Du lịch nội 'không thể chỉ sống nhờ đường bộ, đường sắt'

Du lịch 05:34 22/05/2024 Theo vnexpress.net
Khi giá vé máy bay tăng, du lịch đường bộ, đường sắt lên ngôi, nhưng về lâu dài du lịch nội "không thể chỉ sống nhờ" vào hai hình thức này, theo giới chuyên gia.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, nhận thấy việc du lịch đường bộ, đường sắt được ưa chuộng khi giá vé máy bay tăng cao "là điều tốt cho ngành du lịch". Đường bộ ngày càng thuận lợi nhờ các tuyến cao tốc trong khi đường sắt dần trở thành trải nghiệm, được nhiều người cả trẻ lẫn lớn tuổi yêu thích.

Ông Hoan nói khách thích đi tàu đêm, nghỉ đêm trên tàu và sáng hôm sau tới nơi. Đây là cách họ tiết kiệm thời gian so với đi máy bay. Loại hình này cũng phù hợp cho các nhóm bạn, gia đình bởi họ có thể dành thời gian vui chơi cùng nhau trên tàu, thay vì "một chuyến bay nhạt nhẽo".

Khách dạo chơi trên bãi biển Đà Nẵng, nơi tăng trưởng 60% lượng khách đến bằng tàu dịp 30/4. Ảnh: Nguyễn Đông

Tuy nhiên, đường sắt hay đường bộ đều có nhược điểm khiến công ty lữ hành phải cân nhắc khi làm sản phẩm. Đại diện Flamingo Redtours nói ngành đường sắt chưa "linh hoạt" phục vụ và với nhu cầu hiện tại, đường sắt sẽ sớm quá tải. Với những chặng xa như Hà Nội - Đà Nẵng hay Quảng Bình, du khách có thể đi tối, ngủ đêm trên tàu. Nhưng chặng đi vào ban ngày sẽ khó thu hút do khách thường mệt khi đến nơi vào buổi tối.

"Nhu cầu của khách có nên tôi nghĩ ngành đường sắt cần điều chỉnh để phù hợp hơn với du lịch" về cả lịch trình hay xa hơn là khung tàu, khổ đường sắt để các chuyến đi nhanh hơn, ông Hoan nói.

Hành khách ở ga Sài Gòn hôm 26/4. Ảnh: Gia Minh

Đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết chỉ coi đường sắt, đường bộ là "phương án tạm thời" khi giá vé máy bay cao. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nói chất lượng đường sắt ở Việt Nam chưa tốt trong khi khách du lịch luôn tìm kiếm sự thoải mái, nghỉ ngơi. Thời gian di chuyển quá lâu gây ảnh hưởng đến lịch trình, ví dụ khách từ Hà Nội đi Quảng Bình bằng tàu sẽ tốn nguyên một ngày đêm để đi và về.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói đường cao tốc dù tốt, du lịch bằng ôtô chỉ tối ưu trong phạm vi 300 km, đi xa hơn sẽ "rất mệt".

Về lâu dài, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, nói phụ thuộc vào du lịch đường bộ sẽ làm giảm nhu cầu với các sản phẩm đường dài, thậm chí quốc tế, gây mất cân bằng du lịch giữa các địa phương. Những địa phương có nguồn cung phòng, dịch vụ du lịch lớn nhưng ở xa Hà Nội và TP HCM như Nha Trang, Phú Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Dịp lễ 30/4, Phú Quốc ghi nhận lượng khách tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Thanh Hóa ghi nhận mức tăng hơn 27%, đón nhiều khách nhất nước với 1,5 triệu lượt trong 5 ngày. "Sự đối lập của Phú Quốc và Thanh Hóa dịp lễ 30/4 vừa rồi là ví dụ điển hình", ông Vũ nói, nhấn mạnh sự lệ thuộc này còn gây quá tải hệ thống đường bộ và các điểm đến gần.

Ông Đạt cho biết khách từ Hà Nội đi Đà Nẵng bằng tàu sẽ mất 16 tiếng, đi từ TP HCM khoảng 19 tiếng. Phương án khai thác du lịch bằng tàu từ TP HCM "gần như bất khả thi" vì xa, gây mệt mỏi. Tương tự, Phú Quốc cũng không thể phụ thuộc vào tàu cao tốc bởi phương tiện này chỉ phù hợp nhóm khách nhỏ miền Tây.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, cũng nhận xét đường bộ, đường sắt chỉ là "giải pháp thích nghi". Để đảm bảo kế hoạch kinh doanh từ khi vé máy bay khó tiếp cận, đơn vị phải chuyến hưởng sản phẩm sang đường bộ, tận dụng lợi thế cao tốc, kết nối tốt giữa Hà Nội, TP HCM với các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng hay phía nam là Vũng Tàu, Bình Thuận. Với tuyến miền Trung như Đà Nẵng, các gói tour kết hợp, chiều đi bằng tàu hỏa vãn cảnh, chiều về bằng máy bay đang được cân nhắc.

Dù vậy, đại diện đơn vị này vẫn kỳ vọng hàng không và du lịch sớm có tiếng nói chung để phát triển các sản phẩm nội địa. Báo cáo từ BenThanh Tourist về tình hình du lịch hè cũng chỉ ra các sản phẩm nội địa bằng đường hàng không vẫn chiếm tới 60% tổng sản phẩm du lịch nội địa khởi hành từ TP HCM. Số lượng sản phẩm du lịch đường bộ chỉ tăng 5-10% so với cùng kỳ 2023 - mức được nhận xét "không đáng kể".

Nhiều du khách cũng chưa hài lòng với du lịch đường sắt. Thảo Ly, du khách từ TP HCM, có trải nghiệm đi tàu đêm đến Phú Yên cuối năm ngoái. Cô nói không thể nghỉ ngơi vì tiếng ồn lớn và "đau nhức hết người" sau chuyến đi.

Ông Thanh Tùng, du khách từ Hà Nội đi tàu vào Đà Nẵng hồi đầu tháng 5, cũng cho biết gia đình ông không thể ngủ do chuyến tàu ồn, khoang ngủ nhỏ. Chuyến đi tiết kiệm hơn nhiều nhưng "đến nơi, tôi không còn sức đi chơi nữa", ông nói.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tháng 1/2025, Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại

Môi trường - Đô Thị  |  17:52 22/12/2024

Dự báo, trong tháng 1/2025, ở Bắc Bộ không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.

Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành 134/158 nhiệm vụ năm 2024

Môi trường - Đô Thị  |  14:08 22/12/2024

Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.

Ban CHQS thành phố Phủ Lý gặp mặt gia đình quân nhân

Quốc phòng  |  12:50 22/12/2024

Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC