Loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm (du lịch trekking) không còn xa lạ với nhiều người, nhất là với giới trẻ hiện nay. Không chỉ là trải nghiệm mạo hiểm, trekking còn là thử thách để chinh phục bản thân. Theo đánh giá của các tay trekking chuyên nghiệp, ở các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là Lai Châu là nơi có nhiều đỉnh núi để khám phá nhất và cũng đẹp nhất, khó chinh phục nhất mà dân trekker khao khát chinh phục.
Trong đó phải kể tới những đỉnh núi "3 nhất" ở huyện Tam Đường vừa hoang sơ, kỳ vĩ và cũng đầy thách thức. Đây là những địa điểm lý tưởng đang thu hút sự phám khám của những người ưa du lịch khám phá.
Đỉnh Pu ta leng
Không phải ngẫu nhiên mà các phượt thủ hay dân trekking lại đam mê những ngọn núi ở Tam Đường, Lai Châu vì đây là những đỉnh núi có nhiều "cái nhất" rất độc đáo.
Nhắc đến các ngọn núi cao ở tỉnh miền núi phía bắc, người ta sẽ nghĩ tới đầu tiên là đỉnh núi Pu Ta Leng. Đỉnh Pu Ta Leng ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có độ cao 3.049m. Nó được ví là nóc nhà thứ 3 của Đông Dương sau đỉnh Fansipan và Pu Si Lung.
Theo đánh giá của nhiều người đã từng trải nghiệm khám phá, đỉnh núi này vô cùng hoang vu, hiểm trở thuộc bậc nhất nước ta. Muốn chinh phục được ngọn núi này, các nhà leo núi cần phải có một sức khỏe tốt, đôi chân bền bỉ. Bởi những cung đường không ít các con dốc cao dựng đứng, hiểm trở và suối lớn.
Điểm nổi bật khi trải nghiệm đỉnh núi này sẽ qua những khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, các khe suối, cây cổ thụ phủ đầy rêu… Trong những ngày thời tiết lạnh giá hiện nay, Putaleng càng mang vẻ đẹp độc đáo, vừa hùng vĩ vừa nên thơ và cũng đầy thách thức sự kiên trì, dũng cảm của du khách đến trekking.
Đỉnh núi Tả Liên Sơn
Phong cảnh hoang sơ và thảm thực vật phong phú trên cung đường chinh phục các đỉnh núi.
Đỉnh núi cao thứ 6 ở nước ta là Tả Liên Sơn còn được gọi là núi Cổ Trâu nằm ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Với độ cao 2.996m với nước biển mang vẻ hoang sơ, đỉnh núi này đang là sản phẩm du lịch trekking thú vị của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nét đẹp riêng của ngọn núi này là vẻ nguyên sơ với địa hình phức tạp, khí hậu lạnh giá. Cùng với đó là khu rừng già cổ tích, thảm thực vật nguyên sinh đa dạng, những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to phủ kín rêu phong và dương xỉ… Ở mọi thời điểm trong năm, du khách đến khám phá đều dễ dàng được chiêm ngưỡng diện mạo mới với cảnh sắc thiên nhiên vừa tráng lệ vừa thơ mộng. Như cuối tháng 9, đầu tháng 11, khi chinh phục bạn sẽ chìm đắm trong sắc vàng của lúa chín và lá phong. Hay rừng hoa trà nở trắng xóa, đỗ quyên đa sắc màu vào những tháng đầu năm…
Đỉnh núi Chu Va, Ngũ Chỉ Sơn
Đỉnh núi Chu Va, Ngũ Chỉ Sơn là ngọn núi đẹp đang là điểm đến của nhiều du khách ưa du lịch mạo hiểm. Ngũ Chỉ Sơn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu. Đỉnh núi cao nhất có độ cao 2.752m, bốn mùa mây trắng vờn quanh, thảm thực vật trong rừng nguyên sinh phong phú.
Những du khách đã từng khám phá đánh giá, đây là một trong những ngọn núi khó chinh phục nhất vì cung đường hiểm trở, con dốc dựng đứng, vách đá cheo leo. Đường trekking lên đỉnh ước tính dài khoảng 10km, chỉ có đường mòn xuyên qua những vạt rừng, thác ghềnh… Qua những cung đường, mọi người cũng dễ dàng bắt gặp những rừng trúc bạt ngàn, hay những rừng hoa đỗ quyên đua nhau khoe sắc … Khi đã lên đến đỉnh, mọi người sẽ choáng ngợp trước biển mây đẹp tựa như tranh vẽ.
Đèo Ô Quy Hồ
Nếu muốn trải nghiệm những cung đường uốn lượn quanh triền núi, đèo Ô Quý Hồ nối liền Sa Pa (Lào Cai) và Tam Đường (Lai Châu) hùng vĩ là sự lựa chọn đáng nhớ.
Ở độ cao 2.073m so với mực nước biển, đỉnh đèo là cả một biển mây bồng bềnh với hơi sương. Do vậy đèo Ô Quý Hồ là một điểm săn mây lý tưởng, là một trong những địa điểm du lịch Tây Bắc đẹp hoang sơ với những tấm hình checkin cực chất.
Ngoài những con đường khúc cua tay áo, đèo Ô Qúy Hồ còn hấp dẫn ở sự khác biệt rất lớn về nhiệt độ ở hai phía con đèo. Vào mùa đông đến đây may mắn còn trải nghiệm cảnh tượng bông tuyết, hiện tượng băng đá. Từ đèo Ô Qúy Hồ, mọi người có cơ hội khám phá các bản làng mang nét văn hóa đậm nét của các đồng bào dân tộc thiểu số ở Tam Đường như dân tộc Lự, Lào, Dao đầu bằng…
Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, những năm gần đây du lịch trekking các đỉnh núi ở Lai Châu đang được du khách trong và ngoài nước tìm đến. Các đỉnh núi như Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng, Chu Va… phong cảnh rất đẹp, đều đã được tỉnh khảo sát rất phù hợp với du lịch mạo hiểm. Bởi vậy, tỉnh đã có định hướng về du lịch mạo hiểm, du lịch trekking và từ đó hình thành những cung đường, tour phù hợp để cho các du khách khám phá.
Khác với các đỉnh núi cao khác ở khu vực Tây Bắc, sự khác biệt của các đỉnh núi ở Tam Đường, Lai Châu chính là những khu rừng tự nhiên, rừng già. Những sinh cảnh tuyệt vời nơi đây có lẽ sẽ là lần đầu tiên du khách được trải nghiệm. Hành trình băng qua những cung đường uốn lượn, những cánh rừng già hoang vu, biển mây hùng vĩ… khi chinh phục những đỉnh núi này sẽ là trải nghiệm đặc biệt với du khách nào thích loại hình du lịch trekking.
Dự báo, trong tháng 1/2025, ở Bắc Bộ không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.
Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.