Hiệu quả từ mô hình trồng hoa cúc kim cương ở Bình Nghĩa

Ngành nghề nông thôn 06:47 27/11/2023 Phạm Hiền
Bắt đầu được trồng thử nghiệm từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2018 cúc kim cương mới được nhiều hộ dân ở miền Cát Lại, xã Bình Nghĩa, Bình Lục (chủ yếu ở thôn 1, thôn 2) lựa chọn ươm trồng. Cúc kim cương hoa đẹp, cánh dài, cứng, mầu vàng óng (hoặc trắng muốt), được thị trường ưa chuộng, giá bán hoa cúc kim cương cao hơn từ 300-500 đồng/bông, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người trồng hoa ở Bình Nghĩa nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình.

Được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Viện nghiên cứu rau quả, năm 2006, anh Hoàng Văn Đại, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cúc kim cương xã Bình Nghĩa bắt đầu triển khai trồng và ươm giống cúc kim cương. Anh Hoàng Văn Đại cho biết: So với các loại cúc thông thường khác, cúc kim cương là loài hoa “khó tính”, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao hơn. Nếu trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật hoa sẽ không đẹp, thậm chí cây sẽ bị chết. Chính vì kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đòi hỏi cao và khắt khe hơn, nên cúc kim cương cho thu nhập cao hơn so với các loại cúc thông thường khác, lại rất dễ bán trên thị trường nhưng thời gian đầu nhiều người trồng hoa ở miền Cát Lại không lựa chọn ươm trồng.

Nhận thấy cúc kim cương hợp với chất đất, thời tiết của địa phương, đem lại giá trị thu nhập cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, sau năm 2006, ngoài gia đình anh Đại, có một vài hộ dân miền Cát Lại cũng bắt đầu trồng cúc kim cương. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ đã trồng và đang muốn trồng cúc kim cương trên địa bàn có cơ hội gắn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau về khoa học kỹ thuật, về cây giống, về thị trường… tháng 12/2018 Hội Nông dân (HND) xã Bình Nghĩa đã chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác trồng hoa cúc kim cương ở miền Cát Lại. Tổ hợp tác gồm 29 thành viên, người trồng ít từ 1- 2 sào hoa/vụ; người trồng nhiều tới trên một mẫu.

Chị Trần Thị Tâm, thôn 2, Cát Lại ươm trồng cúc kim cương chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.

Bà Từ Thị Thanh Miều, Chủ tịch HND xã Bình Nghĩa cho biết: Tham gia tổ hợp tác, các thành viên chủ động, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa; khi cần sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau về cây giống, giới thiệu thị trường tiêu thụ… Nhờ vậy, những năm qua các thành viên trong tổ hợp tác duy trì và phát triển được diện tích trồng hoa cúc kim cương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Từ năm 2018 gia đình chị Trần Thị Tâm, thôn 2, Cát Lại bắt đầu trồng hoa cúc kim cương. Được biết trước năm 2014 trên diện tích 4 sào đất vườn và đất màu của gia đình chị Tâm chuyên trồng rau màu các loại. Để nâng cao thu nhập, từ năm 2014 gia đình chị chuyển sang trồng hoa cúc các loại. Nhận thấy hoa cúc kim cương đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại hoa cúc thông thường năm 2018 gia đình chị Tâm bắt đầu trồng cúc kim cương trên diện tích một sào. Chị Tâm chia sẻ: Trồng cúc kim cương trước hết phải cải tạo đất thật tốt, bón đầy đủ các loại phân, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh phải đúng kỹ thuật. Khi trồng phải chú ý bảo đảm mật độ, khoảng cách cây theo đúng tiêu chuẩn. Ưu điểm nổi bật của cúc kim cương là thân cứng; mày dày; cánh hoa cứng, dài, bóng; bông hoa to, đẹp, màu sắc rực rỡ. Được thị trường ưa chuộng nên cúc kim cương bán chạy, giá cao hơn các loại hoa khác từ 300-500 đồng/bông, có thời điểm cao hơn từ 500 – 1.000 đồng/bông.

 Là người đầu tiên trồng cúc kim cương trên địa bàn, cũng là người có diện tích trồng hoa cúc kim cương lớn nhất anh Hoàng Văn Đại, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cúc kim cương xã Bình nghĩa là người có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và nhân giống hoa cúc kim cương. Hiện tại, ngoài diện tích trên 6.000m2 đất chuyên làm giống cúc kim cương và cúc giống các loại, anh Đại cùng anh trai trồng trên một mẫu hoa cúc kim cương. Anh Đại chia sẻ: Cúc kim cương có hai màu vàng và trắng, phù hợp với thời tiết có nền nhiệt từ 28 đến 32 độ. Đây là nền nhiệt lý tưởng để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, người trồng hoa ở miền Cát Lại chỉ trồng cúc kim cương vào mùa thu, thời điểm bắt đầu trồng là từ tháng 8 (âm lịch), thu hoạch đến rằm tháng tư (âm lịch) là kết thúc. 100 đến 105 ngày là thời gian tính từ thời điểm trồng đến ngày cúc kim cương cho thu hoạch. Hiểu đặc tính của cây; có kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhiều người trồng cúc kim cương căn thời gian trồng, chọn thời điểm cây cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn giá hoa sẽ cao hơn, nhờ đó thu nhập cũng được nâng lên.

Như nhiều loại cây trồng khác, giá cúc kim cương phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường tự do, lúc cao, lúc thấp. Tuy nhiên, tính bình quân, một sào cúc kim cương cho thu nhập từ 30 – 35 triệu đồng/vụ, cao hơn hẳn các loại cây trồng khác. Đặc biệt, nhờ nhanh nhạy, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường người trồng hoa cúc kim cương sản xuất hoa theo nhu cầu của người mua. Thị trường yêu thích hoa một bông thật to, thật đẹp; người trồng sẽ chăm sóc cây theo kỹ thuật để cây chỉ có một bông thật to, thật đẹp. Thị trường ưa thích hoa có thêm hai hoặc ba nụ lộc, người trồng sẽ chăm sóc cây theo kỹ thuật để cây có thêm nụ lộc xung quanh...

Chị Từ Thị Thanh Miều, Chủ tịch HND xã Bình Nghĩa (mặc áo xanh,bên trái) thăm mô hình trồng cúc kim cương của hội viên nông dân.

Những năm qua, nhờ sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đưa giống hoa mới, có giá trị kinh tế cao vào ươm trồng thu nhập của các thành viên trong Tổ hợp tác trồng hoa cúc kim cương ở Bình Nghĩa được nâng lên. Không những thế mô hình tổ hợp tác còn tạo được sự gắn kết giữa các thành viên; mọi người sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.

 Thời gian tới, cùng với việc duy trì và phát triển mô hình trồng cúc kim cương, HND xã Bình Nghĩa tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn, chủ động trong ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa giống cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, chất đất địa phương vào sản xuất góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí, chỉ tiêu về thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC