Ký ức của chiến sỹ Điện Biên

Quê hương núi Đọi sông Châu 05:23 25/04/2024 Giang Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đến tháng 3 năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh còn 249 chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống. Trong đó, người cao tuổi nhất đã 107 tuổi, người ít tuổi nhất 86 tuổi. Tuổi cao sức yếu, không có nhiều người trong số này còn đủ minh mẫn để nhớ về tuổi trẻ hào hùng của mình đã từng gắn bó với cung đường chiến dịch vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - mốc son chói lọi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

“Điện Biên vời vợi ngàn trùng”…

Ông Trần Văn Tộ, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) là một trong số những chiến sỹ Điện Biên dù đã bước sang tuổi 90, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn, giúp các con trông nom, chăm sóc người vợ ốm yếu của mình. Ông bảo, mình khỏe là ơn giời, là do những tháng năm tuổi trẻ được rèn luyện trong gian khổ, kỷ luật của quân đội. Kể cả sau khi bị thương phải về hậu phương, ông vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho đất nước… Ông nói: “Ngày 4/3/2024, tròn 70 năm tôi bị thương trên đường lên giải phóng Điện Biên!”.

Câu chuyện về Điện Biên bắt đầu từ vết thương trên cơ thể của ông. Với ông, ai đối mặt với chiến tranh nếu có bị thương cũng vẫn là điều may mắn. Bởi vì, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, có biết bao nhiêu đồng đội của ông đã hy sinh, đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Vừa nói, ông vừa mở cánh tủ lôi ra một chiếc hộp sắt cũ, mặt đáy to bằng tờ giấy A4, cao gần 10cm, được khóa kỹ càng. “Tất cả ký ức Điện Biên Phủ ở đây!” – ông nói với giọng vừa tự hào, vừa có phần tiếc nuối.

Ông xúc động cầm một tập giấy đã hoen ố, cũ rách được đựng trong chiếc hộp đưa cho tôi. Một quyển “Lý lịch quân nhân” từ năm 1954, bị rách vài chỗ và được bọc bằng mảnh nilon cứng cẩn thận. Tờ chứng nhận tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ghi ngày 21/12/1954; một giấy tờ khác ghi rõ ngày nhập ngũ tháng 6/1952, bị thương vào lúc 9h30 phút tại Điện Biên Phủ trong trường hợp bao vây phục kích, bị thương, cụt tay trái; một biên bản chứng nhận tỷ lệ thương tật 72%; ghi rõ đơn vị tham gia chiến đấu là C674, D251, E174, F316… Đó là “di sản Điện Biên Phủ” của cuộc đời ông, để mỗi lần ông sờ vào nó một miền ký ức dội về, làm trái tim thao thức.

Ông Trần Văn Tộ, chiến sỹ Điện Biên trò chuyện với cán bộ thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân về những kỷ vật kháng chiến được ông trân trọng lưu giữ. Ảnh: Chu Uyên

Ông kể, năm 18 tuổi ông được gọi nhập ngũ. Thanh niên thời đó không như bây giờ, họ có phần thiếu chủ động đôi chút trong các quyết định của bản thân, nhưng có một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt. Tập trung huấn luyện một thời gian ở Thanh Hóa, ông cùng đơn vị hành quân lên Điện Biên. Phải đi bộ, đi suốt ngày đêm theo bước chân của đồng đội. Mỗi đêm đi 50 cây số, cứ hai đêm thức thì nghỉ một đêm. Chỗ nghỉ trên đường đi, bộ đội sẽ tự phát cây dựng lán tạm bằng những dụng cụ mang theo như dao, cuốc, búa chim… Giặc vẫn đánh phá tứ phía, bộ đội mình cứ đi trong mưa, trong nắng, trong cả ánh sáng ban ngày và đêm tối.

Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết, “Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”. Ông nói: “Tôi không còn nhớ những nơi mình đã đi qua, nhưng đó là một chặng đường dài mà từ bé chưa bao giờ mình đi như thế. Cứ đi mà không biết ngày nào sẽ đến đích. Lúc đó là như vậy. Trên con đường lên Điện Biên vời vợi nghìn trùng, tôi đã nhìn thấy những bát ngát xanh tươi của núi rừng, tôi đã nghe tiếng những bàn chân giậm bước vội vàng… Tất cả tạo nên một không khí chiến dịch rất đặc biệt dù gian khổ, đói rét, thiếu thốn vô cùng”.

Trong ký ức của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa, ông Trần Văn Tộ chỉ hiển hiện và hằn sâu trong trí nhớ những con đường hẹp dưới trời mưa. Nhiều đoạn đèo dốc đứng, mũi người đi sau chạm vào chân người đi trước. Tháng 10/1952, Trung đoàn 174 của ông đánh Ca Vịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Tháng 12 năm 1953, đơn vị của ông có mặt chiến đấu ở Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Sáng ngày 12/12, đại đội 674, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174 tiến xuống Mường Pồn thì phát hiện trong bản có nhiều quân địch từ Lai Châu rút về đang tập trung tại đây nên lập tức bao vây và nổ súng đánh địch. Phía địch có máy bay yểm trợ, đánh mở đường để rút về Điện Biên. Trong trận này, chiến sỹ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh đến cho tiểu đội giữa lúc cả tiểu đội chỉ còn vài người đang chặn đánh quân địch từ trên cao tràn xuống. Rồi Bế Văn Đàn hy sinh! Đến sáng ngày 13/12/1953 đại đội 674 đã bao vây được Mường Pồn…

Cuộc tình trên bến Âu Lâu...

 Những đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Những gì còn lại ký ức của ông Tộ về Điện Biên Phủ chỉ là vậy. Thời gian đã làm cho ông nhớ nhớ, quên quên nhiều chuyện. Và, thời gian cũng đã làm cho nhiều nhân chứng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không còn nữa. Có lẽ trong số những người tôi từng gặp, qua đó hiểu hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ, cố Đại tá Lương Hiền là người nhớ và ghi chép được nhiều nhất về hành trình lên Điện Biên.

Một lần ngồi với ông trong quán cà phê ở thành phố Phủ Lý, Đại tá Lương Hiền kể về Điện Biên, nhưng không phải là câu chuyện chiến đấu, mà là câu chuyện tình trên bến Âu Lâu. Giọng ông đủng đỉnh, mới đầu nghe có vẻ rời rạc, nhưng càng nghe, càng hấp dẫn. Ngày ấy, đoàn xe do ông chỉ huy trên đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, qua bến phà Âu Lâu (thuộc xã Âu Lâu, huyện Tân Yên, tỉnh Yên Bái), bị bom địch đánh trúng. Ông bị thương. Lúc đó, có một cô gái lái ca nô ở bến phà lên cấp cứu cho ông. Thời gian ở cạnh nhau quá ngắn ngủi, nhưng ông nhớ tên cô và có cảm tình đặc biệt.

Chia tay nhau không hẹn ngày trở lại, chỉ biết mỗi người khi ấy đều mang trong mình nỗi nhớ nhung khó tả. Mấy tháng sau, ông trở lại tìm cô gái tên Đào Thị Dung trên bến phà, nhưng người ta nói cô đang ở đèo Lũng Lô phá bom. Ông lên đèo tìm, vừa đi vừa gọi tên cô gái. Họ đã gặp nhau và thỏa lòng mong nhớ. Thế nhưng, chỉ trong thoáng chốc, tại chính nơi đó, bom nổ. Mỗi người văng một nơi. Khi tỉnh lại, ông đi tìm cô gái nhưng không thấy. Ông đã nghĩ cô gái bị bom vùi. Từ đó, cứ mỗi lần qua nơi đây, ông lại vào thắp hương cho cô. Năm 1957, ông lại qua nơi này, như thường lệ vào thắp hương cho cô gái. Bỗng có một ông chừng ngoài 60 tuổi cũng lên đó tìm con trai. Ông nhận ra ông chính là ông chủ bến phà, tên là Tiến Thành.

Ông Thành hỏi Đại tá Lương Hiền: “Anh thắp hương cho cô Dung phải không? Cô ấy vẫn còn sống. Ba năm nay vẫn chờ đợi anh đấy. Về đi…”. Thế là Đại tá Lương Hiền lên xe phi như bay về bến phà Âu Lâu tìm đến nhà cô Dung. Họ gặp nhau một cách không ngờ tới và vui mừng khôn xiết. Mấy tháng sau, hai người làm lễ cưới. Cô Dung chuyển học y, trở thành chiến sỹ quân y trong đơn vị công binh, rồi công tác ở bệnh viện Yên Bái...

Mặc dù Đại tá Lương Hiền không còn nữa, nhưng ký ức về Điện Biên của ông vẫn còn trong nhiều trang sách, trong những bài thơ, bản nhạc và những tư liệu ảnh ông chụp trên hành trình lên Tây Bắc. Ông cũng giống như những người lính Điện Biên, giản dị, gan dạ và lạc quan dẫu ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

Trạm Y tế Khả Phong chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Y tế  |  05:47 01/12/2024

Trạm Y tế (TYT) xã Khả Phong (Kim Bảng) hiện có 5 cán bộ, nhân viên. Thời gian qua, đội ngũ nhân viên y tế nơi đây đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC