Phòng tránh các bệnh do thời tiết nắng nóng

Y tế 05:25 21/06/2024 Đỗ Hồng
Thời tiết nắng nóng gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên, nếu biết cách có thể chủ động phòng tránh, giảm thiểu tối đa tác động của thời tiết cực đoan đến sức khỏe.

Bác sỹ theo dõi một ca bệnh nặng vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong ngày nắng nóng.

Cảnh giác với say nắng, say nóng, sốc nhiệt

Thạc sỹ, bác sỹ Trần Văn Đạt, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, mùa hè, đặc biệt là thời gian nắng nóng kéo dài số bệnh nhân bị các bệnh do tác động từ thời tiết nhập viện tăng. Phải kể đến đầu tiên bệnh gây ra do tác động trực tiếp của nắng nóng-đó là say nắng, say nóng, nặng hơn là sốc nhiệt. Năm nay cho đến trung tuần tháng 6 chưa có đợt nắng nóng cao điểm kéo dài nào nên chưa có bệnh nhân nhưng những năm trước năm nào cũng có, có ca hôn mê, thậm chí tử vong do sốc nhiệt.

Say nắng xảy ra do làm việc ngoài trời nhiệt độ cao. Say nóng do làm việc trong nhà kín, môi trường nóng nực. Say nắng thường trầm trọng hơn say nóng bởi ngoài yếu tố nhiệt độ cao còn có yếu tố bức xạ của mặt trời nên sẽ ảnh hưởng đến thần kinh. Mức độ trầm trọng hơn của say nắng, say nóng là sốc nhiệt.

Về xử trí bệnh nhân bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt, bác sỹ Trần Văn Đạt chia sẻ, phát hiện và sơ cứu rất quan trọng, số một là phải giảm ngay lập tức yếu tố gây ra bệnh-nhiệt độ. Phải có các cách làm mát bệnh nhân. Vì thế khi phát hiện bệnh nhân cần nhanh chóng đưa vào chỗ mát, thoáng, nới rộng quần áo, lau nước mát cho bệnh nhân để hạ nhiệt, cho uống thêm cốc nước chanh đường, hoặc pha nước điện giải, nước dừa sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh.

Tuy nhiên, mọi người cũng cần có đôi chút kiến thức về nhận định tình hình bệnh nhân để biết đưa người bệnh vào viện kịp thời sau khi sơ cứu. Có thể nhận định tình hình bệnh nhân trên 4 biểu hiện: Thần kinh, hô hấp, tim mạch (huyết áp), nước tiểu. Về thần kinh, nếu bệnh nhân ở trong tình trạng mệt, khát nước, bủn rủn chân tay, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, kích thích, chuột rút, co cơ, không kiểm soát được hành động, lơ mơ, nói nhảm, nặng có thể hôn mê. Về hô hấp, thở nhanh hơn (khoảng 22 nhịp trở lên/phút), hoặc thở chậm (10 nhịp trở xuống/phút) là tình trạng bệnh rất nặng. Về tim mạch, huyết áp tối đa dưới 90, hoặc 150 trở lên. Cùng với đó, để ý nước tiểu, nếu vẫn tiểu bình thường, nước trong thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên nếu nước tiểu ít, vàng sẫm là do cơ thể thiếu nước. Nếu bệnh nhân có một trong các biểu hiện trên thì sau khi sơ cứu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. 

Thời tiết nắng nóng cũng phải hết sức cảnh giác với các bệnh liên quan đến điều hòa. Phổ biến nhất là việc đi nắng về bước vào môi trường có điều hòa lạnh sâu rất dễ xảy ra đột quỵ, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao như người huyết áp cao, người già. Lý do là vì cơ thể đang từ môi trường nắng nóng đột ngột vào môi trường lạnh gây ra co mạch ngoại vi, huyết áp tăng đột ngột dẫn đến đột quỵ. Hoặc đang ở trong phòng điều hòa bước ra ngoài môi trường nắng nóng dễ bị mệt, sốc nhiệt. Ở trong phòng điều hòa lâu, uống nhiều đồ lạnh, nước đá chỉ là biện pháp “giải nhiệt” tức thời trong ngày nắng nóng, nhưng rất dễ gây ra viêm họng, viêm đường hô hấp trên, nhất là với trẻ nhỏ. Nắng nóng, nhiệt độ cao kéo dài cũng tạo nên nhiều nguy cơ với người mắc bệnh nền, nhất là người già sức đề kháng kém.

Cần biết cách phòng tránh

Theo thạc sỹ, bác sỹ Trần Văn Đạt, với những bệnh gây ra do thời tiết nắng nóng, yếu tố dự phòng rất quan trọng. Ví dụ “thủ phạm” gây nên say nóng, say nắng, sốc nhiệt là nhiệt độ và nước. Phải kiểm soát 2 yếu tố này trong ngưỡng an toàn thì sẽ bảo đảm sức khỏe. Về yếu tố nhiệt độ, làm việc trong nhà trời nóng phải mở cửa, bật quạt để tạo lưu thông gió, tạo môi trường thông thoáng. Làm việc ngoài trời cố gắng tránh thời gian nắng nóng cao điểm trong ngày (khoảng 11-16 giờ). Khi làm việc ngoài trời cần mặc áo bảo hộ để che nắng, nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng cho cơ thể. Bên cạnh đó, trời nắng nóng phải chú ý bổ sung đầy đủ nước, nhất là với những người làm việc trong môi trường nắng nóng, làm việc ngoài trời ra mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, bác sỹ lưu ý, chỉ bổ sung nước uống bình thường sẽ không đủ, việc ra mồ hôi nhiều cần phải có bù chất điện giải. Nếu có điều kiện tốt nhất là bổ sung nước dừa có đầy đủ các chất điện giải, nếu rẻ và an toàn thì mua gói điện giải trong các hiệu thuốc pha ra uống. Ngoài ra, chính bản thân mỗi người sẽ cảm nhận được đầu tiên các dấu hiệu của say nắng, say nóng. Vì thế, khi thấy chóng mặt, hoa mắt, khát nước, người khó chịu, cần dừng ngay làm việc và vào chỗ mát, thoáng ngồi, nới quần áo, khăn bịt, lau mặt, tay chân bằng nước để hạ nhiệt, uống nước và nghỉ ngơi.

Về những bệnh liên quan đến dùng điều hòa, thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. Vì thế nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đồng thời mở cửa để cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời xong mới bước ra. Nếu đi từ ngoài nóng vào phòng lạnh, nên mở cửa phòng lạnh và ngồi trước cửa phòng một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Tránh từ phòng máy lạnh đột ngột bước ra ngoài trời nắng nóng ngay, hoặc từ ngoài trời nắng nóng về bước thẳng vào phòng điều hòa, đặc biệt là người cao tuổi, người có tiền sử huyết áp cao. Không nên ngồi phòng điều hòa quá nhiều sẽ làm yếu cơ thể, khô da, dễ bị viêm đường hô hấp. Nhiệt độ phòng điều hòa chỉ chênh lệch tối đa 6-8 độ so với nhiệt độ bên ngoài, để nhiệt độ điều hòa ban ngày 25, 26 độ, tối để 27, 28 độ là vừa.

Về chế độ ăn uống, dinh dưỡng ngày nắng nóng, cần bảo đảm cân đối giữa các nhóm thực phẩm, hạn chế đồ nhiều dầu mỡ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền. Bổ sung vitamin tự nhiên từ hoa quả, rau. Duy trì tập luyện thể thao phù hợp với thể trạng, sức khỏe để tăng chuyển hóa, tăng sức đề kháng.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài

Chính trị  |  17:21 28/09/2024

Chiều 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.

Diễn đàn “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đại hội đảng các cấp”

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  15:57 28/09/2024

Sáng 28/9, Báo Hànộimới, Báo Thừa Thiên Huế và Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đại hội đảng các cấp”. Dự diễn đàn có đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các báo Đảng khu  vực đồng bằng sông Hồng, các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão Yagi

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:23 28/09/2024

Sáng 28/9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 với 26 điểm cầu các tỉnh, thành phố phía Bắc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC