Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu về những trường hợp bệnh nhân nhập viện do tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não) cho thấy, hầu hết đều triệu chứng thần kinh như rồi loạn ý thức, hội chứng tiểu não – hội chứng tiền đình trung ương, rối loạn lời nói, thị giác, có thể đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn, chóng mặt, hành vi loạng choạng… Với những người cao tuổi, tình huống xuất hiện những triệu chứng này thường tại gia đình, không ít trường hợp được phát hiện muộn đưa vào viện cấp cứu đã ở tình trạng bệnh khá nặng. Bệnh nhân hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở; tăng huyết áp khó kiểm soát, kèm theo các bệnh lý bệnh tim, đái tháo đường, tiên lượng xấu.
Theo Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, với những người cao tuổi, khả năng làm mát cơ thể suy giảm nên vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và tuần hoàn, giảm lượng máu nuôi não, nên rất dễ bị kiệt sức và có khả năng đột quỵ.
Trong đề tài nghiên cứu của Thạc sỹ - bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn về đột quỵ, chỉ rõ: “Tai biến mạch não (còn được gọi là đột quỵ não) được định nghĩa là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự xuất hiện và phát triển một cách cấp tính các rối loạn hoặc mất chức năng não khu trú hoặc lan toả tồn tại trên 24 giờ hoặc dẫn đến tử vong mà không có nguyên nhân nào khác ngoài nguyên nhân mạch máu. Những trường hợp giảm hoặc mất chức năng não khu trú phục hồi trong vòng 1 giờ được gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua mà không gọi là tai biến mạch não.” Hiểu một cách đơn giản hơn, tai biến mạch não là các thiếu sót thần kinh cấp tính do nguồn gốc mạch máu, bao gồm xuất huyết tự phát trong não (không do chấn thương) hoặc thiếu máu cục bộ não do giảm dòng máu não, huyết khối, các bệnh lý của mạch máu, bệnh tim hoặc bệnh máu. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh tim mạch và ung thư.
Yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính tác động đến hội chứng này ở người cao tuổi. Theo Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch - BVĐK tỉnh: “Thay đổi thời tiết, thời tiết giá lạnh, rét đậm, rét hại hoặc nắng nóng chính là nguyên nhân khiến nhiều người có tiền sử tăng huyết áp, loạn nhịp tim, rối loạn mỡ máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, có bệnh lý về máu, thừa cân, ít vận động…dễ bị đột quỵ.”
Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây nên hội chứng do thời tiết, Thạc sỹ- Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Cơ chế gây đột quỵ xuất huyết là do khi trời lạnh làm co mạch máu ngoại biên do đó dẫn đến tăng sức cản mạch hệ thống, tăng áp lực trung tâm động mạch chủ, từ đó dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ xuất huyết não. Cơ chế gây đột quỵ nhồi máu khi trời lạnh là do nhiệt độ thấp có thể ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và tiêu sợi huyết, từ đó thúc đẩy hình thành trạng thái tăng đông. Khi cơ thể tiếp xúc với môi trường nóng bức kéo dài (trời nóng) thì dễ dẫn đến tình trạng mất nước qua đường mồ hôi, từ đó dẫn đến tình trạng cô đặc máu, làm tăng độ nhớt của máu do đó dễ dẫn đến hình thành huyết khối và gây nên đột quỵ não. Mặt khác khi nhiệt độ cao kéo dài (nhiệt độ môi trường ≥ 40 độ C) sẽ dẫn đến tổn thương tế bào não, tim, thận, cơ do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.
Đặc điểm lâm sàng của đột quỵ do trời nóng và trời lạnh cơ bản là giống nhau. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức (thậm chí hôn mê), tê hoặc yếu mặt, tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể, khó nói hoặc không hiểu được câu lệnh, mất thị lực một hoặc hai mắt, khó đi lại, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc thất điều. Vì vậy khi có một trong các dấu hiệu kể trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để điều trị hiệu quả tai biến mạch máu não, cần có sự phối hợp nhịp nhàng nhiều chuyên khoa: hồi sức nội khoa - phẫu thuật thần kinh - chẩn đoán hình ảnh và X-quang can thiệp- phục hồi chức năng. Vào thời điểm cuối tháng 3, một vài ca đột quỵ được chuyển vào viện trong tình trạng bệnh nặng, các ca bệnh đã được can thiệp kịp thời nhờ sự phối hợp tốt giữa các khoa chuyên môn của bệnh viện nên bệnh nhân đã qua được giai đoạn nguy hiểm, “từ cõi chết trở về”. Thời điểm tháng 6, tháng 7, tháng 8 năm nay được dự báo nắng nóng gay gắt hơn mọi năm, gây nguy cơ đột quỵ cao với người cao tuổi có bệnh nền về tim mạch, đái tháo đường.
Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo: “Đột quỵ não hay gặp chủ yếu ở người lớn tuổi. Một nghiên cứu gần đây về tình hình đột quỵ não ở Việt Nam cho thấy độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ não khoảng 65 tuổi. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ. Để tránh đột quỵ não khi thời tiết nắng nóng, người già nên tránh môi trường có nhiệt độ cao, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát. Ăn đủ chất, uống đủ nước, luyện tập thể dục hợp lý. Bên cạnh đó cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ khác nếu có như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, lạm dụng rượu bia thuốc lá...”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 47/CT-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.
Hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng năm 2025, ngày 26/12, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kim Bảng phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2025.
Chiều 26/12, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thảo luận các nội dung trình Kỳ họp chuyên đề năm 2025, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 và các nội dung khác theo Quy chế làm việc. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.