Để hỗ trợ tốt nhất các thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT A Phủ Lý, Đoàn phường Lê Hồng Phong đã chủ động thành lập đội tình nguyện, phối hợp với Đoàn trường tổ chức kịp thời các hoạt động tiếp sức, hỗ trợ thí sinh. Bí thư Đoàn phường Phạm Quang Khánh cho biết: Trong những ngày diễn ra kỳ thi, hơn 50 tình nguyện viên luôn có mặt từ rất sớm để làm công tác chuẩn bị, đón tiếp thí sinh. Đồng thời, bố trí sẵn ô để che mưa, nắng cho thí sinh; đội xe ôm hỗ trợ các em trong những tình huống cần thiết và tham gia cùng lực lượng chức năng hướng dẫn, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu vực thi; hướng dẫn thí sinh và người nhà để phương tiện giao thông đúng nơi quy định; tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, hướng dẫn các em những đồ dùng được mang vào khu vực thi và phòng thi; động viên tinh thần các em trước khi bước vào phòng thi; tổ chức trông giữ đồ miễn phí nếu cần. Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025, các đội tình nguyện đã phối hợp phát miễn phí hơn 500 chai nước, 600 quạt nhựa cho học sinh và phụ huynh tại điểm thi.
Trong những ngày này, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” được các cấp bộ đoàn triển khai đồng loạt tại tất cả 23 điểm thi tốt nghiệp THPT trong toàn tỉnh. Tại thị xã Duy Tiên, công tác chuẩn bị cho Chương trình “Tiếp sức mùa thi” cũng được thực hiện từ sớm. Trong kỳ thi vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên địa bàn thị xã có 3 điểm thi. Tại các điểm thi bảo đảm có đủ số tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh. Các tình nguyện viên được phân công nhiệm vụ đều được phổ biến đầy đủ kiến thức, kỹ năng về hoạt động tình nguyện đặc thù trong mùa thi. Để hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước mắt, các cơ sở đoàn đã chuẩn bị được 1.200 chai nước, 1.000 quạt cầm tay và căn cứ tình hình thực tế để vận động nguồn lực hỗ trợ tại các điểm thi.
Theo đánh giá của Bí thư Thị đoàn Vũ Thị Huyền Trang, qua nhiều năm triển khai thực hiện, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành điểm nhấn trong phong trào tình nguyện của tuổi trẻ thị xã nói riêng, tuổi trẻ Hà Nam nói chung. Đây là một nội dung trọng tâm và cũng là chương trình khởi động cho Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè hằng năm. Hoạt động hỗ trợ được thực hiện trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi nhằm động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các sĩ tử bình tĩnh, tự tin đạt kết quả tốt nhất. Những cử chỉ ân cần, nhiệt tình và trách nhiệm của các đội tình nguyện trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng thí sinh và phụ huynh, góp phần bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi.
Không chỉ tổ chức tốt các hoạt động tiếp sức trong kỳ thi, mà trước kỳ thi, đại diện lãnh đạo Trường THPT C Kim Bảng, Đoàn trường, đại diện Đoàn các xã Nhật Tân, Đồng Hóa (huyện Kim Bảng) duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra việc tự ôn tập của một số học sinh lớp 12 tại nhà. Đây là việc làm rất có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm sát sao của nhà trường, đoàn thanh niên đối với việc ôn tập của học sinh, bảo đảm các em có sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, tâm lý. Toàn huyện Kim Bảng có 4 điểm thi và Huyện đoàn đã chỉ đạo thành lập 8 đội tình nguyện với 350 tình nguyện viên. Trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, tại các điểm thi đã hỗ trợ 120 thùng nước, 500 bút bi, 1.300 quạt cầm tay và 200 quyển vở nhằm động viên, hỗ trợ các em bước vào kỳ thi quan trọng một cách tự tin, bình tĩnh. Tại các điểm thi, các tình nguyện viên luôn túc trực sẵn sàng cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ ứng phó các tình huống khẩn cấp…
Căn cứ vào tình hình thực tế, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 trên địa bàn tỉnh được chia làm 2 đợt. Đợt 1 là Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025 và đợt 2 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Qua 2 kỳ thi, toàn tỉnh đã thành lập 63 đội tình nguyện với 1.330 tình nguyện viên tham gia tại 23 điểm thi. Chương trình gồm nhiều hoạt động, hình thức hỗ trợ thí sinh, như: Hướng dẫn thí sinh và người nhà trong những ngày làm thủ tục tại các điểm thi; hướng dẫn, chỉ dẫn sơ đồ phòng thi theo từng môn thi, buổi thi; giải đáp thắc mắc của thí sinh về các thông tin liên quan đến kỳ thi. Ngoài ra, các đội hình tình nguyện hỗ trợ ngành chức năng tổ chức hướng dẫn, phân luồng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực các điểm thi. Về vật phẩm, toàn tỉnh đã tặng 23.700 chai nước, 3.650 quạt cầm tay, 3.850 bút viết, 2.000 bút chì, 300 thước kẻ, bộ đồ dùng học tập, bản đồ địa lý để khích lệ, động viên tinh thần các em học sinh và 300 áo, mũ tình nguyện cho các tình nguyện viên.
Cùng đồng hành với các đội hình tình nguyện và sĩ tử trong các kỳ thi, Tỉnh đoàn thành lập các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên các đội tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi; biểu dương tinh thần chủ động và công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của các đội hình tình nguyện tại điểm thi. Đồng thời, lưu ý các tình nguyện viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” phải bảo đảm an toàn cho chính bản thân, tích cực giúp đỡ thí sinh và các bậc phụ huynh; tuân thủ nghiêm các nội quy, quy định để hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong kỳ thi một cách tốt nhất.
Không chỉ là hoạt động tình nguyện đơn thuần, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” là môi trường thuận lợi để mỗi tình nguyện viên phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Những hoạt động thiết thực, kịp thời, ý nghĩa của Chương trình “Tiếp sức mùa thi” là nguồn động viên tinh thần rất lớn, giúp các thí sinh tự tin hoàn thành kỳ thi cũng như góp phần tô thắm thêm sắc xanh tình nguyện của tuổi trẻ - “đặc sản” mỗi mùa thi.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.