Bình Định không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp và văn hóa Chăm Pa. Nơi đây còn có nhiều làng nghề truyền thống với bề dày hàng trăm năm. Những năm gần đây, loại hình du lịch về làng được nhiều bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu. Hè này, khi đến Quy Nhơn, Bình Định, du khách có thể khám phá văn hóa, con người đất võ qua việc thăm các làng nghề nổi tiếng dưới đây.
Làng nón ngựa Phú Gia
Làng nón ngựa Phú Gia cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng hơn 45 km về phía Bắc, thuộc làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Làng nổi tiếng nghề làm nón ngựa có tuổi đời hơn 300 năm. Với người dân đất võ, nón ngựa là biểu tượng của sự kiên cường, khí phách Tây Sơn.
Để có được chiếc nón hoàn thiện, người nghệ nhân phải thực hiện ba công đoạn là làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Sau khi sản phẩm thành hình sẽ được thêu họa tiết chim công, long, phụng, chim trĩ, hoa, lá. Chóp nón để trống, trên đỉnh có chùm chỉ ngũ sắc.
Du khách tham quan làng nghề sẽ được xem và trải nghiệm quy trình làm nón, tận hưởng cảm giác yên bình ở một làng quê Nam Trung Bộ. Sau khi tham quan làng, khách tham quan có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của Bình Định như bánh xèo, bánh hỏi lòng heo, nem chả...
Giá mỗi chiếc nón dao động từ 50.000 - 100.000. Du khách có thể mua để che nắng hoặc làm quà sau chuyến đi.
Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu
Tiện gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống của thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, tỉnh Bình Định, cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 30km về phía Tây Bắc. Du khách đến có thể xuất phát từ thành phố Quy Nhơn tới Nhơn Hậu bằng xe máy hoặc ô tô, mất khoảng 45 phút di chuyển.
Đến đây, du khách có thể thỏa thích lựa chọn sản phẩm trang trí, đồ dùng gia đình từ nhỏ đến lớn như lục bình, bàn ghế, khay, bộ ấm trà...
Các sản phẩm làm ra được bán tại làng cho khách du lịch và mang đi khắp nơi, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình.
Giá đồ mỹ nghệ ở đây dao động từ vài trăm nghìn đến tiền triệu tùy theo kích thước và độ tinh xảo.
Làng gốm Vân Sơn
Nếu muốn chìm đắm trong không gian yên bình và đậm chất hoài niệm, du khách có thể đến làng gốm Vân Sơn. Làng cũng thuộc thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu. Đây là truyền thống của người Chăm xưa để lại. Làng chuyên sản xuất sản phẩm gốm gần gũi cuộc sống hàng ngày như ấm, nồi, lò, chậu, chum...
Khi đến thăm Vân Sơn, du khách sẽ được chứng kiến nghệ nhân làm tất cả các khâu và tự tay làm các sản phẩm gốm. Gốm Vân Sơn không cầu kỳ, mỗi tác phẩm đều giản dị, lặng lẽ như người dân vùng đất này.
Làng rượu Bàu Đá
Cách Quy Nhơn khoảng 30 km về phía Tây Bắc, dọc theo quốc lộ 1A đến xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, du khách sẽ đến được làng. Rượu Bàu Đá từng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách top 10 đặc sản của Việt Nam.
Rượu làm từ gạo nếp và nước từ một bàu nước đặc biệt trong vùng. Nơi đây hội tụ những mạch nước ngầm chảy ra từ các ngọn núi xung quanh, tạo nên hương vị độc đáo. Với phương pháp thủ công, người thợ sử dụng nậm sành cổ đặc trưng của văn hóa Việt nấu đúng 6 tiếng.
Du khách có thể đến thăm, thưởng thức và mua rượu của làng về làm quà khi du lịch Bình Định.
Nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc
Nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc đã có từ rất lâu. Ở đây sản xuất nhiều loại chiếu từ khổ rộng, khổ hẹp đến chiếu trơn, chiếu hoa. Chiếu trơn dệt từ cói trắng không nhuộm màu, trong khi nguyên liệu làm chiếu hoa được tuyển chọn kỹ hơn để khi nhuộm màu lên chính xác, sắc nét.
Để làm ra một chiếc chiếu hoa, người nghệ nhân sẽ nấu phẩm màu, sau đó nhúng từng nạm cói vào nồi và đem phơi khô. Màu khô cũng là lúc sợi cói đã đạt chuẩn để mang đi dệt thành chiếu hoa. Du khách đến Hoài Châu Bắc ngoài việc chứng kiến quy trình làm chiếu, có thể check-in cùng những sợi cói nhiều màu sắc.
Làng Hoài Châu Bắc thuộc phường Hoài Châu Bắc, Thị xã Hoài Nhơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km về phía Bắc. Để thuận tiện di chuyển, du khách có thể lựa chọn xe máy hoặc ô tô, mất khoảng 1 giờ 15 phút.
Nhiều du khách cho biết, du lịch làng nghề truyền thống mang lại cho họ trải nghiệm văn hóa độc đáo và sâu sắc. Làng nghề vừa giữ gìn những giá trị truyền thống và góp phần phát triển du lịch địa phương.
Trong cuộc đời những người lính năm xưa, có lẽ được gặp Bác Hồ kính yêu là một điều mong ước của bất kỳ ai. Với những người lính hải quân từng được gặp Bác, nghe Bác trò chuyện là một vinh dự lớn lao và là kỷ niệm sâu sắc theo suốt cuộc đời. Cựu chiến binh (CCB) Trương Như Tuyến, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý - người từng 2 lần được Bác Hồ tới thăm đơn vị vẫn luôn nhắc nhớ và khắc ghi kỷ niệm không quên trong đời quân ngũ.
Trong không gian linh thiêng của chùa Tam Chúc, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025 không chỉ là sự kiện tâm linh trọng đại, mà còn là dịp để các giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn liền với Phật giáo được giới thiệu sâu rộng tới cộng đồng. Những ngày này, hàng loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc diễn ra bên lề Đại lễ đã, đang và hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật.
Chính phủ vừa có Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (Kế hoạch).
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.