Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông

Biển và hải đảo Việt Nam 06:33 18/07/2024 Đoàn Ca
Sáng 17-7 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã chính thức nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp Đệ trình nêu trên.

Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS. Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.

 Đại sứ Đặng Hoàng Giang (bên trái) nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). 

Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Vào tháng 5-2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.

Trong Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định, việc nộp Đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.

 Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao tại buổi nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). 

Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trong quá trình Việt Nam nộp các Đệ trình của mình theo đúng các quy định có liên quan của UNCLOS và CLCS.

Cùng ngày, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc để bày tỏ lập trường của Việt Nam về việc Philippines nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông vào ngày 14-6-2024.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Khánh thành ngôi Đại hùng Bảo điện chùa Hoa Lâm

Văn hóa  |  18:28 05/04/2025

Ngày 4/4 (7/3 năm Ất Tỵ), chùa Hoa Lâm, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du (Bình Lục) tổ chức khánh thành ngôi Đại hùng Bảo điện.  

Ngày 5/4/1975: Thành lập cánh quân Duyên Hải

Chính trị  |  16:28 05/04/2025

Ngày 5/4/1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa mưa, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5, được thành lập. Bộ đội Trường Sơn tập trung lực lượng khẩn trương vận chuyển quân và hàng hóa vào miền nam.

Tập trung triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh dại

Y tế  |  10:45 05/04/2025

Bệnh dại trên đàn chó, mèo tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, tại 13 tỉnh, thành phố đã xuất hiện các ổ dịch dại trên đàn chó, mèo. Theo dự báo khả năng bệnh dại sẽ tiếp tục phát sinh ở các tháng trong năm, nhất là trong mùa hè. Do vậy để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi và sức khỏe người dân, hiện các địa phương trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo và triển khai tiêm vắc-xin ngăn ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC