Nhà thơ Đinh Thị Hằng và những sáng tác cho thiếu nhi

Văn học - Nghệ thuật 05:40 28/06/2024 Đỗ Hồng
Nhà thơ Đinh Thị Hằng có lẽ là một trong số ít những nhà thơ ở Hà Nam thường xuyên có những sáng tác cho thiếu nhi. Cô có hẳn một tập thơ với tiêu đề rất trẻ thơ “Mặt trời mọc ngược” tập hợp những sáng tác dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, trong các tập thơ khác đã xuất bản của cô cũng có rải rác các sáng tác cho tuổi thơ. Cả cuộc đời gắn bó với trường lớp, với học sinh, với những bài giảng văn học lý thú say mê, yêu trẻ con, đọc thơ sáng tác cho thiếu nhi của cô thấy trong veo ánh mắt trẻ thơ, những tò mò về thế giới vạn vật xung quanh, những yêu thương, nhân nghĩa ở đời…

Trong các sáng tác cho thiếu nhi, sáng tác về thiếu nhi của cô gần như chia thành hai phần rõ ràng: Một phần cô đứng dưới góc nhìn của các bé để nhìn nhận thế giới bằng ánh nhìn trong veo, thân thiện, những phát hiện thú vị, rất đáng ngạc nhiên; Một phần cô đứng đúng vai người lớn của mình để viết những bài thơ cho các bé.

Phải nói cô rất hiểu trẻ em mới có thể đặt mình vào góc nhìn trẻ thơ. Trẻ thơ, khi bắt đầu nhận thức được các em rất tò mò về thế giới xung quanh mình, lý giải vạn vật theo cách nhìn, cách hiểu của các em. Trong các sáng tác cho thiếu nhi của Đinh Thị Hằng có khá nhiều bài thơ viết về mặt trời với các góc nhìn rất đáng yêu, ngây thơ nhưng không kém phần thú vị, chứa đựng ý tứ sâu sa. Ví dụ trong bài “Mọc ngược” cô viết: “Mọc lên từ biển/ Vào lúc hừng đông/ Nẩy ngàn nụ sáng/ Cây gì, biết không?/ Mặt trời mọc ngược/ Gốc rễ trên đầu/ Lá cành về đất/ Rực rỡ muôn màu”. Hay trong bài “Hỏi”: “Ngày ngày dậy sớm/ Đua giữa vòm trời/ Chiếu dọi muôn nơi/ Đất trời bừng sáng/ Cuối ngày chạng vạng/ Nắng quái về đông/ Còn chút lửa hồng/ Gửi cho đất mẹ/ Về đêm lặng lẽ/ Nhường chỗ trăng sao/…/ Cả ngày hăm hở/ Cháy sáng hết mình/ Đêm lại tái sinh/ Bình minh rạng rỡ/…/”. Nói về mặt trời và vòng quay của nó đúng với góc nhìn của trẻ thơ, nhưng bài thơ vẫn gửi gắm, chứa đựng trong đó nhân sinh quan về sự cống hiến, sống hết mình, “cháy” hết mình cho những “Bình minh rạng rỡ”.

Nhà thơ Đinh Thị Hằng (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) giao lưu với các em học sinh. Ảnh: Chu Bình

Cũng là về thế giới tự nhiên, không chỉ mặt trời, mặt trăng, đọc những vần thơ viết cho thiếu nhi của cô về cỏ cây hoa lá cũng rất thích: “Cây ăn gì để lớn/ Hỏi MẸ ĐẤT, CHA TRỜI”/ Loại sữa nào cây ơi/ Thứ thuốc gì bổ nhất/…/ Đời cây ngàn đời lá/ Đời lá nối đời cây/ Những mắt lá thơ ngây/ Vẫy xanh trời. Bí ẩn”. Hay như bài “Kỳ diệu” của cô, cứ như một bài hát với những khúc say mê lấp lánh vẻ đẹp của nhạc điệu, của ngôn từ: “Giấc mơ chín đỏ/ Giữa ngàn dâu xanh/ Rào rào ăn rỗi/ Lớn nhanh, thật nhanh/ Kén vàng sóng sánh/ Bồng bềnh phao bơi/ Sợi tuôn óng ánh/ Chảy từ nồi hơi/ Từ con thành cái/ Từ nhộng hóa ngài/ Chớp đôi cánh mỏng/ Có tằm hôm mai/ Một tằm năm kén/ Một nén chín tơ/ Bao điều kỳ diệu/ Như là trong mơ/ Như là trong mơ…”. 

Hay như trong bài “Hạnh phúc”, người đọc suýt xoa, khâm phục bởi sự quan sát tinh tế, cách dùng từ linh hoạt và đầy nhạc điệu của cô khi viết về khung cảnh bình yên của một gia đình trong cuộc sống thường ngày: “Mèo Khoang tỉnh dậy/ Mắt tròn bi ve/ dỏng tai, đón nghe/ Đầy sân gió hát/ Chiếp chiếp, quạc quạc/ Những cục bông tơ/ Học nói. Bi bô/ Chào cô. Chào bạn/ Trống choai khệnh khạng/ Diễn điệu Scô/ Quanh chị mái mơ/ Nghểnh đầu khoe nắng/…/”. Ai đọc bài thơ cũng dễ dàng cảm nhận một khung cảnh hạnh phúc, những đứa trẻ hạnh phúc.

Có lẽ một phần cô hiểu trẻ thơ hơn là cũng nhờ xung quanh mình có các cháu, và cũng như mọi người bà, cô vô cùng yêu quý các cháu. Trong bài “Chắp cánh” mà cô đề “Cho Khánh Hà nhân ngày sinh nhật 8/5 (là Ngày Chữ thập đỏ quốc tế)”, cũng là có những câu thơ mà bất cứ người mẹ, người bà nào có cháu đọc lên đều như thấy có mình trong đó: “Đêm trước ông mơ sao sáng/ Sớm mai nhặt được thiên thần/ Năm Dần, tháng Dần, hoa nở/ Hạ về, nắng ngọt hương xuân/…/ Đến từ khoảng trời nhân ái/ Cháu mang thông điệp yêu thương/…/”.

Mỗi thiên thần ra đời đều là niềm vui vỡ òa, không gì diễn tả nổi của mỗi gia đình. Vì thế cháu sinh vào mùa hạ, nhưng nắng không hề gắt mà “ngọt hương xuân”, cháu là mùa xuân của gia đình. Cô cũng gắn việc tình cờ ngày sinh của cháu trùng với Ngày Chữ thập đỏ quốc tế để nói về sự yêu thương, lòng nhân ái cháu mang đến thế giới này, cũng là điều giúp thế giới tồn tại.

Một tập thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Đinh Thị Hằng. Ảnh: Đan Vũ

Là một nhà giáo, thơ của cô Đinh Thị Hằng cũng mang tính giáo dục rất lớn. Và cái tài của cô là ẩn những kiến thức giáo dục đó một cách rất khéo léo. Ví dụ như trong bài “Chuyện cổ tích về Cáo, Mèo, Chuột” cô đã giảng giải cho con trẻ về thiện, ác, tham lam ở đời bằng những vần thơ hết sức trong trẻo, dễ hiểu, mà ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bài thơ dài, nhưng nội dung là ngày xưa cả Cáo, Mèo, Chuột đều sinh ra từ trong một quả trứng. Cả ba anh em đến học thầy Gà trống nổi tiếng khắp vùng. Thầy có hai báu vật, một là ngọc bích thần kỳ soi đường trong đêm đen và chiếc chuông thần gọi mặt trời lên. Thầy đã đem hết kiến thức sách vở, đạo lý, võ thuật truyền dạy cho ba anh em, đến mức sức thầy kiệt dần. Để cứu thầy ba anh em bàn nhau, Mèo và Cáo đi lấy hạt thóc thần về cứu thầy, Chuột ở nhà trông nom thầy. Nhưng rồi khi lấy được thóc thần, trên đường về Cáo đã nổi lòng tham muốn chiếm làm của riêng. Mèo không chịu, giành lại để về cứu thầy khiến viên ngọc rơi xuống vỡ văng ra khắp vùng, vào cả mắt Mèo và Cáo, vì thế mắt Mèo và Cáo mới sáng xanh lên thế. Chuột ở nhà trông thầy nhưng tham lam, ăn vụng quà bánh biếu của thầy khiến thầy càng bệnh nặng, còn định ăn trộm cả chuông thần của thầy nhưng không ngờ vừa động vào chuông vang lên, Chuột sợ quá chạy vào xó tối. Mèo căm phẫn, thề sẽ ăn thịt Chuột. Từ đó Mèo, Cáo, Chuột xa nhau, thầy Gà trống thì sống rất lâu để rung chuông xua đi đêm tối. Những lý giải hết sức dễ hiểu, logic, cuốn hút trẻ em. Bài thơ không chỉ giúp các em có những hình dung đầu tiên về cuộc sống con người, mà còn giáo dục các em về cái xấu và cái đẹp, lừa lọc, tham lam và nhân nghĩa ở đời. Cái đẹp, cái nhân nghĩa mãi mãi sáng lòa, cái xấu, tham lam, lừa lọc mãi mãi bị lên án, xua đuổi, tiêu diệt và luôn ở trong bóng tối, không bao giờ bước ra được phía có ánh sáng.

Không chỉ có vậy, nhiều bài thơ của cô Đinh Thị Hằng dù viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng rất “thấm” và “ngộ” ra nhiều điều.

Một trái tim ấm áp, một tâm hồn yêu thương, thấu hiểu trẻ em, một nhà giáo dục giỏi, tâm huyết đã giúp cô Đinh Thị Hằng viết nên những bài thơ ấn tượng cho thiếu nhi. Chúc cô luôn khỏe để tiếp tục có những sáng tác mới với mảng thơ ca cho trẻ thơ rất ý nghĩa này.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thủ tướng: Phát triển logistics là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược

Kinh tế  |  13:16 02/12/2024

Sáng 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.

Trường THPT A Phủ Lý tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục truyền thống cách mạng 

Y tế  |  11:26 02/12/2024

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 2/12, Trường THPT A Phủ Lý tổ chức sinh hoạt ngoại khóa Giáo dục truyền thống cách mạng. 

Thủ tướng: Nhanh chóng làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo

Kinh tế  |  10:21 02/12/2024

Tối 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chuỗi sự kiện và điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ở thành phố Vũng Tàu.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC