Qua thời khắc giao thừa, bước sang những ngày đầu Xuân năm mới, ở các vùng thôn quê, trong nhà, ngoài ngõ, trên khắp các nẻo đường, đi tới đâu cũng nghe thấy những lời chúc Tết hết sức tốt đẹp. Mọi người vui vẻ, thân thiện cùng chúc Tết nhau, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm hạnh phúc. Bước sang năm mới mọi người thường chúc nhau sức khỏe, phúc lộc, may mắn, bình an, hạnh phúc... Những lời chúc thể hiện mong muốn nhiều điều tốt đẹp sẽ tới với người thân, bạn bè, hàng xóm làng giềng... trong năm mới.
Ngày mùng một Tết, các gia đình đoàn tụ sum vầy, trong thời khắc đón ngày đầu năm mới vui vẻ, hạnh phúc con cháu chúc ông bà mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Ông bà chúc lại con cháu sức khỏe, công tác tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, học hành tiến bộ... Ngay cả các cháu nhỏ mới sinh, hay còn bế trên tay dù chưa hiểu gì cũng nhận được lời chúc tốt đẹp: mạnh khỏe, “hay ăn chóng lớn”. Với bản tính chân thật, mộc mạc, dung dị, ở quê khi chúc Tết mọi người không nói những lời hoa mỹ, mà chúc những điều hết sức thiết thực, gần gũi gắn với những mong ước giản dị của mỗi người, mỗi gia đình trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài chúc sức khỏe, may mắn, thuận lợi, an khang, thịnh vượng, vạn sự tốt lành... Các cụ cao niên thường nhận được lời chúc sống lâu trăm tuổi, phúc lộc dồi dào. Gia đình nào mới cưới con, cưới cháu nhận được lời chúc sớm có cháu bế bồng. Gia đình nào có con cháu đến tuổi dựng vợ gả chồng nhận được lời chúc năm mới thêm người, thêm của. Gia đình nào buôn bán kinh doanh nhận được lời chúc làm ăn phát đạt bằng năm, bằng mười năm ngoái. Gia đình nào phát triển chăn nuôi nhận được lời chúc năm mới chăn nuôi thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Gia đình nào đầu tư mở rộng cây trồng nhận được lời chúc được mùa, được giá... Những lời chúc đầu năm của người dân quê không chỉ thể hiện được tình cảm chân thành mà còn thể hiện sự gắn bó, thấu hiểu, sẻ chia đậm tình, đậm nghĩa.
Đã trở thành nét đẹp văn hóa, đầu Xuân năm mới, từ người già tới trẻ nhỏ, ai ai cũng nhận được những lời chúc Tết tốt đẹp. Sau khi đón nhận những lời chúc, người nhận cũng thường vui vẻ chúc Tết lại: Cảm ơn bác (hoặc anh/chị...), năm mới cũng chúc bác và gia đình mạnh khỏe, năm mới làm ăn phát đạt... Nói là đi chúc Tết, nhưng thực ra là mọi người cùng chúc nhau một năm mới có nhiều niềm vui mới, chúc những dự định và mong ước sẽ sớm trở thành hiện thực...
Ngày nay, Tết đến Xuân về, nhiều người (nhất là các bạn trẻ, đồng nghiệp làm cùng cơ quan, công ty...) thường chúc Tết nhau qua điện thoại. Những câu chúc Tết cùng những hình ảnh hết sức đa dạng, độc đáo, tươi vui... luôn sẵn có trên mạng internet, nhiều người chỉ việc lựa chọn tải về rồi gửi tới chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp... Nhờ công nghệ phát triển, những người con xa quê không về ăn Tết, anh em họ hàng ở xa không có điều kiện đoàn tụ... vào thời khắc giao thừa cũng thường trực tiếp gọi điện thoại, gọi video... chúc Tết bố mẹ, người thân... Tuy nhiên, tục đẹp đầu năm đi chúc Tết họ hàng, làng xóm... để thăm hỏi, trực tiếp gửi đến nhau những lời chúc mộc mạc, chân thành... vẫn là một phần không thể thiếu ở khắp các làng quê.
Có thể nói, đầu Xuân năm mới, những lời chúc tốt đẹp làm cho không khí Tết ở các miền quê thêm phần tươi vui và ấm áp. Chúc Tết đầu năm chính là trao đi và nhận lại những tình cảm yêu thương, những mong ước tốt lành trong mỗi gia đình, ở mỗi cộng đồng dân cư. Chúc Tết đầu năm không chỉ thể hiện được mong muốn và tin tưởng những lời chúc tốt đẹp dành cho người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng... sẽ sớm trở thành hiện thực trong năm mới mà còn thể hiện được sự quan tâm, đoàn kết gắn bó đầy yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia. Bao năm qua, chúc Tết đầu năm - tục đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vẫn đang được tiếp nối, duy trì và phát huy trong mỗi gia đình, ở các làng quê mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Sáng 19/5, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn 68 tổ chức khai trương điểm tổ chức các hoạt động nhân đạo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của huyện Thanh Liêm và TP Phủ Lý.
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, đảng viên (CBĐV) và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, việc học tập và làm theo gương Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, hiệu quả của nhiều tập thể, cá nhân tạo thành hoạt động thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Trong cuộc đời những người lính năm xưa, có lẽ được gặp Bác Hồ kính yêu là một điều mong ước của bất kỳ ai. Với những người lính hải quân từng được gặp Bác, nghe Bác trò chuyện là một vinh dự lớn lao và là kỷ niệm sâu sắc theo suốt cuộc đời. Cựu chiến binh (CCB) Trương Như Tuyến, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý - người từng 2 lần được Bác Hồ tới thăm đơn vị vẫn luôn nhắc nhớ và khắc ghi kỷ niệm không quên trong đời quân ngũ.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.