Mới đây, Tiến sĩ trẻ Ngô Ngọc Hải vinh dự là một trong 10 nhà khoa học trẻ tài năng xuất sắc đạt Giải thưởng Khoa học-công nghệ "Quả cầu vàng năm 2023" do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức. Giải thưởng này tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải sinh năm 1991, có niềm đam mê khoa học từ thời sinh viên. Năm 2022, Ngô Ngọc Hải hoàn thành luận án tiến sĩ với bằng xuất sắc tại Trường đại học Cologne, Cộng hòa Liên bang Đức. Hướng nghiên cứu Ngô Ngọc Hải theo đuổi là nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, một lĩnh vực nghiên cứu với nhiều điều mới mẻ và thú vị nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn và nguy hiểm từ các chuyến đi khảo sát thực tế tại các khu vực địa hình hiểm trở, điều kiện khó khăn và nhiều loài động vật nguy hiểm.
Trong hơn 10 năm làm khoa học, Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải đã tham gia làm thư ký khoa học hai đề tài của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) và là thành viên của hai đề tài nghiên cứu của Quỹ này, Chủ nhiệm đề tài khoa học-công nghệ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thuộc chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, và chủ nhiệm nhiều đề tài bảo tồn với nguồn kinh phí từ quốc tế.
Đến nay, Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải đã công bố 36 bài báo trong nước và quốc tế, cùng nhiều bản thảo khác đã được chấp thuận và gửi đăng. Trong đó, có chín bài báo quốc tế đã đăng thuộc danh mục Q1 (5 bài báo tác giả chính), 12 bài thuộc danh mục Q2 (8 bài báo tác giả chính), 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục Q3 (1 bài tác giả chính), 2 bài báo quốc tế khác thuộc danh mục Scopus, 6 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước, 4 bài báo đăng trên kỷ yếu và hội nghị quốc gia.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải chia sẻ, xuất phát từ tình yêu động vật, mong muốn cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường, anh đã lựa chọn nghiên cứu khoa học và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Trong quá trình nghiên cứu, anh may mắn được gặp và học hỏi kiến thức từ nhiều người thầy và nhiều đồng nghiệp để định hướng về chuyên môn, dần phát triển hướng nghiên cứu chuyên sâu. Đam mê của anh trong nghiên cứu lớn dần cùng những kết quả bước đầu là các công trình công bố, các dự án bảo tồn thành công và nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng được thực hiện. Anh cùng các đồng nghiệp là các nhà khoa học và nhà bảo tồn tổ chức rất nhiều chương trình nghiên cứu về đa dạng sinh học, công bố nhiều loài mới dựa trên phân tích gien di truyền.
Không dừng lại ở các hoạt động nghiên cứu khoa học, anh và các đồng nghiệp còn đánh giá hiện trạng bảo tồn các loài động vật quý hiếm với kết quả là các công trình công bố về hiện trạng quần thể, sinh thái, nhân tố tác động như buôn bán trái phép, phá hủy sinh cảnh và biến đổi khí hậu. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở để đưa nhiều loài động vật quý hiếm cần bảo tồn vào Sách đỏ Việt Nam và động vật hoang dã nguy cấp cấm buôn bán vào Công ước CITES.
Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu phối hợp các nhà khoa học và nhà bảo tồn của Cộng hòa Liên bang Đức đã đề xuất và đưa thành công loài Rồng đất quý hiếm vào phụ lục II của Công ước CITES cấm buôn bán quốc tế.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải cùng nhóm nghiên cứu phối hợp chính quyền, các trường học và trong cộng đồng địa phương kiến nghị và thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền giáo dục cộng đồng, tập huấn cho nhiều cán bộ khoa học địa phương và kiểm lâm trong công tác giám sát, trồng cây phục hồi rừng và định hướng phát triển bền vững ưu tiên bảo vệ môi trường.
Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu phối hợp Đoàn Thanh niên Viện Nghiên cứu hệ gien thực hiện chuỗi các hoạt động tuyên truyền giáo dục tại các trường học, tổ chức cuộc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường, tặng kèm nhiều suất học bổng và sách vở, áo, các áp-phích giới thiệu về các loài động vật quý hiếm và kêu gọi chung tay bảo vệ đa dạng sinh học.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải tâm sự, Giải thưởng Quả cầu vàng là sự ghi nhận của hội đồng khoa học đối với những công sức, thời gian, tình yêu dành cho nghiên cứu khoa học và những thành công bước đầu của anh. Anh định hướng phát triển nghiên cứu khoa học với việc hình thành nhóm nghiên cứu khoa học dưới sự định hướng của các thầy hướng dẫn, các chuyên gia và nghiên cứu cùng với các đồng nghiệp trẻ, sinh viên để nghiên cứu khoa học luôn đồng hành cùng phát triển giáo dục.
Ngay từ đầu năm, những thông điệp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho quyết tâm đổi mới, nỗ lực hành động quyết liệt, tạo điểm tựa thể chế để có thể đẩy mạnh thế và lực của cả đất nước.
Chiều 9/1, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị bàn giao chức danh Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố. Dự, chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Đại tá Trịnh Hồng Phong, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Đào Đình Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự thành phố; lãnh đạo UBND thành phố.
Chiều 9/1, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tiếp tục chương trình hội nghị cho ý kiến, chủ trương các nội dung theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội tỉnh; bí thư, phó bí thư các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI...
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.