Nghề “giữ chân” người
Làng nghề dệt truyền thống ở Hòa Hậu (Lý Nhân) là một trong những làng nghề tồn tại lâu đời, có sức hấp dẫn người dân địa phương mạnh mẽ nhất hiện nay. Mặc dù trải qua thời gian đại dịch Covid-19 với vô vàn khó khăn, nhưng gần 100 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng dệt may ở Hòa Hậu vẫn hoạt động ổn định, giữ được các mối hàng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động. Mức lương bình quân cho lao động phổ thông hiện nay là 3,6 đến 4 triệu đồng/người/tháng; với những lao động có tay nghề và làm thêm giờ từ 6,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết: Địa bàn xã gần với thành phố Nam Định, chỉ đi hơn 5 km là đến trung tâm thành phố, nhưng bà con nhân dân ở đây không mấy ai đi tìm việc ở thành phố hay các khu công nghiệp mà ở lại làng để làm nghề. Nếu gia đình có 3 người đi làm thợ cho các cơ sở dệt may của làng thì cũng có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, cơ bản là ổn định cuộc sống. Đáng nói, trong số hơn 3.000 lao động đang làm việc ở làng nghề hiện nay, có tới hơn 60% là lao động trẻ. Họ bám trụ tại quê hương, làm việc, lập gia đình, ổn định cuộc sống tại quê. Ai không làm nghề dệt thì có thể làm cá kho, buôn bán nhỏ.
Nghề dệt truyền thống Đại Hoàng có từ lâu đời, phát triển rộng khắp ở 7/8 thôn của Hòa Hậu hôm nay. Nghề phát triển ổn định nhờ những người thợ giỏi giang, tìm được mối hàng, phát triển được thị trường tiêu thụ, nên đã giữ chân người lao động không phải ly hương như nhiều nơi khác.
Ở làng nghề truyền thống sản xuất bánh đa nem làng Chều, thôn Mão Cầu (Nguyên Lý, Lý Nhân) cũng vậy. Người dân sống dựa vào nghề, nghề nuôi sống con người và giữ chân họ ở lại với làng. Anh Phạm Văn Dũng, nay đã 39 tuổi, ở nhà tập trung cho việc làm nghề. Nhà Dũng mới đầu tư máy mới, làm nhanh hơn, tiện hơn, năng suất hơn trước đây. Ngoài việc làm cho gia đình, anh Dũng còn làm thuê cho 8 hộ dân khác, tổng cộng mỗi ngày xay, lọc trên 8 tạ gạo.
Anh Phạm Văn Dũng chia sẻ: Tôi đầu tư thêm cả máy sấy nên ngày nào cũng có thể làm bánh mà không lo thời tiết mưa hay ẩm. Hiện nay, cả Nguyên Lý có khoảng trên 500 hộ làm nghề, nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Mão Cầu, một số ở Trần Xá và Đồng Phú. Người dân làm nghề khá bận rộn, chẳng có mấy ai được ngồi chơi. Năm nay, giá gạo lên cao hơn mọi năm, trong khi giá sản phẩm bán ra thị trường vẫn vậy, người sản xuất gặp khó khăn hơn một chút, nhưng không ai bỏ nghề. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm làng nghề vẫn mở rộng, chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)… nên việc làm của người lao động không bao giờ hết. Nhiều lao động đang làm việc ở các khu, cụm công nghiệp bị giảm giờ làm, hạn chế thu nhập, công việc bấp bênh hơn mọi năm đã bỏ về làng làm nghề truyền thống.
Tăng nhân lực cho làng nghề
Trở lại làng nghề dệt lụa Nha Xá thời gian này sẽ được chứng kiến không khí làm việc miệt mài của người dân làm nghề. Từ đầu làng đến cuối ngõ, tiếng máy dệt vang vang, ai cũng hiểu nó là thứ âm thanh quen thuộc, đặc trưng nhất ở làng nghề. Nhiều cơ sở đã đầu tư tiền của mua sắm máy móc thiết bị sản xuất mới thay thế dần những loại máy cũ kém hiệu quả, giảm bớt nhân lực. Nhưng, không phải cơ sở nào cũng có điều kiện để đầu tư như vậy, thành ra lao động làng nghề vẫn đóng vai trò chủ chốt trong các công đoạn. Nhiều năm qua, làng nghề gặp không ít khó khăn, trong đó có vấn đề nhân lực. Thanh niên, lao động trẻ gần như không tha thiết với nghề truyền thống. Trên địa bàn thị xã Duy Tiên có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn nên họ thi nhau vào nhà máy, xí nghiệp làm việc.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có nhiều lao động từ các khu công nghiệp đã trở lại làng nghề, làm việc tại các cơ sở dệt lụa. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Nha Xá cho biết: Gần đây, xu hướng người lao động quay lại làng nghề làm cho nhiều dự tính của những ông chủ nghề có hy vọng. Bởi vì, khi đại dịch Covid-19 ập về, hầu hết các hộ dân đóng máy dệt, vào nhà máy làm công nhân. Chỉ khi đại dịch chấm dứt, nghề dệt lụa sống lại, người dân trở lại công việc dệt của mình, mừng lắm. Hiềm nỗi, nhiều công cụ để người dân sản xuất đã cũ nát, đắp chiếu không hoạt động cả thời gian dài đại dịch, giờ muốn làm tốt cần phải đầu tư một khoản lớn. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn nhà nước có sự quan tâm, hỗ trợ về vốn cho người dân làng nghề nhiều hơn để họ quay lại với nghề, tiếp tục giữ nghề, phát triển nghề. Đồng thời, chính quyền các cấp và các ngành chức năng có sự hỗ trợ cho làng nghề xây dựng được khu tẩy nhuộm tập trung để giải quyết ô nhiễm môi trường. Bởi vì, khi môi trường làm việc không bảo đảm, người bị ảnh hưởng sức khỏe đầu tiên chính là những lao động. Nếu vấn đề này được bảo đảm, tôi tin người lao động sẽ gắn bó với nghề, làng nghề có thêm nhân lực để phát triển.
Thiếu nhân lực ở các làng nghề thực tế là câu chuyện được nói đến nhiều khi các địa phương xây dựng nông thôn mới, đặt mục tiêu phát triển làng nghề gắn với phát triển kinh tế nông thôn, du lịch nông thôn, môi trường sinh thái nông thôn… Thiếu nhân lực đã cho thấy sức sống của làng nghề đang dần bị giảm sút, mai một và có khả năng mất đi. Nhưng bây giờ, khi có nhân lực, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các tổ chức nghề nghiệp cần có biện pháp để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực đó, giữ chân họ gắn bó với làng nghề một cách phù hợp để làng nghề tiếp tục là nơi người dân tìm thấy niềm vui và sự bảo đảm cho cuộc sống của mình. Sẽ không có sự phát triển bền vững cho cả hai nếu người lao động chỉ quay về khi họ không có việc làm trong khoảng thời gian nhất định, rồi họ lại ra đi khi cho rằng việc làm mới sẽ bảo đảm cuộc sống tốt hơn.
Để đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự đi vào đời sống, thời gian qua, việc phối hợp liên ngành giữa BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan, tổ chức đoàn thể được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo bước phát triển vững chắc trong mở rộng diện bao phủ, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; thực hiện tốt công tác chi trả, bảo đảm quyền lợi người tham gia.
Ngày 2/12, Công an huyện Bình Lục phối hợp với Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THCS xã An Nội (Bình Lục).
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, sáng 2/12, sau lễ đón chính thức tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.