Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ 7

Cải cách hành chính 17:05 02/02/2024 Nguyễn Khánh
Chiều 2/2, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ họp phiên thứ 7, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Công tác CCHC năm 2023 có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả rõ nét trên cả 6 nội dung: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ 7, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.  Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, tạo khí thế mới, động lực mới. Đẩy mạnh CCHC cả 6 lĩnh vực. Về thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất kinh doanh. Về cải cách TTHC, tập trung đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi của công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ và trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Về cải cách tài chính công, tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng tài chính công; cơ cấu lại chi cho đầu tư phát triển. Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số và các hoạt động trên môi trường mạng, tập trung thực hiện Đề án 06.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đồng bộ trên các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Công tác cải cách TTHC được chú trọng, quan tâm. Trong năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quyết định kinh doanh (QĐKD) thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 QĐKD tại 53 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 QĐKD tại 224 VBQPPL, đạt 17,53%. Có 9 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, nâng tổng số TTHC được thực thi phương án đến nay là 535/1.086 TTHC, đạt 49.26%; có 5 bộ, ngành đã hoàn thành thực thi 100% phương án đơn giản hóa TTHC…

Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG); tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 4.585 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng DVCQG; trên 276 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 33 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng DVCQG.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Kết quả thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVCQG của các bộ, ngành, địa phương được đánh giá theo Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 đều có sự cải thiện đáng kể so với năm 2022, trong đó có 8 địa phương đạt điểm đánh giá tốt (Hà Nam, Bình Định, Cà Mau, Bắc Giang, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định).

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình. Tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam hiện nay cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam cung cấp tổng số 1.744 bộ TTHC. Trong đó: 976 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 693 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác.

Tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2023, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,7%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 88,92%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,93%.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả, mô hình tốt. Tính đến tháng 12/2023 đã có 49/63 địa phương ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% (tăng 1,4 lần so với năm 2022); địa phương đạt 37,4% (tăng 3,7 lần so với năm 2022). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG (chỉ tiêu năm 2023: 30%): tại các bộ, ngành đạt 45,22% và các địa phương đạt 26,86%.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh triển khai công tác cải cách TTHC theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, bảo đảm thực hiện có kết quả, thực chất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Tiếp tục thực hiện tốt việc đánh giá tác động TTHC tại đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL; Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, nhất là đối với TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, QĐKD đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh việc tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng DVCQG; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh.

Khẩn trương rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC. Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách TTHC nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử lý, thay thế các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và vi phạm pháp luật.

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Không khí lạnh mạnh đang tràn xuống miền Bắc

Môi trường - Đô Thị  |  06:42 25/11/2024

Từ chiều tối 25/11, không khí lạnh mạnh sẽ tràn đến miền Bắc, kéo nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi tuần tới xuống dưới 10 độ, Hà Nội 14 độ C.

Đội tuyển Việt Nam tăng cường rèn đấu pháp tại Hàn Quốc

Thể thao  |  06:15 25/11/2024

Đội tuyển Việt Nam tập trung rèn đấu pháp trong khuôn khổ chuyến tập huấn Hàn Quốc để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ASEAN Cup 2024.

Tích cực đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào trường học

Giáo dục  |  05:28 25/11/2024

Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 06/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Liêm đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản Bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1930-2020) đưa vào giảng dạy trong các trường học và trung tâm chính trị trên địa bàn.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC