An Giang không chỉ nổi danh với những địa điểm du lịch đậm chất miền sông nước hay những món ăn dân dã mà còn là vùng đất huyền bí, nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc, tín ngưỡng khác nhau. Khắp mảnh đất An Giang là những công trình tâm linh đền, chùa, miếu gắn với văn hóa, lịch sử cùng những giai thoại từ thời khẩn hoang mở đất. Du khách yêu thích du lịch tâm linh có thể tham quan rất nhiều địa điểm với những nét đặc trưng riêng, tập trung nhiều ở khu vực núi Sam, Châu Đốc.
Miếu Bà Chúa Xứ
Miếu nằm ở khu vực núi Sam. Ngọn núi cao 284 mét, thuộc dãy Thất Sơn là địa điểm thu hút du khách bậc nhất tại An Giang. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 200 năm, khi phát hiện và thấy sự linh thiêng của tượng Bà (tọa trên đỉnh núi Sam), người dân địa phương đã thỉnh tượng xuống chân núi để tiện việc thờ cúng.
Nhưng khi rước Bà đến nơi lập miếu hiện tại, bức tượng nặng trĩu không thể di chuyển tiếp. Người dân nơi đây cho rằng Bà chọn vị trí này để an vị. Từ đó đến nay, khách thập phương kéo đến viếng Bà ngày một đông.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam nổi tiếng vì sự linh thiêng và kiến trúc ấn tượng. Trước đây, nơi này được xây dựng khá đơn sơ bằng tre lá. Từ năm 1972 - 1976, hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng và Nguyễn Bá Lăng đã cải tạo để có dáng vẻ như ngày nay.
Toàn bộ kiến trúc được xây theo hình chữ "quốc", các tháp có hình dáng hoa sen nở. Phía ngoài là cánh cổng được chạm trổ với nhiều liễn đối, hoành phi vàng son. Dù đã nhiều lần sửa chữa, bức tường phía sau tượng Bà và bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu. Mái tam cấp của ba tầng lầu có phần góc cong, được lợp ngói đại ống màu xanh ngọc bích.
Du khách có thể đến miếu bằng nhiều cách. Hiện nay, nhiều du khách chọn di chuyển bằng cáp treo tại Khu du lịch Cáp treo Núi Sam. Tuyến cáp treo có chiều dài 900 m, với 37 cabin, mỗi cabin có sức chứa 8 hành khách. Hiện tại, giá vé cáp treo hai chiều dành cho người lớn là 150.000 đồng.
Di chuyển bằng cáp treo lên đỉnh núi, du khách có thể chiêm bái tượng Phật Ngọc song sinh hòa bình thế giới. Tượng được làm từ ngọc bích có nguồn gốc từ Vancouver Canada có ý nghĩa đem đến an lành và bình an cho nhân loại.
Tượng Phật Ngọc trên đỉnh núi Sam cạnh nhà ga cáp treo được chế tác bởi các nghệ nhân lành nghề vùng biên giới Thái Lan – Myanmar. Tượng cũng được tạc theo khuôn mẫu của tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong bảo tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Hình ảnh này tượng trưng cho "sự giác ngộ, viên mãn, may mắn và bình an".
Chùa Hang
Nằm trên triền núi Sam, chùa Hang cũng là công trình tâm linh nổi tiếng. Du khách có thể quan sát chùa từ tuyến cáp treo núi Sam. Xung quanh chùa được bao bọc bởi núi non hùng vĩ cùng nhiều loài hoa khoe sắc quanh năm. Khuôn viên được xây dựng với nhiều điểm tham quan như: chánh điện, đường hang, hồ liên trì hải hội, sân tiên. Ngôi chùa được thiết kế hài hòa với tông màu đỏ chủ đạo, lợp ngói ống, cột và mái chạm khắc tinh xảo, lối đi được lát đá theo bậc thang thuận tiện di chuyển.
Chùa được xây trong giai đoạn 1840 - 1850. Ban đầu, chùa chỉ là một ngôi nhà nhỏ bằng tranh tre đơn sơ. Đến năm 1937, hòa thượng Thích Huệ Thiện cho tiến hành trùng tu, nâng cấp.
Chùa Huỳnh Đạo
Nằm trong quần thể các công trình tâm linh núi Sam, chùa Huỳnh Đạo gây ấn tượng với khách thập phương với kiến trúc độc đáo và không gian rộng đến 12 ha. Đây là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng rồng nhất ở An Giang. Ấn tượng nhất là tượng 9 con rồng uốn lượn trên nước.
Chùa Huỳnh Đạo được xây dựng năm 1928. Đến năm 1996, chùa được di dời và xây cất mới tại khu đất diện tích 12 ha. Năm 2018, chùa được xây dựng hoàn thành như ngày nay.
Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa với hai gian thờ chính và một khuôn viên lớn, bên ngoài thờ các vị thần bốn phương. Không chỉ là điểm đến tâm linh, nơi đây thu hút giới trẻ vì sở hữu nhiều góc check-in ấn tượng.
Lăng ông Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc cổ, tiêu biểu dưới thời phong kiến và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam năm 1997. Công trình để tưởng niệm ông Thoại Ngọc Hầu - người có công khai khẩn và trấn giữ vùng đất An Giang.
Lăng có khuôn viên rộng, được bao bọc bởi tường thành, cổng vào được đúc thành hình bán nguyệt, tạo nên thế vững chãi và chắc chắn. Ngoài việc viếng lăng mộ, khách còn có cơ hội tham quan nhà trưng bày các hiện vật cổ quý hiếm, mang giá trị cao về lịch sử văn hóa. Kiến trúc lăng là sự giao hòa giữa nghệ thuật truyền thống và văn hóa địa phương.
Chùa Tây An
Chùa nằm dưới chân núi Sam, gần miếu Bà Chúa Xứ. Theo ghi chép, Tây An có lịch sử hình thành từ năm 1847. Tổng đốc vùng An-Hà (An Giang và Hà Tiên) vui mừng vì lập được đại công đánh đuổi giặc, nên đã cho xây dựng chùa Tây An với tên gọi có ý nghĩa là trấn yên bờ cõi phía Tây. Chùa có diện mạo như ngày nay sau đợt trùng tu lớn năm 1958, pha lẫn kiến trúc Ấn, Việt.
Điểm ấn tượng là chính điện với ngôi tháp có nóc tròn hình củ hành, giống những đền chùa ở Ấn Độ. Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ 19.
Cổng chùa được chia làm ba cửa. Phần cửa ở giữa là nơi thờ phụng tượng phật Quan Âm Thị Kính đang bồng trên tay con của Thị Mầu, còn hai bên đặt biển ghi tên Tây An cổ tự. Ngay sau cổng tam quan là một cột cờ cao 16m. Đặt bên cạnh là tượng hai chú voi, một chú voi trắng 6 ngà và một chú voi đen 2 ngà. Theo quan niệm của Phật giáo, voi trắng là điềm lành, báo hạ sinh thái tử Sĩ Đạt Ta (chính là Đức Phật Thích Ca sau này). Voi đen là chú voi ngự, tên là Ô Long, có công giúp triều đình đánh thắng giặc ngoại xâm.
Đình thần Vĩnh Tế
Đình Vĩnh Tế nằm trên thềm cao, lưng tựa vào vách núi, thuộc khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam. Tọa lạc trên mảnh đất rộng 3.700 m2, diện tích ngôi đình chỉ chiếm 745 m2 nên khuôn viên xung quanh đình rất rộng. Sân lót gạch tàu, trồng hoa kiểng thoáng mát và đẹp mắt. Đình có hai chái, chánh điện hình tứ trụ, trên nóc là tượng lưỡng long tranh châu. Chái giữa đòn dông ngang, nhà cối (kho) và nhà trù (bếp) hai bên cất dòn dông xuôi. Trong sân đình có năm ngôi miếu nhỏ: Bạch Mã thái giám, Sơn quân, Ngũ hành, Thần nông, Hậu thổ. Mỗi miếu đều có đôi liễn đối bằng chữ Hán.
Đình Vĩnh Tế ban đầu được xây dựng bằng cây lá, cột là danh mộc. Đến năm 1839 được trùng tu xây tường gạch, mái lợp ngói vảy cá, sườn và cột vẫn giữ nguyên.
Tượng Phật Thích Ca tạc vào núi Sam
Bức tượng Phật ngồi thiền, cao 81 m, được tạc vào vách núi Sam là một trong những công trình tâm linh đồ sộ nhất An Giang và Việt Nam. Khởi công từ 10 năm trước, bức tượng này đặt ở vị trí trung tâm trong khu vực rộng lớn lên đến 5.500 m2. Kinh phí xây dựng công trình đến từ nguồn quỹ của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam cùng sự đóng góp từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Khu vực vách núi này từng là mỏ đá trước khi được chọn làm nơi tạo tác cho tượng Phật. Theo dự kiến, tượng hoàn thành vào năm 2025, nằm trong quần thể các công trình du lịch tâm linh ở Núi Sam. Khi hoàn thiện, nơi đây dự kiến trở thành địa điểm tham quan, chiêm bái của hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Ngoài du lịch tâm linh, tín ngưỡng, vùng đất An Giang cũng có nhiều yếu tố văn hóa, lễ hội đặc sắc thu hút du khách. Địa phương Tây Nam bộ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc. Nhờ đó, nét văn hóa, lễ hội cũng mang màu sắc riêng.
Với người Khmer, họ có lễ Đôlta và hội đua bò Bảy Núi được tổ chức định kỳ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch. Đây là lễ hội để người Khmer tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, cầu phúc cho linh hồn của những người thân đã ra đi. Người Kinh có lễ hội đình Châu Phú, lễ hội miếu Bà Chúa Xứ,... Mỗi năm năm, các lễ hội đón hàng nghìn lượt khách tham dự.
Dự báo, trong tháng 1/2025, ở Bắc Bộ không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.
Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.