Năm ấy, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hộ mới 16 tuổi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đơn vị đầu tiên mà ông đóng quân là Trung đoàn vận tải liên khu 3-4 thuộc huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). Sau một thời gian tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa, đầu năm 1953, ông Hộ chuyển về chỉnh quân ở chiến khu Việt Bắc, đi học lái xe rồi về Đại đội 11 nhận nhiệm vụ ở chiến dịch Tây Bắc. Cuối năm 1953, khi quân Pháp rút khỏi Lai Châu, ông Hộ lại có nhiệm vụ chuyên chở, tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Và đây cũng là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời của người lính lái xe Nguyễn Văn Hộ khi ấy mới tròn 18 tuổi.
Ông Hộ nhớ lại: Lúc đó, đơn vị chúng tôi chuyên vận tải từ Tuần Giáo đi vào Điện Biên, quãng đường 52km nhưng rất khó đi, lại có nhiều trọng điểm bắn phá, quần thảo của máy bay địch nhằm ngăn không cho lực lượng của ta tiếp tế lên Điện Biên. Chính vì vậy, chủ yếu chúng tôi lái xe vào ban đêm. Lúc đầu, hai ngày mới được 1 chuyến. Đoạn đường từ Tuần Giáo vào tới cây số 15 đường còn dễ đi, từ cây số 15 trở đi rất hẹp và khó đi, không có đường tránh, nhiều đoạn, bộ đội công binh và dân công phải làm đường báo động dây chuyền để bảo đảm cho xe ô tô không bị máy bay địch bắn ban đêm. Nếu có báo động, phụ xe báo cho lái xe tắt đèn. Sau bộ đội làm đèn rùa để chạy. Đi bằng đèn rùa, chỗ khó không thể đi được, công binh làm dây vải trắng căng ra hai bên để xe đi vào giữa… Khí thế của dân công, bộ đội vui lắm, xe thồ, gánh, đi bộ, lái ô tô…, tinh thần đánh giặc, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của quân và dân rất cao. Dù gian khổ, hiểm nguy vẫn không làm mất đi tinh thần lạc quan, tin vào một chiến thắng ngày mai của người chiến sỹ Điện Biên khi ấy. Trong cuộc chiến đó, mỗi người lính dù đến từ một đơn vị, làm một nhiệm vụ khác nhau, thế nhưng tất cả đều chung 1 tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ông Hộ kể: Nhằm bảo đảm cho tiền tuyến bước vào giai đoạn từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, những chiến sĩ vận tải lại bước vào những tháng ngày cam go, gian khổ hơn. Khi đó, ông và những đồng đội của ông phải nâng công suất 1 đêm 1 chuyến để chở gạo tiếp tế phục vụ chiến dịch, rồi 2 đêm 3 chuyến dù cho phía địch lúc này ngăn chặn tiếp tế của ta rất ác liệt. Bộ đội ăn tiết kiệm hơn để giành gạo cho chiến dịch, lượng gạo giảm dần từ 8 lạng, rồi 5 lạng, 3 lạng/người/ngày. Đói, nhiều lúc chúng tôi phải đi đào củ mài để ăn. Nhưng lúc đó chỉ nghĩ tới hoàn thành nhiệm vụ, không nghĩ gì khác. Lúc đó, cánh lái xe chúng tôi được ưu ái và quý mến lắm. Những lúc nghỉ ngơi, muốn hay không muốn, lái xe phải đi ngủ, giữ sức khỏe, không phải làm gì. Để xe chỗ nào, bộ đội, dân quân tự ngụy trang xe cho bộ đội bằng cây lá, rồi đào cả những gốc dạ ở dưới ruộng để xóa dấu vết bánh xe ô tô, tránh máy bay địch phát hiện. Hôm nào chúng tôi đến cây số 41 cũng được dân công phục vụ cho 1 bi đông nước chè pha đường phên thật đặc uống để đủ sức tỉnh táo lái xe…
Dù vậy, tuyến vận tải của ta phục vụ cho chiến dịch vẫn được đảm bảo, từ thô sơ, xe thồ, rồi gánh gồng, ô tô, chỗ nào khó có dân công, chỗ nào có đường có xe ô tô… Chỉ trong vòng 20 ngày, bộ đội ta đã hoàn thành chuyển trở 3000 tấn gạo phục vụ cho tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hộ cùng các chiến sĩ lái xe lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, vũ khí quân, tư trang chuyển về các kho và tiếp tục cống hiến sức lực cho quân đội. Đến năm 1989, khi đã trải qua nhiều đơn vị công tác, đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, ông rời quân ngũ trở về quê hương với quân hàm trung tá cùng nhiều huân, huy chương kháng chiến vẻ vang. Nhưng có lẽ điều làm ông hãnh diện và vui sướng nhất đó là được nhận tấm huy hiệu chiến sỹ Điện Biên.
Với những người lính đã đi qua cuộc chiến ác liệt thì còn sống và trở về là một may mắn dù trên người còn mang nhiều thương tích chiến tranh. Đó là trường hợp của cựu chiến binh, thương binh (hạng 2/4) Phạm Văn Đức. Cũng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Đức vẫn nhớ như in những năm tháng tuổi trẻ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Khi đó, ông Đức thuộc Đại đội 213, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Thái Nguyên. Với ông, ngày 5/5/1954 là một ngày không thể nào quên - ngày ông bị mìn của địch phá hủy đứt lìa bên chân phải trong khi cùng đồng đội tham gia chiến dịch bao vây sân bay Mường Thanh. Dù vậy, với ông, người chiến sĩ tiểu đội trưởng bộ binh từng kinh qua trận mạc trực tiếp cầm súng chiến đấu tại đồi Độc Lập, bao vây bản Nà Kéo, đánh chiếm sân bay Mường Thanh... thì dẫu có phải đánh đổi cả tính mạng cũng vẫn lạc quan, kiên cường. Ông không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại phút giây lịch sử nghe tin chiến thắng: “Khi đó tôi đang nằm điều trị dưới hầm nhưng khi nghe tin chiến thắng chỉ muốn nhảy lên, quên hết cả đau đớn…”…
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ở họ vẫn vẹn nguyên, sáng ngời phẩm chất bộ đội cụ Hồ không chỉ trong chiến đấu mà ngay cả khi đã trở về với đời thường. Với các thế hệ hôm nay và mai sau, ký ức về một giai đoạn lịch sử hào hùng của những cựu binh già như ông Hộ, ông Đức mãi là vô giá, thật đáng trân trọng và tự hào.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
Trạm Y tế (TYT) xã Khả Phong (Kim Bảng) hiện có 5 cán bộ, nhân viên. Thời gian qua, đội ngũ nhân viên y tế nơi đây đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.