Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu và bắt đầu phiên chất vấn trả lời ý kiến cử triSáng nay, 6/12 Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh, khóa XIX tiếp tục chương trình làm việc. |
Dự phiên họp có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.
Đồng chí Phạm Chí Thống, Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường tiếp tục trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, chất vấn của đại biểu. Cơ bản các ý kiến cử tri qua đường dây nóng và chất vấn của đại biểu đều liên quan đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dịch vụ 7%, 5%; hệ thống điện trong Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo (TP.Phủ Lý); giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp công ích, đất nông nghiệp khác do UBND xã quản lý; …
Trả lời ý kiến của cử tri về xây dựng nhà trên đất phần trăm có được cấp giấy chứng nhận QSDĐ không? Lãnh đạo Sở Tài nguyên&Môi trường cho rằng: đất phần trăm là đất nông nghiệp nên không được phép xây dựng nhà ở; nếu làm trước đó thì phải xác định thời điểm xây dựng nhà để xem xét theo Luật Đất đai 2013.
Đại biểu Trần Thị Vi, Tổ đại biểu huyện Thanh Liêm nêu: “Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường Tây Đáy đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nặng nề như khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi từ các nhà máy rác thải và việc tồn đọng 60.000 tấn rác thải tại thôn Đám Gai ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân. Xin hỏi đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy của địa phương?”
Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Phạm Chí Thống trả lời: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường Tây Đáy, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 28- CTr/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình 28 của Tỉnh ủy về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông (đường ĐT 494C, 495C), xây dựng hoàn thiện đề án trạm rửa xe tại các khu khai thác trước khi tham gia vào các tuyến giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các nhà máy, cơ sở sản xuất, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng trong khu vực; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy, cơ sở hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm pháp luật bảo vệ môi trường; Tăng cường hoạt động của Tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường khu vực phía Tây sông Đáy (thực hiện giám sát đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm); (Các đơn vị thực hiện: Sở TN&MT chủ trì, các đơn vị là thành viên trong Tổ giám sát phối hợp); Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải, không che phủ bạt làm vật liệu rơi vãi ra đường vận chuyển và vi phạm tốc độ trên các tuyến đường. Cùng với đó kịp thời bố trí nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu của Chương trình 28 về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ.
Về các nội dung trả lời của lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở phải lưu ý giải quyết các nhóm vấn đề: đất 5%, 7%; liên quan đến đất nông nghiệp của các địa phương; liên quan đến đất của nông trường và trồng rừng, sở phải có tham mưu, quản lý tốt các loại đất này. Liên quan đến cải thiện ô nhiễm môi trường Tây Đáy, yêu cầu Sở tiếp tục rà soát, tham mưu tỉnh xử lý.
Tiếp đó, đồng chí Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu về việc chỉ đạo thành lập Ban quản lý cụm công nghiệp xã Kim Bình để quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, thuận tiện cho việc thu hồi đất nông nghiệp để mở rộng cụm công nghiệp và làm đường giao thông; tăng cường quản lý nhà nước và thanh, kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, sản xuất, bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là tình trạng lừa đảo qua mạng Internet.
Chất vấn lãnh đạo Sở Công thương, đại biểu Phạm Quốc Tuấn, Tổ đại biểu huyện Bình Lục nêu: Theo quy định, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu nhà ở (gồm giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng…) các chủ đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao cho các đơn vị chức năng quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, đối với hệ thống hạ tầng cung cấp điện, việc bàn giao cho Công ty Điện lực gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, đồng chí Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Giải pháp trong thời gian tới, sẽ đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam, có ý kiến đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý thay thế Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg làm cơ sở triển khai thực hiện tháo gỡ các vướng mắc như đã nêu trên. Trong thời gian chưa có Nghị định mới thay thế Quyết định số 41/2017/QĐ- TTg, để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quản lý vận hành, bán điện cho các hộ dân trong các Khu đấu giá QSD đất, Khu đô thị, khu dân cư mới, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung: Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án Khu đấu giá QSD đất, Khu tái định cư, Khu dân cư mới: khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, hoàn công, quyết toán hạng mục điện của dự án (rà soát, bổ sung các hồ sơ còn thiếu hoặc đã bị thất lạc), sửa chữa khắc phục các tồn tại của lưới điện (nếu có) đảm bảo an toàn trước khi vận hành; tổng hợp danh mục dự án và hồ sơ kèm theo trình UBND tỉnh có văn bản đề nghị EVN tiếp nhận, quản lý vận hành bán điện trực tiếp cho các hộ dân đến sống tại các dự án trong thời gian chờ bàn giao tài sản lưới điện.
Đề nghị chủ đầu tư các dự án Khu đấu giá QSD đất, Khu tái định cư, Khu đô thị, Khu dân cư mới chủ động làm việc thống nhất với Công ty Điện lực Hà Nam việc tiếp nhận, phối hợp quản lý vận hành để bán điện cho các hộ dân thuộc dự án; trách nhiệm của các bên trong việc sửa chữa, thay thế thiết bị trong trường hợp xảy ra sự cố gây hư hỏng trang thiết bị điện trong quá trình vận hành. Phối hợp với ngành điện trong việc kiểm tra, rà soát và khắc phục các tồn tại của lưới điện đối với công trình đã xuống cấp cần hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và cần phải sửa chữa nâng cấp trước khi vận hành (nếu có), bảo đảm các quy định về an toàn điện theo quy định hiện hành trước khi vận hành. Sở đã làm việc với Công ty Điện lực Hà Nam và thống nhất: Sau khi nhận được đề nghị của chủ đầu tư dự án, phối hợp làm việc thống nhất với chủ đầu tư dự án tiếp nhận công trình đã được thi công hoàn thành để vận hành, bán lẻ điện trực tiếp cho các hộ dân, bảo đảm việc cấp điện cho khách hàng sử dụng điện. Hỗ trợ tiếp nhận quản lý vận hành hệ thống điện đối với các công trình cấp điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và do nhân dân tự đóng góp để đảm bảo cấp điện cho nhân dân sử dụng an toàn, mỹ quan, tránh việc xuống cấp và lãng phí hạ tầng lưới điện đã đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng kịp thời (Các dự án Khu tái định cư, Khu đấu giá quyền sử dụng đất, Khu đất 7%,... không có nguồn kinh phí thuê Công ty Điện lực quản lý vận hành) trong thời gian chưa bàn giao được tài sản theo quy định. Hướng dẫn các chủ đầu tư khắc phục các tồn tại của lưới điện đối với công trình đã xuống cấp cần phải sửa chữa nâng cấp trước khi vận hành và cần hoàn thiện bổ sung các hồ sơ, thủ tục liên quan (nếu có) bảo đảm các quy định về an toàn điện theo quy định hiện hành trước khi vận hành. Phối hợp với chủ đầu tư dự án thực hiện các biện pháp an toàn điện trong quá trình quản lý, vận hành, cung cấp điện. Đối với các dự án Khu đấu giá QSD đất, Khu tái định cư mới: phối hợp với các chủ đầu tư tính toán thỏa thuận cụ thể về: điểm đấu nối, quy mô, phạm vi đầu tư, cơ chế quản lý, vận hành sau khi hoàn thành. Thực hiện đầu tư các hạng mục thuộc trách nhiệm của ngành điện, đáp ứng tiến độ chung của dự án, chịu trách nhiệm quản lý vận hành hệ thống điện, đảm bảo yêu cầu cấp điện cho người dân…
Tiếp theo phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Hảo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lên trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu.
Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu đề cập đến: công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là cho người dân bị thu hồi đất xây dựng Khu công nghiệp; điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp cho đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ để người lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi xuất khẩu lao động; điều chỉnh quy định về việc ủy quyền đại diện gia đình nhận tiền thờ cúng liệt sĩ hằng năm vì hiện nay việc ủy quyền có những gia đình kéo dài đến thế hệ các cháu của liệt sỹ; Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng người có công, người có hoàn cảnh khó khăn…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Anh Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu về các nội dung: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục của một số trường THPT đã xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tại các trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng trả lời chất vấn của đại biểu về việc thanh toán kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế vượt quỹ; những nguyên nhân vượt quỹ? Phương án để số kinh phí vượt tổng mức được thanh quyết toán; các biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế tránh tình trạng vượt quỹ trong thời gian tới? Kiểm tra việc chi trả Bảo hiểm Y tế đối với học sinh khi đi khám chữa bệnh...
Sang mai kỳ họp tiếp tục chương trình làm việc và bế mạc./.
Giáo dục STEM được triển khai thực hiện nhằm góp phần bổ trợ và hoàn thành mục tiêu: tăng giáo dục trải nghiệm, thực hành, giảm tải lý thuyết hàn lâm trong chương trình giáo dục mới. Với Hà Nam, hiện các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh đã thành lập, duy trì hoạt động mô hình câu lạc bộ (CLB) STEM để hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT), tạo sân chơi trí tuệ cho các em thể hiện lòng say mê và khả năng sáng tạo của mình thông qua cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học.
Tiêu thụ đồ uống có cồn là nguyên nhân dẫn đến khoảng 100.000 ca ung thư và 20.000 ca tử vong liên quan đến ung thư mỗi năm tại Mỹ, đó là cảnh báo được Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy đưa ra ngày 3/1.
Theo các chuyên gia, du khách sẽ thay đổi cách du lịch năm 2025, ưu tiên nơi ít người, chọn trải nghiệm mới lạ, du lịch chậm và kết hợp chăm sóc sức khỏe.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.