Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh

Chính trị 06:14 04/02/2024 Vũ Ngọc Lân
Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, giá trị cốt lõi và động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời đại. Đến lượt mình, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam được trang bị bởi thế giới quan, phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin đã phát huy mạnh mẽ, nâng cao giá trị đoàn kết của dân tộc lên một tầm cao mới, là nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, khởi xướng và thực hành đoàn kết, trước hết thể hiện ở việc đoàn kết các giai tầng xã hội, thống nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết quốc tế vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giải phóng con người khỏi ách nô lệ, hướng tới tự do, ấm no, hạnh phúc. Khó có một từ ngữ ngắn gọn nào có thể diễn tả hết tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết. Có một số liệu thống kê gây ấn tượng về điều này: đó là trong 1.921 bài nói, bài viết của Bác Hồ thì có tới 839 bài Người đề cập đến vấn đề "đoàn kết thống nhất" và có tới 1.809 lần Bác dùng từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết”.

Trước khi "đi xa", trong bản Di chúc ngắn gọn nhưng đầy xúc tích, sâu sắc của mình, chưa đầy 20 dòng nói về Đảng nhưng đã có đến 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “đoàn kết”. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Không chỉ nói đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói đến ba cụm từ: “Đoàn kết chặt chẽ”, “Đoàn kết nhất trí”, “Đoàn kết và thống nhất” và đặc biệt là Người dùng hình ảnh “con ngươi của mắt” để ví với vấn đề giữ gìn sự đoàn kết nhất trí. “Đoàn kết là một truyền thống cực kì quí báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”;  “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Có thể khẳng định rằng, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại huy hoàng bậc nhất về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam-hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Ngày 14/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân đang lao động đắp công trình thủy lợi Cát Tường, xã Yên Mỹ, huyện Bình Lục (nay là thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam).  Ảnh tư liệu

Kế thừa, phát huy giá trị truyền thống đoàn kết của dân tộc, tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng đổi mới, phát triển tư duy về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là yếu tố cốt lõi trong đường lối chiến lược cách mạng, có ý nghĩa sống còn, bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng ta luôn luôn nhất quán, khẳng định giá trị trường tồn, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về đại đoàn kết toàn dân tộc với quan điểm nổi bật là: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định  “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân" và bổ sung phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thành "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,  dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, nước ta đã tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, miền; quan tâm phát triển toàn diện khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội. Do vậy, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, mở rộng và phát huy; đồng thuận xã hội được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và nhân lên; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được đẩy mạnh, qua đó động viên nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, huy động được những nguồn lực, tiềm năng to lớn trong nhân dân vào phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, với việc tăng cường đoàn kết quốc tế, tạo không gian quan hệ mở rộng, tranh thủ được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở triển khai đồng bộ và toàn diện đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, phát triển quan hệ tốt đẹp với nhiều chính đảng, chính phủ, quốc hội các nước, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Công tác đối ngoại nhân dân góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và đất nước, sự coi trọng của các nước đối với Việt Nam; tranh thủ nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho sự phát triển của đất nước; tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, tham gia đấu tranh với những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực liên quan đến chủ quyền, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền v.v..

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy trao tặng quà Tết cho đại diện các hộ nghèo của thị xã Duy Tiên. Ảnh: Nguyễn Hằng

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, có giải pháp khắc phục nhằm phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện có nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, nổi lên hai vấn đề lớn:

Cùng với sự chuyển hóa của các giai cấp và tầng lớp xã hội, xuất hiện sự chênh lệch ngày càng lớn về mức thu nhập và hưởng thụ giữa các vùng, miền, giữa các tầng lớp nhân dân… Một trong những khó khăn, bất cập ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc hiện là sự phân hóa giàu nghèo có chiều hướng gia tăng. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng”; “Chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai”; “khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Vì vậy, từ lâu, Đảng ta đề ra quan điểm: "Bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội...".

Vì vậy, Đảng ta xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.

Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết”; “Kinh nghiệm của ta, cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi là do lực lượng đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng". Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng thật sự là hạt nhân đoàn kết của cả dân tộc, của toàn xã hội. Tuy nhiên, tình trạng chạy theo chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận là một trong những nguy cơ đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Do vậy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được Đảng ta đặc biệt coi trọng, kiên trì thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực chính là điều kiện, cơ sở vững chắc để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đồng bộ; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm tổ chức, đảng viên vi phạm, nhiều vụ án tham nhũng được xét xử kịp thời, nghiêm minh, song cũng rất nhân văn, qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Chống tiêu cực, tham nhũng trong Đảng thành công chính là tiền đề để xây dựng Đảng ta đoàn kết, thống nhất, dân chủ, đạo đức, văn minh.

Cùng với các giải pháp đồng bộ khác thì Đảng cần dựa vào dân, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy dân chủ, cụ thể hoá phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh chính là yếu tố rất quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng Việt Nam thành một nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.

Phát động cuộc thi "Chữ đẹp Việt" cho học sinh tiểu học trên toàn quốc

Giáo dục  |  18:17 24/11/2024

Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11

Chính trị  |  13:43 24/11/2024

Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC