Xe buýt và muôn vẻ cuộc sống

Đời sống 05:19 29/09/2018 Thanh Vân
Người bán hàng rong cất cao giọng chào mời, khách lên xe với balo, túi xách lỉnh kỉnh, trẻ nhỏ quấy khóc, đủ mọi lứa tuổi... Trên những chuyến xe buýt là cả một xã hội thu nhỏ với muôn vẻ cuộc sống.

Giá vé xe buýt nội thành rất bình dân, 7.000 đồng/lượt, sinh viên và người trên 70 tuổi cũng chỉ cần bỏ ra 90.000 - 100.000 đồng/tháng nếu mua vé tháng, nên chẳng lạ khi nhiều người lựa chọn đây là phương tiện di chuyển chủ yếu. Nhưng chính vì tập hợp đủ kiểu người, lúc nào cũng nhộn nhạo, đông đúc nên dù thiết yếu, xe buýt hình như chẳng mấy khi được lòng người. Người ta đi xe buýt vì bắt buộc phải thế, chứ chẳng mấy vui vẻ. Cả thời sinh viên của tôi cũng gắn liền với xe buýt công cộng, ngày nào cũng ngồi trên cùng một chuyến xe trên tuyến đường đến trường và lúc nào cũng phải "võ trang" đầy đủ mới dám lên xe, những hôm xe vắng thật sự rất hiếm hoi. Nhưng đôi lúc, nếu nhìn theo một khía cạnh khác, xe buýt cũng có thể được ví von bằng cái nhìn rất đỗi lãng mạn, tựa như một cái bóng thân thiết gắn bó với rất nhiều người ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Đấy là chuyện của xe buýt nội thành Hà Nội, một nơi chẳng bao giờ thiếu người. Còn xe buýt liên tỉnh lại mang trong mình những nét riêng.

Tuyến xe buýt Phủ Lý - Đồng Văn - Giáp Bát.

3 giờ chiều ngày thứ 7, dù trạm chờ xe buýt ngay trước cổng ga Phủ Lý có mái che và cây cối tỏa bóng nhưng vẫn không ngăn nổi cái nắng "rám trái bòng" của tháng 8. Mọi người đứng chờ xe đều nép mình tránh nắng dưới gốc cây, gương mặt ngóng trông chuyến xe mình cần mau tới. Người đứng chờ xe buýt ở đây đa số đi chuyến 206 Phủ Lý - Giáp Bát, có học sinh, sinh viên, có dân lao động và các cô, bác trung tuổi. Cùng đứng chờ với họ, tôi không khỏi thắc mắc: "Tại sao đa số mọi người đều từ chối những lời mời gọi hấp dẫn từ xe khách để đi xe buýt?". Đem thắc mắc hỏi một bạn sinh viên cùng đứng chờ xe, tôi được giải đáp thế này: "Vì ngoài những trạm cố định, xe buýt không bắt khách dọc đường, không có tình trạng chèo kéo khách, cũng không có chuyện mời khách giá thấp, lên xe lại đòi giá cao hơn, nên phần đông sinh viên như chúng em chọn đi xe buýt cho an toàn".Trên chuyến xe buýt hôm ấy, tôi có cái nhìn khác hẳn về xe buýt liên tỉnh. Trên xe được đặt thêm một chồng ghế nhựa, phòng khi khách quá đông, sẽ không ai phải đứng cả một quãng đường dài. Hành khách trên xe cũng chẳng cần phải cố ôm túi xách, nép mình ngồi so le trên ghế như khi đi xe khách, bởi xe buýt chỉ bắt khách ở trạm cố định, không phải ngày lễ nên người lên xe chẳng có mấy.

Với đặc điểm là phương tiện công cộng, có người ví xe buýt như một xã hội thu nhỏ với đủ câu chuyện cuộc sống. Làm phụ xe nhiều năm, đã gặp đủ dạng người, bác Bùi Công Hưng, làm soát vé trên tuyến buýt 206 trải lòng: Mỗi ngày tôi gặp cả trăm hành khách, mỗi người một vẻ nên sinh ra lắm chuyện bi hài. Có ông cụ mắt mờ chân chậm, phải chống gậy mà đi nhưng vẫn hăng hái xách theo túi lớn túi bé lên Hà Nội thăm con cháu. Có bà bác khó tính, lên xe không còn ghế đệm, phải ngồi ghế nhựa nên than phiền suốt chuyến đi, ngặt nỗi chuyến xe đó cũng toàn người lớn tuổi, có thanh niên đâu mà nhường ghế cho bà. Còn có cả những khách trông rõ trí thức, nhưng nói chuyện điện thoại lại oang oang cả xe, ảnh hưởng đến người khác, nhắc mấy lần vẫn chẳng ăn thua. Thậm chí có những cậu thanh niên nhìn bề ngoài chẳng đến nỗi nhưng rất mất lịch sự, chuyên gác chân lên ghế phía trước rồi thản nhiên nghịch điện thoại… Làm phụ xe lắm lúc phải nhắc nhở những chuyện liên quan đến ý thức như vậy cũng bực, nhưng đôi khi vẫn chẳng hiếm chuyện hay. Gặp những người hay chuyện, cả chuyến xe sẽ rôm rả những câu chuyện trời Nam, đất Bắc, từ tình hình chính trị - xã hội đến những điều gần gũi như vụ mùa, chăn nuôi, chuyện học hành của con cái. Nhiều người không ngại chia sẻ chuyện nhà mình với người xa lạ trên cùng chuyến xe, có lẽ họ coi đó như một cách để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Trên những chuyến xe buýt liên tỉnh, phần nhiều hành khách đều mang theo bao lớn, túi nhỏ hành lý. Có người mang quà về quê, có người lại mang quà quê ra phố. Như chuyến xe tôi đi, có cô bạn sinh viên mua hẳn 5 phần bánh cuốn thịt nướng, được cẩn thận đặt trong hộp giữ nhiệt, mang về nhà để người thân cùng thưởng thức đặc sản chính gốc Phủ Lý; bác gái lỉnh kỉnh với túi rau, túi gạo mang lên cho con cháu sống giữa đất Thủ đô; anh thanh niên với túi hành lý khá nặng và câu chuyện lần đầu được cử đi công tác. Vậy mới nói, đi xe buýt liên tỉnh mang lại trải nghiệm rất khác, bởi cùng nhau đi chung một chuyến xe trên quãng đường dài, dù ban đầu lạ lẫm, nhưng dần dần vẫn có thể cởi mở với nhau hơn.

Mỗi chuyến xe, mỗi chặng đường, mỗi con người, mỗi sự việc, những điều tốt, điều xấu, những chuyện vui buồn, tất cả đơn giản là cuộc sống. Và như thế, xe buýt chẳng khác nào đang chở trên mình một không gian xã hội thu nhỏ với những con người mang theo từng câu chuyện rất đỗi đời thường của riêng mình.

Thanh Vân

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thông báo kết quả làm việc cuộc họp lãnh đạo chủ chốt

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  18:27 18/05/2024

10 giờ, thứ Bảy, ngày 18/5/2024, tại Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.

Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Hà Nam năm 2024

Văn hóa  |  14:28 18/05/2024

Sáng 18/5, tại Nhà Văn hóa trung tâm thị xã Duy Tiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với UBND thị xã Duy Tiên tổ chức Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Hà Nam năm 2024 với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tham gia Liên hoan có gần 200 tuyên truyền viên đến từ 6 đội tuyên truyền lưu động các huyện, thị xã, thành phố.

Khởi động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2024

Sức trẻ Hà Nam  |  13:49 18/05/2024

Sáng 18/5, tại Trường THCS An Lão (huyện Bình Lục), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Bình Lục tổ chức Chương trình Khởi động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) hè 2024.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC