gà: huyện Thanh Liêm (3 trường hợp), huyện Kim Bảng (1 trường hợp) và thành phố Phủ Lý (1 trường hợp. Dù các trường hợp mắc đều chưa đến tuổi tiêm vắc - xin phòng bệnh ho gà, nhưng điều này cũng dấy lên lo ngại trong cộng đồng có nguồn lây. Các trường hợp mắc ho gà ở Kim Bảng, Phủ Lý có đi từ tỉnh khác về, nhưng các trường hợp ở Thanh Liêm chỉ ở trong tỉnh. Một số phán đoán cho rằng địa bàn này có một số địa điểm du lịch phát triển thu hút khách từ khắp nơi về, có thể nguồn lây nhiễm từ đây.
Hà Nam là một trong 46 tỉnh đã loại trừ sốt rét từ năm 2019. Tuy nhiên, năm 2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp mắc sốt rét. Điều tra dịch tễ cho thấy các trường hợp trên đều từ Nigeria về tỉnh, đây là quốc gia bệnh sốt rét vẫn lưu hành. Với đặc điểm là tỉnh nằm trên quốc lộ, các hoạt động giao thương phát triển mạnh, du lịch phát triển, lại có địa hình rừng, núi thích hợp với muỗi Anophen-loài muỗi truyền bệnh sốt rét, trong khi đó nhiều tỉnh trên toàn quốc vẫn chưa loại trừ được bệnh sốt rét, nên lo lắng về việc bệnh có thể lây truyền trong cộng đồng không phải là không có cơ sở.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh cũng ghi nhận 5/19 trường hợp được lấy mẫu dương tính với bệnh sởi (3 trường hợp) và bệnh rubella (2 trường hợp).
Hiện nay, trên địa bàn toàn quốc xuất hiện một số ca bệnh bạch hầu, trong đó có ca tử vong. Khi có nguồn bệnh, bệnh bạch hầu rất dễ lây. Với các hoạt động giao thương sôi động, du lịch phát triển, nguy cơ bệnh xâm nhập vào địa bàn là hoàn toàn có thể.
Ý thức người dân là yếu tố mấu chốt trong phòng, chống dịch
Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam chia sẻ: CDC Hà Nam và hệ thống phòng, chống dịch trong tỉnh đã tích cực thực hiện biện pháp phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh theo mùa có số ca mắc tăng cao so cùng kỳ, bệnh đã loại trừ có xu hướng quay trở lại. Bên cạnh thực hiện công việc chuyên môn theo quy định, CDC Hà Nam và hệ thống y tế cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu tất cả các cá nhân, gia đình đều thực hiện tốt sẽ không còn ca mắc.
Tuy nhiên, qua giám sát thực tế thấy không ít người, không ít gia đình hoặc không quan tâm đến việc nắm bắt thông tin về phòng dịch, hoặc biết nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn, dẫn đến vẫn có dịch trong cộng đồng. Ví dụ như đối với bệnh SXH, qua giám sát, dù đã tuyên truyền rất nhiều, có hộ đã từng có người bị mắc SXH, nhưng vẫn khá chủ quan trong công tác phòng bệnh, vẫn để nước đọng tạo cơ hội cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và sinh sôi lây lan bệnh. Có những hộ thực hiện tốt các khuyến cáo nhưng có những hộ chưa thực hiện tốt, dẫn đến nguồn lây bệnh vẫn còn trong cộng đồng. Vì thế chỉ khi tất cả mọi người, mọi nhà đều thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, dịch bệnh mới có thể chấm dứt.
Trong tuần qua, CDC Hà Nam phối hợp giám sát bệnh nhân, véc tơ truyền bệnh và yếu tố nguy cơ tại một số địa phương trên địa bàn, ghi nhận nhiều dụng cụ chứa nước chưa được lật úp hoặc đậy kín, nhiều phế thải đọng nước chưa được xử lý. CDC Hà Nam đã giám sát muỗi truyền bệnh SXH tại 4 thôn, tổ dân phố của thị xã Duy Tiên và huyện Thanh Liêm. Tại thôn Hoà Ngãi, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm chỉ số BI = 30 (mức rất cao), cho thấy có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH.
Theo ông Trần Đắc Tiến, đối với các bệnh truyền nhiễm khác nếu mọi người, mọi nhà đều thực hiện tốt các khuyến cáo, như tiêm vắc - xin đầy đủ, đúng lịch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, ăn uống, sinh hoạt khoa học để tăng sức đề kháng,... chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì thế, mọi người dân cần quan tâm nắm bắt đầy đủ thông tin về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, thực hành đúng khuyến cáo của ngành chức năng để không còn dịch trong cộng đồng.
Sáng 15/1, UBND thị xã Duy Tiên tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng (TĐKT), phát động và ký kết giao ước thi đua năm 2025. Dự, chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 15/01, UBND thị xã Kim Bảng tổ chức đón nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) trở về địa phương năm 2025.
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Ất Tỵ 2025, sáng 15/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ nguyên là lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đang nghỉ hưu trên địa bàn.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.