Những đóng góp của Hà Nam cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Quê hương núi Đọi sông Châu 13:57 07/05/2024 Mai Khánh (Biên soạn)
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta có bước chuyển lớn. Ta càng đánh càng mạnh, giữ thế chủ động trên chiến trường. Địch hoang mang, bị động, lúng túng phải phân tán lực lượng để đối phó với chiến tranh nhân dân của ta, mà nòng cốt là đòn tấn công của bộ đội chủ lực.

Nhằm cứu vãn nguy khốn, mùa hè năm 1953, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Xalăng về nước cử tướng Nava sang thay. Viên tướng này đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng, để chỉ trong 18 tháng xoay chuyển cục diện, giành một thắng lợi quyết định ở Bắc Bộ. Mưu đồ kéo lực lượng bộ đội chủ lực của ta lên vùng rừng núi hẻo lánh, hiểm trở, xa xôi để tiêu diệt. Ngày 20/11 và 3/12/1953, Nava cho đổ quân cùng nhiều vũ khí, phương tiện quân sự xuống vùng lòng chảo Điện Biên Phủ, gấp rút xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm và tuyên bố là “Bất khả xâm phạm”.

Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta theo dõi sát sao mọi hoạt động của địch. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt thế và lực, tương quan lực lượng giữa ta và địch, với quyết tâm rất cao, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, quân dân ta chấp nhận cuộc đối đầu lịch sử. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị duyệt phương án mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Quân ủy, cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng, mở màn chiến dịch lịch sử. Chỉ trong 4 ngày từ 13 – 17/3, quân ta đã đập tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng Bắc và Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy cùng đại diện các cấp, ngành tặng quà tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến huyện Thanh Liêm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Huy

Hà Nam phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

Tin thắng trận giòn rã ở Điện Biên Phủ làm nức lòng Đảng bộ, quân và dân Hà Nam. Phối hợp với chiến trường chính, kìm chân địch, ngăn chúng tăng viện cho Tập đoàn cứ điểm, Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiến công địch trên địa bàn toàn tỉnh, phát huy tổng lực, cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân, dùng mọi loại vũ khí, đánh địch trong mọi hoàn cảnh.

Nhiều nơi, du kích đã dùng chông mìn, cạm bẫy, lừa địch, nhử địch vào vị trí phục kích để tiêu diệt. Trong một trận càn của địch vào xã Tiên Nội (Duy Tiên), du kích đã gài 100 bàn chông, 20 hố mìn, khi địch vào làng sục sạo đã sa vào 18 hố chông, 6 hố mìn, chết và bị thương 26 tên.

Vừa tích cực chống địch càn quét, quân ta vừa chủ động bao vây, tấn công, bức rút tiêu diệt các đồn bốt của địch. Ngày 16/3/1954, lực lượng vũ trang Kim Bảng nhổ bốt Quế. Từ ngày 17 – 19/3, ta đã bắt 216 tên địch ở Kiện Khê (Thanh Liêm) bằng tác chiến và binh vận. Ngày 27/3, ta san bằng bốt chùa Ông (Kim Bảng) do lính Âu-Phi chốt giữ. Phòng tuyến sông Đáy của địch tiếp tục bị phá toang.

Do ta uy hiếp mạnh, Pháp phải điều binh đoàn cơ động số 4 tăng cường cho lực lượng chốt giữ thị xã Phủ Lý; đưa 2 binh đoàn cơ động số 5 và số 8 về bảo vệ dọc tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 21, nhưng không ngăn được quân ta bao vây, phục kích, tập kích, tiêu diệt các vị trí ngoại vi thị xã. Ngày 7/4, quân ta tấn công Tiểu đoàn 1 của địch ở cầu Gừng (Thanh Liêm) diệt gọn 2 đại đội. Ngày 8/4, ta tiêu diệt các vị trí Non, Kỷ Cầu (Thanh Liêm). Ngày 11/4, ta tập kích Tiểu đoàn 2 của địch tại thôn Thượng Tổ (Thanh Châu) tiêu diệt và bắt sống 385 tên. Bị thiệt hại nặng, binh đoàn cơ động số 4 phải rút khỏi thị xã Phủ Lý để bổ sung quân số, binh đoàn cơ động số 8 vào thay thế.

Một hướng tấn công khác của quân, dân Hà Nam là giao thông, nhằm ngăn cản và làm tê liệt vận chuyển của địch. Chỉ trong đêm 27/3, quân dân huyện Duy Tiên đã phá hoại 4km quốc lộ 1. Đồng thời, các trận đánh của quân ta ở khu vực này và ven sông Đáy đã diệt 104 tên địch, 66 tên bị thương, phá hỏng 20 xe cơ giới và 12 tàu xuồng của địch.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta toàn thắng, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nam vẫn chưa kết thúc. Các đơn vị bộ đội địa phương, du kích các xã tiếp tục uy hiếp mạnh các vị trí trọng điểm của địch, các tuyến giao thông. Toàn tỉnh đồng loạt tiến công địch cả về quân sự, kinh tế và binh vận.

Bị bao vây và tiến công liên tục, nhưng địch vẫn ngoan cố. Ngày 21/5/1954, Pháp huy động một lực lượng lớn thuộc 3 binh đoàn cơ động số 4, số 5 và số 8 càn quét vùng núi đất Chanh Chè, Trà Châu (Thanh Tâm, Thanh Liêm) đã bị lực lượng độ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích giáng trả quyết liệt, thương vong hàng trăm tên, cùng nhiều vũ khí, phương tiện quân sự bị ta phá hủy hoặc thu giữ.

Từ ngày 15/6, Pháp bắt đầu rút quân khỏi Hà Nam. Nhận được điện của Bộ Tư lệnh Liên khu 3, Tỉnh đội Hà Nam đã triển khai đánh địch rút chạy, thu hồi các địa phương tạm bị chiếm.

Ngày 3/7/1954, toàn bộ quân địch ở thị xã Phủ Lý và dọc quốc lộ 1, Ba Đa, Lam Cầu, Đồng Văn đã rút chạy về Hà Nội. Vào hồi 15 giờ chiều, Ủy ban quân quản của ta vào tiếp quản thị xã Phủ Lý. Hai giờ sáng ngày 4/7, những tên lính địch cuối cùng rút khỏi Nhật Tựu (Kim Bảng). Hà Nam hoàn toàn được giải phóng.

Hà Nam đóng góp cho chiến trường Điện Biên Phủ

Chiến đấu, phối hợp chia lửa với chiến trường chính, Hà Nam còn rất tích cực đóng góp nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Trong hơn một năm từ đầu năm 1953 đến tháng 4/1954, Hà Nam đã tiễn hàng ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ. Nhiều thanh niên Hà Nam hăng hái tòng quân vào bộ đội chủ lực, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương tật suốt đời.

Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, trên địa bàn tỉnh chỉ còn trên 12% số thôn bị địch tạm chiếm. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh ta huy động lực lượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trực tiếp phục vụ chiến trường.

Tháng 11/1953, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập Ban dân công các cấp. Thực hiện nghị định này, Ủy ban kháng chiến tỉnh Hà Nam đã xúc tiến thành lập các Ban dân công của tỉnh, huyện, thị xã và cơ sở. Việc tuyển chọn dân công hỏa tuyến cho chiến trường Điện Biên Phủ được tiến hành khẩn trương theo các tiêu chuẩn bảo đảm về sức khỏe, có tinh thần hăng hái, ý chí chịu đựng khó khăn, gian khổ. Đối với người dân được đi dân công phục vụ mặt trận là niềm vinh dự lớn.

Đồng thời với việc huy động lực lượng đi dân công, thanh niên xung phong, Hà Nam cũng tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật tư cần thiết khác cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nhiều nơi ở vùng tự do của tỉnh, nhân dân đóng góp hàng trăm ki lô gam vừng, đậu lạc, hàng ngàn gói thuốc lào, hàng trăm ống thuốc tiêm… Nhiều ngư dân làm nghề đánh cá trên sông Hồng, sông Đáy, sông Châu tự nguyện góp thuyền và trực tiếp chở hàng phục vụ tiền tuyến.

Lúc này châu Lạc Thủy thuộc tỉnh Hà Nam. Đây là huyện miền núi, có căn cứ Chi Nê của tỉnh, nằm trên tuyến đường chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Hàng ngàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư đã được tập kết ở căn cứ, từ đây ra chiến trường theo tuyến đường Hòa Bình – Suối Rút – Mộc Châu – Cò Nòi – Tuần Giáo để đến Điện Biên Phủ. Hành trình dân công phải đi rất dài, qua những cung đường hiểm trở, bị địch thường xuyên bắn phá. Đặc biệt ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin bị máy bay địch ném bom suốt cả ngày đêm.

Vượt qua muôn vàn gian nan, kể cả đổ máu, dân công Hà Nam dũng cảm cùng dân công các tỉnh khác tiến về mặt trận. Phương thức vận chuyển lúc ấy là gồng gánh, đẩy xe đạp thồ, chở thuyền. Xe đạp thồ được sắp xếp thành từng toán để hỗ trợ nhau, mỗi toán có một xe chở đồ nghề sửa xe, phụ tùng thay thế.

Hà Nam đã đóng góp tích cực về vật lực chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, tuy nhiên chúng tôi chưa tìm được tư liệu thống kê cụ thể. Tổng kết của Cục cung cấp quân đội cho biết, đã cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ khối lượng vật chất lớn lên tới 20.000 tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm. Huy động 261.451 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 20.991 xe đạp thồ…

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thêm một lần Đảng bộ, quân và dân Hà Nam tự hào đã có những đóng góp quan trọng, xứng đáng cho chiến trường ác liệt, đồng thời đây cũng là động lực cổ vũ Hà Nam tiếp tục vươn lên, không ngừng đổi mới phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Sôi động Festival võ thuật tỉnh Hà Nam mở rộng năm 2024

Văn hóa  |  09:26 01/12/2024

Thiết thực kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức  Festival võ thuật tỉnh Hà Nam mở rộng năm 2024.

Cây xương rồng - 'Ngôi sao sáng' thời đại biến đổi khí hậu

Quốc tế  |  06:02 01/12/2024

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khi những thách thức như hạn hán, dịch bệnh và thời tiết cực đoan đang đe dọa nghiêm trọng nền nông nghiệp toàn cầu, một loài cây tưởng chừng bị lãng quên bỗng chốc trở thành "ngôi sao sáng" của ngành nông nghiệp.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả

Chính trị  |  05:55 01/12/2024

Chiều tối 30/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc và Lê Thành Long; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC