Bài toán khó của thể thao thành tích cao Hà Nam

Trong tỉnh 06:00 02/07/2024 Chu Bình
Thể thao thành tích cao hiện có chỉ tiêu đào tạo, huấn luyện tập trung 170 vận động viên (VĐV). Số lượng VĐV ít nên việc chọn môn thể thao đào tạo là một bài toán khó cho thể thao thành tích cao Hà Nam. Sau một thời gian dài chọn những “khe cửa hẹp” nghĩa là chọn những môn thể thao ít tỉnh, thành phố khác tập trung đào tạo và có lợi thế dựa trên tình hình thực tế của tỉnh, thể thao thành tích cao Hà Nam đã duy trì đào tạo các bộ môn, như: Bóng đá nữ, Bơi lặn, Vật, Đua thuyền Canoeing, Điền kinh và Bóng chuyền nữ.

Thực hiện Quy hoạch phát triển văn hóa, thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; định hướng của Cục TDTT chỉ đạo các Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao (HL&TĐTT) các tỉnh, thành phố chọn lựa phát triển đào tạo các môn thể thao có trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Thế vận hội (Olympic) theo tiến trình, thể thao thành tích cao Hà Nam đã đào tạo, huấn luyện tập trung VĐV ở các bộ môn khác nữa là quần vợt và Taekwondo. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, hiện một số bộ môn đã bị loại khỏi hệ thống đào tạo tập trung cấp tỉnh.

VĐV Tô Bình Nhiên của bộ môn Quần vợt Hà Nam.

Đầu tiên là bộ môn Bóng chuyền nữ, bộ môn này được thành lập từ năm 1998. Trong những năm đầu tiên thành lập, Bóng chuyền nữ Hà Nam có lứa cầu thủ năng khiếu khá tài năng, trong đó phải kể đến VĐV Phạm Thị Yến. Với nhiều nguyên nhân, bộ môn Bóng chuyền nữ Hà Nam bị giải tán vào năm 2001, Phạm Thị Yến đầu quân cho Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin và đã rất thành công trong sự nghiệp của mình. Được thành lập lại ngay sau đó, Bóng chuyền nữ Hà Nam đã có mặt trong rất nhiều giải trẻ và các giải phong trào khác, ở thời kỳ đỉnh cao Bóng chuyền nữ Hà Nam đã tham gia Giải Bóng chuyền nữ vô địch quốc gia (là hệ thống giải chuyên nghiệp được tổ chức từ năm 2004 đến nay). Đấy là mùa giải năm 2006, nhưng cũng là lần duy nhất Bóng chuyền nữ Hà Nam tham gia giải chuyên nghiệp. Sau mùa giải này, với lực lượng ngày càng mỏng, thành tích yếu, cộng thêm khó khăn trong tuyển chọn VĐV bổ sung, Bóng chuyền nữ Hà Nam rơi vào tình trạng đào tạo cho mượn để cọ xát và chuyển nhượng. Đã có nhiều họp bàn, kêu gọi tài trợ để vực dậy bộ môn này nhưng không thành công. Đến năm 2021, Bộ môn Bóng chuyền nữ Hà Nam chính thức dừng đào tạo, chuyển chỉ tiêu sang các bộ môn khác.

Thứ hai là bộ môn Taekwondo được thành lập năm 2020 với mục tiêu mở rộng các bộ môn đào tạo tập trung có trong hệ thống các nội dung, bộ môn thi đấu quốc tế. Bộ môn được thành lập ban đầu với 8 VĐV cả nam và nữ. Nhưng cái khó của bộ môn là lực lượng huấn luyện viên và việc tuyển chọn VĐV. Tuy tìm được huấn luyện viên hợp đồng, nhưng do thiếu cơ chế đãi ngộ nên bộ môn hiện tại chỉ còn duy nhất một trợ lý huấn luyện viên dẫn đến việc đào tạo, huấn luyện không đem lại chất lượng chuyên môn cao. Bên cạnh đó, với việc quy định của bộ môn, VĐV Taekwondo chỉ đủ điều kiện tham gia thi đấu khi chiều cao phải phù hợp với từng hạng cân thi đấu. Ví dụ VĐV đăng ký thi đấu hạng cân 60 kg phải có chiều cao ít nhất từ 1m65 trở lên. Vừa phải có yếu tố năng khiếu, vừa phải đáp ứng yêu cầu thể hình nên việc tuyển chọn VĐV của bộ môn cũng vô cùng khó. Được biết tới đây, Trung tâm HL&TĐTT sẽ có văn bản xin dừng đào tạo Bộ môn Taekwondo, chuyển VĐV sang các bộ môn khác thuận lợi hơn về nguồn lực con người và thành tích chuyên môn.

Tiếp theo, Quần vợt là bộ môn được hình thành vào thời kỳ đỉnh cao của phong trào quần vợt ở Hà Nam (những năm 2000). Đây là một bộ môn thử nghiệm với hình thức bán tập trung. Bộ môn tập trung đào tạo VĐV năng khiếu các lứa tuổi từ U6 đến U14. Bộ môn hiện có 8 chỉ tiêu với 3 huấn luyện viên. Với đặc thù các VĐV còn quá nhỏ tuổi nên ngoài thời gian tập luyện tại trung tâm, các em chủ yếu được chăm sóc và đào tạo tại gia đình. Khi tham gia thi đấu, trung tâm tạo điều kiện về thủ tục tham gia thi đấu, còn kinh phí đi lại và sinh hoạt cho các VĐV do phụ huynh chi trả, hoặc kêu gọi xã hội hóa.

Với sự cố gắng và thi đấu liên tiếp các giải lứa tuổi, vừa qua VĐV Tô Bình Nhiên của bộ môn Quần vợt Hà Nam là một trong 6 VĐV được chọn vào Đội tuyển thi đấu Giải Đồng đội trẻ nam, nữ U12 khu vực Đông Nam Á năm 2024 tại Singapore. Tuy nhiên, càng lên cao, nguồn lực để đào tạo bộ môn này rất lớn nên Trung tâm HL&TĐTT Hà Nam xác định mục tiêu đào tạo trẻ là chính. Với lứa tuổi từ U15 trở lên, để đào tạo các VĐV tiếp cận các giải vô địch hiện trung tâm gặp nhiều khó khăn. Đó là khó về trình độ huấn luyện viên, trình độ đào tạo, kinh nghiệm thi đấu của các VĐV và nguồn lực đầu tư rất lớn. Nếu chỉ đào tạo trẻ thì rất khó để duy trì bộ môn lâu dài vì thành tích cao xác định vị thế ở những giải vô địch.

Để tiếp tục mở rộng các bộ môn thể thao thành tích cao, tới đây trung tâm sẽ lựa chọn bổ sung chỉ tiêu cho một số bộ môn phù hợp hơn với lợi thế của thể thao thành tích cao Hà Nam, như: võ Sambo và Triathlon (ba môn phối hợp, gồm chạy bộ, bơi và đua xe đạp). Vừa qua, lần đầu tiên tham dự Giải vô địch các Câu lạc bộ Sambo quốc gia, các VĐV Hà Nam đã giành được 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hà Nam xuất sắc đạt Giải Nhất toàn đoàn vòng chung kết Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” toàn quốc năm 2024

Đời sống  |  15:33 06/07/2024

Sáng 6/7, tại Quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng (Khu đô thị Bắc Sông Cấm, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng), Bộ Công an phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức vòng chung kết Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” toàn quốc năm 2024.

Sắp xếp không gian thờ tại các di tích bảo đảm thực hành tín ngưỡng cộng đồng

Văn hóa  |  05:35 06/07/2024

Hiện nay, tại một số địa phương, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích xếp hạng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra tình trạng tự ý tiếp nhận đồ thờ, linh vật vào di tích không đúng quy định. Việc bài trí, sắp xếp không gian thờ chưa phù hợp với từng loại hình di tích; sự hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của di tích chưa được thấu đáo. Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương sắp xếp không gian thờ tại những di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Y tế  |  05:34 06/07/2024

Từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên được phát động trên toàn quốc nhằm giảm thiểu, loại trừ việc lây nhiễm bệnh từ bà mẹ nhiễm HIV mang thai sang con. Tháng 6 hằng năm được lấy là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, sau 15 năm triển khai số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC