Cơ hội phát triển từ những thành phố 'không ngủ' trên thế giới

Quốc tế 06:49 26/02/2024 Bảo Hà/Báo Tin tức
Montreal (Canada) là thành phố mới nhất gia nhập danh sách hơn 100 thành phố “không ngủ” bên cạnh Berlin và Tokyo.

Montreal có kế hoạch mở khu vực hoạt động 24/7 để thúc đẩy nền kinh tế cuộc sống về đêm. Ảnh: Mint Images

Trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đêm, các thành phố trên khắp thế giới đang thay đổi luật lệ để duy trì các quán bar, nhà hàng và mạng lưới vận chuyển hoạt động suốt ngày đêm.

Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền thành phố Montreal - nơi có các quán bar và câu lạc bộ theo quy định phải đóng cửa vào 3 giờ sáng - đang có kế hoạch giới thiệu một khu vui chơi 24/7 mới ở trung tâm thành phố như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đầu tư vào nền kinh tế đêm ở thành phố này.

Các chính sách nhằm giữ cho các thành phố mở cửa suốt ngày đêm bắt đầu phát triển kể từ khi Amsterdam (Hà Lan) bắt đầu cấp giấy phép hoạt động 24 giờ vào năm 2013 cho các không gian mở ngoài trung tâm. Một trong những cơ sở đầu tiên là A'DAM Toren, một tòa tháp 22 tầng hoàn chỉnh với mạng lưới văn phòng, quán cà phê, nhà hàng và câu lạc bộ dưới lòng đất ở khu phức hợpOverhoeks của Amsterdam.

Ý tưởng phát triển nền kinh tế ban đêm đã lan rộng đến khoảng 100 thành phố. Thậm chí tại một số thành phố như London, New York, Zurich, chính quyền địa phương đã bổ nhiệm “thị trưởng ban đêm” để có thể quản lý các hoạt động. Trong khi các địa phương hiện vẫn đang tập trung vào các quán bar và câu lạc bộ, những người ủng hộ nói rằng các chính sách này không chỉ nên dừng lại ở đồ uống có cồn.

Như tại Berlin, vào ngày cuối tuần và nghỉ lễ, tàu điện ngầm tại đây hoạt động 24 giờ một ngày để phục vụ những người đi chơi khuya về muộn. Lutz Leichsenring, người phát ngôn và thành viên ban điều hành của Clubcommission Berlin, người đồng sáng lập công ty tư vấn kinh tế đêm VibeLab, cho biết: “Nếu bạn muốn tạo ra một sự sống động về văn hóa trong thành phố, thì vấn đề không chỉ dừng ở việc uống rượu. Bạn cần có một không gian sáng tạo vừa có giá cả phải chăng vừa dễ tiếp cận. Ví dụ, phương tiện giao thông công cộng cần phải trở nên dễ tiếp cận hơn đối với những người sống bên ngoài thành phố. Xe buýt không nên ngừng hoạt động vào nửa đêm”.

Michele Acuto, giám đốc Trung tâm đô thị Melbourne tại Đại học Melbourne, cho biết: “Chính sách 24 giờ là sự thừa nhận thành phố và các hoạt động kinh tế của nó không bao giờ dừng lại”.

Một sàn nhảy ở tầng hầm của tòa nhà A'DAM Toren có giấy phép mở cửa 24 giờ. Ảnh: Getty Images

Kinh tế đêm là một phần quan trọng trong doanh thu kinh tế của nhiều thành phố. Theo báo cáo của Clubcommission Berlin năm 2019, tại Berlin, hình thức “du lịch lễ hội âm nhạc điện tử” thu hút hơn 3 triệu người mỗi năm. Một phân tích của Thành phố New York từ năm 2019 cho thấy các hoạt động vui chơi về đêm đã mang lại 35,1 tỷ USD cho thành phố hàng năm, tạo ra 299.000 việc làm và 13,1 tỷ USD tiền lương cho những người lao động. Kinh tế đêm được định nghĩa là ngành công nghiệp giải trí về đêm bao gồm lĩnh vực ẩm thực, đồ uống và giải trí của thành phố trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Ngoài việc mang lợi lợi ích kinh tế cho thành phố, việc phát triển các ngành công nghiệp giải trí về đêm có thể mang lại những tác động tích cực khác. Tại New South Wales (Australia), người dân cho biết họ cảm thấy an toàn hơn khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các khu vực ngoại thành sau chính sách mở cửa mới của chính phủ. Tại đây đã thành lập văn phòng ủy viên kinh tế 24 giờ. Một số sáng kiến ​​của văn phòng bao gồm các chương trình cải thiện sự an toàn khi trời tối và cung cấp đại sứ “Chăm sóc” tại các khu vực có cuộc sống về đêm nổi tiếng để hỗ trợ những người trẻ đi chơi muộn.

Tuy nhiên, việc kéo dài cuộc sống về đêm không phải là không có những khó khăn. Amsterdam từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề khi khách du lịch gây ồn ào ở khu đèn đỏ. Thậm chí gần đây giới chức thành phố này còn đề xuất một kế hoạch gây tranh cãi nhằm chuyển hoạt động mại dâm hợp pháp sang một trung tâm bên ngoài thành phố.

Mirik Milan – cựu thị trưởng kinh tế đêm Amsterdam kiêm đồng sáng lập VibeLab cùng Lutz Leichsenring - cho biết: “Danh tiếng của Amsterdam là thứ đã được xây dựng qua hàng trăm năm. Nókhông thể biến mất. Nhưng thành phố phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được giữ nguyên khi cuộc sống về đêm ngày càng mở rộng’.

Trọng trách của những người đảm nhiệm thúc đẩy các hoạt động về đêm là giữ hoà khí giữa những người muốn hưởng thụ cuộc sống sôi động về đêm và những người muốn nghỉ ngơi. Năm 2018, chính phủ Berlin cam kết đầu tư 1 triệu euro cho các dự án cách âm sau khi tranh chấp tiếng ồn với người dân buộc nhiều câu lạc bộ phải đóng cửa. Theo Leichsenring, cho đến nay, hơn 40 câu lạc bộ đã nhận được khoản tiền tài trợ và sẽ tiếp tục nhận được tài trợ trong đợt tới.

Là một phần trong nỗ lực phát triển cuộc sống về đêm, gần đây Montreal cũng đã công bố chương trình tài trợ cho các địa điểm biểu diễn có tối đa 400 chỗ, cho phép họ nhận được tới 100.000 USD cho các sáng kiến ​​cách âm. Một phần mục tiêu của sáng kiến ​​cuộc sống về đêm là đơn giản hóa quy trình cho các doanh nghiệp muốn mở cửa 24/7.

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tập huấn Luật Đất đai năm 2024 

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  13:46 17/05/2024

Sáng 17/5, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh.

Công an Hà Nam dâng hoa, dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

Học và làm theo gương Bác  |  12:37 17/05/2024

Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024), sáng ngày 17/5, Đoàn đại biểu Công an tỉnh Hà Nam do Đại tá Tô Anh Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn đã tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới tại khu lưu niệm Cát Tường, thôn Cao Cát, trị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (Hà Nam).

Đoàn 559 và tuyến đường huyền thoại mang tên Bác

Hồ sơ tư liệu  |  09:12 17/05/2024

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đất nước tạm thời bị chia cắt, để giữ vững liên lạc giữa hai miền, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến đường qua miền tây Quảng Trị, nhưng không đáp ứng được yêu cầu vận tải số lượng lớn. Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khẳng định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; phương pháp cách mạng, phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang...

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC