Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp - ngày Tết ông Công ông Táo, từ sớm tinh mơ ở quê tôi nhà nhà đều tất bật chuẩn bị làm mâm cơm cúng để tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo là các vị thần cai quản đất đai và việc bếp núc của mỗi gia đình. Hằng năm, cứ đúng ngày 23 tháng Chạp ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên trời để trình báo với Ngọc Hoàng những việc lớn nhỏ đã xảy ra ở dưới hạ giới trong năm qua. Đồng thời, cầu xin Ngọc Hoàng ban nhiều phúc lộc, may mắn, thuận lợi, bình an... cho gia đình gia chủ trong năm mới. Đêm giao thừa ông Công ông Táo sẽ trở lại hạ giới tiếp tục công việc cai quản đất đai và trông coi bếp núc của mình.
Với quan niệm như vậy, bao năm qua, cứ đến ngày 23 tháng Chạp các gia đình đều chuẩn bị chu đáo, đầy đủ lễ vật và làm mâm cơm cúng để tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Trong ngày này, từ sáng sớm các gia đình đã thắp hương xin tỉa chân nhang, bao sái đồ thờ tự sạch sẽ (có nhà làm sớm hơn một vài ngày), sau đó mới dâng cơm cúng. Mâm cơm cúng thường có các món ăn truyền thống của người Việt Nam trong dịp lễ Tết như: Gà, giò, rượu, canh măng lưỡi lợn, nem rán, miến xào lòng gà...
Đặc biệt, có hai thứ đồ lễ không thể thiếu trong ngày tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời đó là bộ quần áo vàng mã của ông Công ông Táo và cá chép (là phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi lên trời). Riêng cá chép, ngoài cá chép giấy có sẵn trong bộ ông Công ông Táo các gia đình còn cúng cả cá chép sống. Sáng ngày 23 tháng Chạp, khi đi chợ, mọi người thường chọn những chú cá chép khỏe mạnh, bơi nhanh, mầu sắc đẹp để về cúng với mong muốn cá chép sẽ đưa ông Công ông Táo lên chầu trời được nhanh chóng, thuận lợi, gặp nhiều may mắn.
Bao năm qua, tục cúng và thả cá chép phóng sinh vào ngày 23 tháng Chạp đã trở thành tục đẹp của người dân Việt Nam. Tùy từng gia đình, có nhà làm cơm cúng sớm, có nhà làm cơm cúng muộn, nhưng thường các gia đình cúng xong và đi thả cá phóng sinh trước 12 giờ trưa. Vì vậy, vào tầm trưa ngày 23 tháng Chạp, ở cả thành phố và nông thôn quanh khu vực sông, đầm, hồ, ao người dân đi thả cá chép rất đông. Khi thả cá mọi người thường chọn những đoạn sông, hồ, ao... nước sạch để thả với mong cầu một năm mới no đủ, sung túc, bình an và hạnh phúc sẽ tới với gia đình. Thả cá chép phóng sinh vào ngày ông Công ông Táo lên trời không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh (để ông Công ông Táo cưỡi lên trời) mà theo quan niệm của nhà Phật đây chính là hành động để nuôi dưỡng tâm từ, tạo nhân lành, hướng mọi người làm việc tốt, việc thiện… Không những thế, theo quan niệm của người dân Việt Nam, cá chép là biểu tượng của tinh thần nỗ lực, kiên trì vượt khó để đạt được thành công. Tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng… luôn được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu với mong muốn cháu con phải luôn nỗ lực, cố gắng vượt khó vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vào ngày ông Công ông Táo chầu trời dù bận công việc các thành viên trong gia đình cũng cố gắng bố trí, sắp xếp thời gian về ăn cơm cùng với ông bà, cha mẹ. Bên mâm cơm đoàn viên, sum vầy mọi người trò chuyện, chia sẻ những việc đã làm được trong năm, những việc còn đang dang dở… những mong ước và dự định trong năm mới. Đặc biệt là cùng nhau bàn bạc, thống nhất để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thật đủ đầy, đầm ấm, an vui…
Tết ông Công ông Táo với tục đẹp thả cá chép phóng sinh, gia đình đoàn tụ bao năm qua luôn được người dân Việt trân trọng, gìn giữ và phát huy. Ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão đã tới rất gần. Ở chợ đã bày bán đa dạng mẫu mã bộ ông Công ông Táo và nhiều loại cá chép phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người dân. Năm cũ sắp qua, ông Công ông Táo lại chuẩn bị cưỡi cá chép lên chầu trời trình báo với Ngọc Hoàng công việc đã làm được trong năm, cầu xin Ngọc Hoàng ban phúc lộc, may mắn, bình an và hạnh phúc cho gia đình gia chủ trong năm mới Giáp Thìn.
Sáng 19/5, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn 68 tổ chức khai trương điểm tổ chức các hoạt động nhân đạo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của huyện Thanh Liêm và TP Phủ Lý.
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, đảng viên (CBĐV) và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, việc học tập và làm theo gương Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, hiệu quả của nhiều tập thể, cá nhân tạo thành hoạt động thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Trong cuộc đời những người lính năm xưa, có lẽ được gặp Bác Hồ kính yêu là một điều mong ước của bất kỳ ai. Với những người lính hải quân từng được gặp Bác, nghe Bác trò chuyện là một vinh dự lớn lao và là kỷ niệm sâu sắc theo suốt cuộc đời. Cựu chiến binh (CCB) Trương Như Tuyến, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý - người từng 2 lần được Bác Hồ tới thăm đơn vị vẫn luôn nhắc nhớ và khắc ghi kỷ niệm không quên trong đời quân ngũ.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.