Thiết kế bài giảng điện tử -  Điểm nhấn của chuyển đổi số giáo dục

Giáo dục 06:28 23/12/2023 Thanh Hà
Cùng với các biện pháp dạy học tích cực, những năm gần đây, phong trào thiết kế bài giảng điện tử được các nhà trường, cấp học và giáo viên đón nhận, triển khai có nền nếp, chất lượng, tạo thành điểm nhấn trong thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số giáo dục. Trên cơ sở phối hợp, khai thác, sử dụng nhiều nguồn học liệu khác nhau và có sự ưu tiên cho nghiên cứu xây dựng bài giảng điện tử phục vụ nội dung dạy học, hoạt động giáo dục, giáo viên đã có sự hướng dẫn, định hướng cho học sinh để phát huy sự chủ động và ý thức tự học của các em.

Đánh giá đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử cho thực hiện đổi mới hoạt động dạy và học, góp phần hỗ trợ xây dựng kho học liệu số trong nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường chỉ đạo việc tổ chức thiết kế bài giảng điện tử cho giáo viên phù hợp với nhiệm vụ giáo dục từng thời điểm. Điều này được chứng minh rõ nét nhất trong thời gian toàn ngành phải thực hiện dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo chỉ đạo chung về việc xây dựng video bài giảng trực tuyến nội dung cốt lõi các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch xây dựng video bài giảng trực tuyến nội dung cốt lõi các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm bảo đảm duy trì các hoạt động dạy học ở các cơ sở giáo dục trong điều kiện dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, góp phần hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học; nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành.

Từ hoạt động này đã tạo thêm cơ hội cho ngành phát triển hệ thống học liệu số, bài giảng điện tử có chất lượng dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Qua thẩm định, đánh giá, đa số các bài giảng trực tuyến được xây dựng đã bảo đảm nội dung cốt lõi của bài học hoặc chủ đề ứng với mỗi tiết học thực tế trên lớp, bảo đảm tính sư phạm, cơ bản, khoa học, thiết thực và các yêu cầu nghiệp vụ khác.

Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, hoạt động thiết kế bài giảng điện tử được giáo viên các cấp học, môn học chủ động, linh hoạt nghiên cứu thực hiện, tạo thành một phong trào thi đua tích cực trong các nhà trường. Tại Trường THCS Văn Lý (Lý Nhân), với điều kiện cơ sở vật chất của một trường học hiện đại, các lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học số. Đội ngũ giáo viên của nhà trường thường xuyên trao đổi, chia sẻ và nghiên cứu xây dựng bài giảng điện tử có chất lượng từ kiến thức đến hình ảnh minh họa, giúp học sinh được trải nghiệm môi trường kỹ thuật số, tăng sự tương tác, nâng cao khả năng ghi nhớ và tự học. Các tiết học vốn khô khan trở nên sinh động, hấp dẫn; học sinh được học, cập nhật kiến thức qua hình ảnh, âm thanh, đồ họa nên dễ nhớ, dễ thuộc bài.

Cô giáo Trần Thị Bích Hợp (Trường THCS Văn Lý) cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi số, nhất là ứng dụng phần mềm công nghệ vào trong tiết học không những giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian trong soạn giáo án bảo đảm nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả mà còn giúp phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng ứng dụng thiết bị thông minh cho học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Bạch Thượng (Duy Tiên) tích cực thiết kế, khai thác các bài giảng điện tử vào giảng dạy. Ảnh: Hà Trần

Được biết, hoạt động thiết kế bài giảng điện tử được xem là một hoạt động thiết thực góp phần xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học cho nhà giáo và học sinh. Qua đó, giúp phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp dạy học. Các sản phẩm bài giảng điện tử được xây dựng, thiết kế và sử dụng phổ biến, rộng rãi nhất hiện nay gồm: Bài giảng e-Learning (là sản phẩm được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng e-learning); video bài giảng (là bài giảng được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video).

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, để xây dựng một bài giảng có chất lượng tốt, điều quan trọng nhất là xây dựng được bố cục video bài giảng hợp lý với đầy đủ các phần như mở đầu, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Đồng thời, giáo viên phải tiếp cận tốt với việc ứng dụng các công cụ và kỹ thuật hiện đại vào bài giảng. Đơn cử như với môn Lịch sử, theo quan điểm của cô giáo Lê Thị Lan (Trường THPT Lý Nhân): Nếu cứ mãi áp dụng theo cách giảng dạy truyền thống, lịch sử chỉ là những con số, dòng chữ, mốc sự kiện được viết lên bảng nhưng nếu chúng biến thành những sơ đồ tư duy, hình ảnh sinh động minh họa cho một vương triều phong kiến, một trận đánh giữa quân ta và quân địch… sẽ tạo ra những tiết học đầy hứng khởi, thực sự hiệu quả.

Nỗ lực tự vượt qua những khó khăn về giáo án, kiến thức và các công đoạn thiết kế các trang giáo án điện tử trên máy tính, giáo viên đã chủ động lên mạng học hỏi thêm kỹ năng và thao tác chỉnh sửa thiết kế một trang giáo án điện tử đẹp nhất, tạo thành bài giảng điện tử thật sự hữu ích. Cô giáo Nguyễn Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêm Tiết (Phủ Lý) khẳng định: Thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên của nhà trường cơ bản có ý thức chủ động, sáng tạo xây dựng các bài giảng, nội dung dạy học số nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng và phát triển kho học liệu số có chất lượng, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học. Theo đó, các bài giảng điện tử đã được thiết kế đa dạng theo nhiều hình thức. Đó có thể là các bộ tranh ảnh lồng ghép phù hợp với nội dung từng bài học; là các video clip, phần mềm mô phỏng; thí nghiệm ảo hay thậm chí là thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác trên máy tính và các sản phẩm có thể sử dụng trên môi trường số để tăng cường sự trải nghiệm của người học và có thể thay thế thiết bị dạy học truyền thống.

Trong kho học liệu số ghi nhận rất nhiều bài giảng điện tử có chất lượng được giáo viên khai thác dùng chung và sử dụng hiệu quả trong quá trình dạy học. Toàn bộ nguồn học liệu này được xây dựng, lựa chọn từ sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên, tạo thêm nguồn học liệu phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức để giáo viên tham khảo, ứng dụng vào quá trình dạy học thực tế. Phát huy tính sáng tạo của giáo viên, kho học liệu số của các nhà trường thường xuyên được sàng lọc và bổ sung hằng năm, bảo đảm sự phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức. Đây được đánh giá là nguồn tài nguyên hữu ích, chất lượng, giúp các nhà trường tiết kiệm được nguồn lực cho phát triển học liệu, giúp đội ngũ giáo viên thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học. Hơn thế, thông qua việc tự nghiên cứu xây dựng bài giảng điện tử, giáo viên các bộ môn, các cấp học đã nỗ lực làm chủ được công nghệ, thay đổi phương pháp giảng dạy.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ngành Y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm sau bão

Y tế  |  10:22 08/09/2024

Bão số 3 (Yagi) với nhiều cây cối gãy đổ, mưa lớn, sau bão sẽ có nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra đây cũng là thời điểm giao mùa, học sinh tựu trường. Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương giám sát các ca mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm, giám sát véc tơ truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đối với bệnh sốt xuất huyết, sởi, ho gà, cúm mùa. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, so gà, sởi, súm mùa, viêm não, tay chân miệng, viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), tiêu chảy cấp...Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giám sát, xử lý ổ dịch và chẩn đoán, điều trị một số bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch và công tác khám, điều trị bệnh truyền nhiễm các tuyến trên địa bàn tỉnh.

Bão số 3 di chuyển về phía Tây Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Môi trường - Đô Thị  |  06:07 08/09/2024

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lúc 0 giờ sáng 8/9, bão số 3 đã suy yếu và vẫn còn trên trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực nông nghiệp

Nông nghiệp  |  05:40 08/09/2024

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngành quản lý. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC