Huy chương Olympic và Paralympic 2024 làm từ mảnh ghép của tháp Eiffel

Thể thao 07:02 16/02/2024 Theo nhandan.vn
Cộng đồng thế thao quốc tế và giới hâm mộ đang đổ dồn sự chú ý về những tấm huy chương sẽ được sử dụng tại Thế vận hội Paris 2024. Tập đoàn LVMH, chủ sở hữu hãng trang sức cao cấp Chaumet, đã được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lựa chọn để thiết kế huy chương cho hai thế vận hội lớn nhất hành tinh.

Huy chương Thế vận hội Paris 2024 ra mắt thiết kế chính thức. (Ảnh: Paris2024)

Các vận động viên có thành tích xuất sắc nhất tại hai Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024 sẽ không chỉ được nhận những tấm huy chương vàng, bạc và đồng, mà cả …18 gram sắt. Điều đặc biệt là mảnh ghép bằng sắt hình lục giác, đặt giữa trung tâm của những chiếc huy chương, được lấy từ chính phần kết cấu nguyên bản của tháp Eiffel - biểu tượng huy hoàng của nước Pháp.

Thay vì bị bỏ đi sau quá trình cải tạo, 91,512 kg sắt đã được đội ngũ thiết kế của Thế vận hội Paris 2024, thương hiệu trang sức Chaumet và Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) quyết định sử dụng để làm điểm nhấn cho hơn 5.000 chiếc huy chương.

Bằng việc kết hợp mảnh ghép mang tính biểu tượng nhất của di sản nước Pháp vào vị trí trung tâm của các tấm huy chương danh giá nhất trong thể thao, Thế vận hội Paris 2024 không chỉ mong muốn để lại một kỷ niệm khó quên với các đoàn thể thao quốc tế, mà còn mang tới sự tiếp nối cho một bản thiết kế vĩ đại của kiến trúc sư tài ba Gustave Eiffel.

Các tấm huy chương có đường kính 85mm, dày 9,2mm và nặng từ 529 gram đối với vàng, 525 gam đối với bạc và 455 gram đối với đồng. Mảnh ghép từ kết cấu sắt của tháp Eiffel có hình lục giác là biểu tượng của nước Pháp, đặt tại vị trí trung tâm của tấm huy chương và đóng dấu biểu tượng của Thế vận hội Paris 2024. Phần viền của huy chương lấy ý tưởng từ những tia sáng rực rỡ, tỏa ra xung quanh, thể hiện rõ danh xưng “Kinh đô ánh sáng” Paris, cũng như tầm ảnh hưởng và những màn trình diễn thể thao đầy ấn tượng của nước Pháp.

Tháp Eiffel cũng là nguồn cảm hứng cho thiết kế độc đáo của dải băng trên tấm huy chương. Mùa thế vận hội năm nay, dải băng huy chương được trang trí bằng những họa tiết lấy cảnh hứng từ những khối sắt đan chéo vào nhau trên thân tháp. Dải băng huy chương của Olympic sẽ có màu xanh lam đậm, trong khi đó dải băng huy chương của Paralympic sẽ mang màu đỏ đậm.

Mặt trước và mặt sau của huy chương hai Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024. (Ảnh: Paris2024)

Mặt sau của tấm huy chương Olympic vẫn duy trì thiết kế truyền thống kể từ năm 2004, nữ thần chiến thắng Athena Nike trước sân vận động Panathenaic, nơi Thế vận hội Olympic được tái sinh vào năm 1896. Ở hai góc là hình ảnh thành cổ Acropolis và tháp Eiffel, biểu trưng cho quá khứ và hiện tại.

Tấm huy chương Paralympic có phần khác biệt, thể hiện rõ sự sáng tạo của Ban tổ chức. Mặt sau của tấm huy chương Paralympic là hình ảnh tháp Eiffel từ dưới chân nhìn lên, một góc độ ít được mọi người nhìn thấy từ trước tới nay. Các chữ “Paris” và “2024” được thiết kế không chỉ bằng hệ chữ alphabet thông thường, mà còn được dập khuôn theo hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị (chữ Brailles).

Tổng cộng có 5.084 tấm huy chương đang được sản xuất. Có thể, không phải tất cả số huy chương này sẽ được trao cho các vận động viên trong Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024. Một số sẽ được gửi tới Ủy ban Olympic và Paralympic Quốc tế, trong trường hợp có sự phân bổ lại trong tương lai, đặc biệt là sau các cuộc điều tra nhằm phát hiện các trường hợp sử dụng doping. Một số khác được trao tặng lại cho Bảo tàng Olympic.

Phần còn lại chắc chắn sẽ bị tiêu hủy. Ban tổ chức đặc biệt mong muốn những tấm huy chương phải thật sự thuộc về các vận động viên, và chỉ duy nhất vận động viên.

Thế vận hội Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8, và sau đó thế vận hội Paralympic Paris 2024 chính thức khởi tranh từ ngày 28/8 đến 8/9.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC