Tóm lại, nhắc đến Liêm Túc, ngoài niềm tự hào về tinh thần thượng võ và truyền thống văn hiến, dường như tôi cũng như không ít người quê Thanh Liêm đều chung một mặc nhiên trong suy nghĩ - Đây là vùng đất nghèo... Bẵng đi ít lâu, trước thềm Xuân Giáp Thìn, có dịp về lại Liêm Túc, hỏi thăm người bạn vong niên về cây cầu Đen chênh vênh, nhỏ bé, ông cười lớn rồi hỉ hả khoe: cầu Đen bây giờ là cầu bê tông kiên cố, ngày ngày rộn rã người, xe qua lại, nối thông luồng hàng đi các huyện bạn, xã bạn và chào đón khách gần, khách xa mỗi kỳ Liễu Đôi mở hội. Mang niềm vui về chuyện cây cầu cùng lời giới thiệu của bạn, tôi phóng xe một vòng qua các trục đường, thôn xóm Liêm Túc, để rồi càng đi, càng thêm vui bởi những khởi sắc về diện mạo của một vùng nông thôn mới đang lên…
Mở đầu câu chuyện về đất và người quê mình, nhà giáo, nhà văn Đoàn Ngọc Hà (thôn Thượng Cầu Vọng) trầm giọng trải lòng: Vùng đồng chiêm Liêm Túc với những địa danh: Đống Sấu, Đống Cầu, Đống Thượng… trước đây thuần nông, ít ngành nghề, thương nghiệp nên rất nghèo. Nhưng có lẽ nghèo nên đức tính chịu thương, chịu khó, giàu tình cảm của người Liêm Túc, Liễu Đôi càng đậm sâu, chân chất. Trong những năm “cả nước cùng đánh Mỹ”, bà con Liêm Túc dẫu bề bộn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tận tình nhường cơm, sẻ áo, cưu mang, đùm bọc học sinh K8 con em đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Bình, Quảng Trị… dệt nên bao câu chuyện cảm động về nghĩa tình Bắc Nam, nghĩa tình đồng bào, đồng chí. Và thời đổi mới hôm nay, dẫu xuất phát điểm rất thấp nhưng với đức tính cần cù, chịu khó cùng khát vọng vươn tới, người dân Liêm Túc đang dồn sức để những tuyến đường một thời nhỏ hẹp, heo hút trở nên rộng mở thênh thang, hướng tới những mục tiêu cao hơn trên lộ trình phát triển.
Thêm vào câu chuyện vui về đất và người quê mình, nhà giáo, nhà văn Đoàn Ngọc Hà phấn khởi nói như khoe: Sới vật Liễu Đôi - biểu tượng tinh thần thượng võ và niềm tự hào của Liêm Túc mà các cụ dựng lên nơi cánh đồng Nương Cửi huyền tích xưa(**), nay được tôn tạo rất khang trang, bề thế. Và dưới ánh sáng chủ trương của Đảng về khơi nguồn văn hóa truyền thống dân tộc, lễ hội võ vật đầu xuân “ba năm hai khóa” bao năm qua dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn luôn được bà con Liêm Túc trân trọng gìn giữ. Nhiều năm, hội vật Liễu Đôi (cũng đồng thời là “Giải vật mùa Xuân thượng võ” của tỉnh) hân hoan đón du khách cùng các đô vật bạn bè gần xa về dự hội và so tài cao thấp. Không những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống quê hương được lưu truyền, gìn giữ mà quan trọng hơn là con người Liễu Đôi luôn vững chắc niềm tin, lòng tự hào và khát vọng, nỗ lực vươn tới những điều tốt đẹp, thánh thiện. Có lẽ bởi vậy mà mọi tích xưa, tục đẹp, mọi nghi trình, nghi thức tế lễ, rước xách trong hội làng đều được duy trì thành kính, trang nghiêm, tạo nên nét đẹp riêng có của vùng đất Liễu Đôi giữa thời đổi mới, hội nhập.
Gặp Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Tám tại trụ sở làm việc, tôi càng có thêm nhiều minh chứng sinh động về khát vọng vươn lên của người dân Liêm Túc. Theo nhẩm tính nhanh của Chủ tịch Ngô Văn Tám, Liêm Túc có 25 tuyến đường thôn, 139 đường ngõ xóm, tổng chiều dài ngót hai chục cây số. Quyết tâm, nỗ lực xóa đi những con đường nhỏ hẹp, “ngày nắng gồ ghề, ngày mưa trơn trượt”, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề, thương mại, dịch vụ, chỉ riêng năm 2023, trong số hơn sáu chục gia đình bị ảnh hưởng đã có gần ba chục hộ tình nguyện dịch cổng, dịch tường, hiến tặng 355 mét vuông đất để mở rộng đường. Chưa hết, con em Liêm Túc lập nghiệp ở mọi miền đất nước cũng luôn đồng lòng, chung tay đóng góp nguồn lực hướng về xây dựng quê hương. Trân trọng sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, cấp ủy, chính quyền Liêm Túc cũng đã kịp thời hỗ trợ tháo dỡ gần 730m chiều dài tường rào, hàng chục trụ cổng, bể nước, lán xe, nhà chăn nuôi, hàng trăm cây lưu niên… Cùng với đó, chắt chiu từng đồng vốn đầu tư sao cho thật thiết thực, hiệu quả để sớm hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao về giao thông.
Tiếp nối câu chuyện về khát vọng hướng tới mục phát triển bền vững của vùng đất Liễu Đôi, kỹ sư nông nghiệp Đoàn Xuân Hy (thôn Thượng Cầu Vọng) thổ lộ: Điều đáng quý ở người dân nơi đây là luôn có nhận thức đúng về xuất phát điểm ban đầu không mấy thuận lợi, để rồi không ngừng nỗ lực vươn tới. Chính bởi vậy, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dù một bộ phận lớn lao động chuyển sang làm công nhân, dịch vụ, thương mại… nhưng Liêm Túc không hề có một mảnh ruộng bỏ hoang. Đức tính chăm chỉ, bám đồng ruộng của người Liêm Túc xưa nay luôn là thế và cũng bởi thế nên chuyện những hộ nông dân cấy hàng chục mẫu, mỗi vụ bán ngay đầu bờ vài ba chục tấn lúa hàng hóa đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở đất này.
Cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, song hành với tranh thủ mọi nguồn lực nâng cấp công trình phúc lợi, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Liêm Túc tập trung hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao trên từng lĩnh vực. Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã - Đào Văn Yên: Cùng với mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đã được ghi nhận, đánh giá cao, hàng loạt mô hình ở nhiều lĩnh vực đời sống cũng được MTTQ, ban, ngành, đoàn thể duy trì, nhân rộng, như: “Đường hoa, đường cây NTM”; “Chiếu sáng đường quê”; “Camera an ninh”; “Phân loại, ủ rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh”; “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ trẻ em, phụ nữ nghèo”; “Câu lạc bộ dân vũ quần chúng”… Rồi nữa, nhiệm vụ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, mở rộng điểm luyện tập thể thao, văn nghệ, vui chơi… luôn là mục tiêu phải nỗ lực phấn đấu để từng bước cải thiện chất lượng đời sống người dân.
Thật vui là những ngày cận Tết Giáp Thìn, qua thẩm định của cơ quan chuyên môn, Liêm Túc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu, được huyện Thanh Liêm đề nghị UBND tỉnh xét công nhận xã NTM nâng cao. Tiếp nối câu chuyện vui về những nỗ lực và kết quả đạt được, Chủ tịch UBND xã Liêm Túc- Ngô Văn Tám phấn chấn bày tỏ: Đạt chuẩn NTM nâng cao không có nghĩa đã hoàn thành nhiệm vụ mà đây là tiền đề quan trọng để đảng bộ, chính quyền, nhân dân Liêm Túc thêm tự tin, quyết tâm phấn đấu duy trì, nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí theo hướng phát triển bền vững. Sao cho vùng đất khó này thực sự có kinh tế phát triển, môi trường xanh, sạch, thân thiện, bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn, phát huy, an ninh trật tự được bảo đảm.
Vẫn biết đâu đó còn có những hạn chế, thiếu sót, những dự định, mô hình chưa mang lại kết quả như mong đợi, và đâu đó ở mỗi ngõ xóm, đường quê vẫn còn những chuyện chưa thật hài lòng… nhưng nhìn tổng thể kết quả đã phấn đấu đạt tới, nhìn về đường hướng phát triển đi lên, cán bộ, đảng viên, nhân dân Liêm Túc có cơ sở để tự tin, kỳ vọng và quyết tâm, nỗ lực với chặng đường phía trước.
Xuân Giáp Thìn này, cùng với cây đa cổ thụ bên Đền thờ Đức Thánh Tiên, hàng cây mới trồng dọc những trục đường vừa mở rộng cũng đã bén rễ, đâm chồi, nảy lộc. Thật vui khi trước thềm xuân mới, nhiều tuyến đường đã kịp hoàn thiện tươm tất, tinh khôi, để lễ hội năm sau, nghi thức trẩy kiệu rước Thánh về đình Ông, ra sới vật... càng thêm phần thành kính, trang nghiêm và lòng người thêm hân hoan, hỉ hả.
Sau một vòng mục sở thị những khởi sắc của vùng đất Liễu Đôi, nghe người bạn vong niên nhắc chuyện cây cầu Đen chênh vênh, nhỏ bé đã thay bằng cầu bê tông kiên cố, tôi bất chợt nhớ tới ý tứ câu hát trong một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Vân- “Hát về cây lúa quê tôi”, rằng: “Đường lớn đã mở, đi tới tương lai/Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…”. Đường lớn của vùng đồng chiêm giàu truyền thống văn hiến Liễu Đôi, Liêm Túc đã rộng mở thênh thang, hướng tới những mùa xuân mới, với bao niềm tin và hy vọng.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.