1. Vì sao phải xây dựng kênh truyền thông chủ lực trên không gian mạng?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kèm theo sự phát triển công nghệ internet, cũng như các kỹ thuật, ứng dụng làm báo hiện đại đã, đang và sẽ tiếp tục thổi bùng cuộc cách mạng thông tin số. Rõ ràng, và thật khó có thể lảng tránh sự cạnh tranh khốc liệt thông tin giữa báo chí chính thống và mạng xã hội.
Thực tiễn đang diễn ra rất sôi động, nóng bỏng với hoạt động của các mạng xã hội. Lấp đầy các hạn chế, khoảng trống về không gian, thời gian, nhân lực, vật lực so với cách làm báo truyền thống, với tiện ích, ưu thế mở, hiện đại, các mạng xã hội đã, đang và tiếp tục tạo nên những đột phá mới trong phát triển thông tin số, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu cộng đồng mạng. Tính thỏa mãn nhu cầu ở đây thể hiện trên nhiều bình diện, bao gồm cả nhìn, nghe, xem, với các công nghệ rất hiện đại, trong đó, các ứng dụng mới nhất được ứng dụng trên các nền tảng số như AI đã, đang tăng độ thu hút số lượng lớn độc giả. Thông tin trên các nền tảng mạng xã hội được cập nhật nhanh với số lượng lớn đến mức chóng mặt, do tính mở, dễ dàng cho hàng triệu người dùng cùng một lúc, một thời điểm đăng tải, chia sẻ, bình luận một vấn đề. Ví dụ: một vụ án mạng, ngay lập tức có hàng vạn, hàng triệu tài khoản đưa thông tin và bình luận, chia sẻ trên mạng. Trong khi đó, báo chính thống vẫn có độ trễ thời gian mới đăng tin. Rõ ràng là, khoảng trống thời gian đã được các mạng xã hội lấn át, khỏa lấp rất nhanh, đáp ứng rất kịp thời cư dân mạng.
Đương nhiên là thông tin số trên thế giới phẳng luôn luôn bao hàm cả 2 mặt. Mặt tích cực là sự phong phú, đa dạng, nhiều màu, nhiều vẻ của các thông tin được cập nhật liên tục với lượng dữ liệu khổng lồ, giúp ích cho công chúng khai thác, tìm kiếm thông tin. Mặt tiêu cực của nó là các thông tin xấu độc, trong đó rất đáng quan ngại là các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và chế độ.
Câu hỏi đặt ra là làm gì và làm thế nào để thông tin chính thống, tích cực có thể đẩy lùi được thông tin tiêu cực, xấu độc trên mạng? Và đây là bài toán đau đầu không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lời giải duy nhất là chúng ta chỉ có thể hạn chế sự tác động của nó bằng giải pháp tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” của công dân mạng để giảm thiểu, hạn chế tác động ảnh hưởng của các thông tin tiêu cực, xấu độc. Trong đó, việc chiếm lĩnh trận địa tư tưởng trên không gian mạng bằng hệ thống thông tin chính thống và đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, xấu độc trên không gian mạng của các báo chí chính thống từ Trung ương đến các báo Đảng các tỉnh, thành phố, các kênh truyền thông và mạng xã hội Việt sẽ là giải pháp hữu hiệu, căn cơ và lâu dài nhất.
Hiện ở nước ta, truyền thông trên không gian mạng xã hội nước ngoài chủ yếu là một số cơ quan báo chí và truyền thông, một số kênh truyền thông và mạng xã hội Việt (made in Vietnam). Trong đó, chủ yếu truyền thông trên 3 mạng xã hội như facebook, youtube, X, và rất ít tham gia trên các mạng xã hội khác như tiktok, Instagram....
Đối với các cơ quan báo chí, do chưa có cơ chế khuyến khích hay quy định bắt buộc phải đăng tải các sản phẩm thông tin trên các nền tảng mạng xã hội nên chỉ có một số cơ quan báo chí lớn, chủ lực, có lượng người đọc lớn như Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong, Người lao động... chủ động xây dựng kênh truyền thông dưới dạng fan page và đăng tải, cập nhật thường xuyên lên mạng. Ngoài ra, hầu hết các cơ quan báo chí chỉ thỉnh thoảng lựa chọn cập nhật các bài viết hay phóng sự truyền hình, video clip lên mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông tin.
Đối với các kênh truyền thông chuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng mang tính độc lập còn khá ít. Hiện chủ yếu là Hương sen Việt trên Youtube, cập nhật thường xuyên trên trang web https://huongsenviet.com và đăng tải thường xuyên các sản phẩm truyền thông đấu tranh chống quan điểm sai trái trên không gian mạng. Trong đó, điểm nhấn rất đáng lưu tâm là Huongsenviet đã chủ động phối hợp sản xuất và đồng thời chọn lọc các phóng sự video tiêu biểu đấu tranh chống quan điểm sai trái của các Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và các báo chủ lực để đăng tải trên không gian mạng. Ví dụ: các sản phẩm truyền thông tiêu biểu như: Vì sao tuyên truyền cho chế độ “đa nguyên”, “đa Đảng” lại “vào lò”; “nhân quyền không có quyền tung tin giả”; “Virus dân chủ - virus nguy hiểm hơn cả COVID-19...
Ngoài ra, trong năm 2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nghiên cứu Đề án khoa học cấp Bộ trọng điểm Xây dựng kênh truyền thông phục vụ Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời đưa sản phẩm ứng dụng Mạch nguồn trên Youtube. Đến nay, Mạch nguồn đã đăng tải được 41 số phóng sự truyền hình khá hiệu quả và lan tỏa trên không gian mạng. Tiêu biểu là: Mạch nguồn số 41: Giữ linh hồn, truyền sử Việt; Mạch nguồn số 33: “Vạch trần âm mưu đầu độc cánh trẻ chống đối chính quyền”; Mạch nguồn số 39: “Đại đoàn kết toàn dân tộc”...
Đối với các mạng xã hội Việt, tuy khó có thể cạnh tranh với những “ông lớn” là các mạng xã hội nước ngoài như facebook, yotube, X... nhưng đã hình hài xu hướng phát triển trong xu thế vận động khá tích cực và dần dần thu hút được người dùng Việt. Tiêu biểu là các mạng xã hội: Zalo, Mocha, Gapo, Lotus, Vcnet...
Theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) ([1]), tính đến cuối năm 2018, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là Facebook, YouTube, Instagram, Zalo và Mocha. Trong đó, chỉ có 2 mạng xã hội Việt là Zalo và Mocha có quy mô đủ sức cạnh tranh với các mạng xã hội nước ngoài.
Ở thời điểm đó, mạng xã hội lớn nhất là Facebook có 60 triệu người sử dụng tại Việt Nam, Zalo có khoảng 40 triệu người dùng còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài những doanh nghiệp kể trên, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam giờ đây đã xuất hiện thêm 3 cái tên mới là Gapo, Lotus, Vcnet (cùng ra mắt năm 2019).
Tính đến tháng 11/2020, theo thống kê của VietNamNet, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau nền tảng này lần lượt là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên). Ngoài ra, theo thống kê của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tính đến thời điểm 31 tháng 10 năm 2023, riêng mạng xã hội VCnet hiện đã có trên 5 triệu người sử dụng.
Và tín hiệu rất tích cực là theo thống kê mới nhất của We Are Social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu), tính đến tháng 01/2023, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là 70 triệu người. Năm nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam gồm có: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%). Điều này cũng có nghĩa, với trên 60 triệu người dùng thường xuyên, Zalo đã gần như đuổi kịp Facebook về số lượng người sử dụng.
Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam giờ đây đã có các nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước được xem là có đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại.
Tuy nhiên, nhìn vào các con số thống kê cho thấy, lượng người sử dụng các mạng xã hội ngoại vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu. Nếu hỏi đa số công dân mạng ưa thích hay sử dụng mạng xã hội nào là chủ yếu để chia sẻ thông tin thì câu trả lời chủ yếu vẫn là Facebook, TikTok, Facebook Messenger và Instagram. Và cuối cùng mới là zalo, được dùng chủ yếu để gọi, nhắn tin. Đây là một thực tế khách quan tâm lý sử dụng mạng xã hội của người Việt.
Thực tế đã rõ ràng về sự yếu thế của các mạng xã hội Việt so với các mạng xã hội ngoại. Vì thế, nếu chúng ta không chăm lo nuôi nấng, phát triển mạng xã hội Việt thì hệ lụy sẽ khó lường. Vì, hầu hết các nền tảng mạng xã hội ngoại đều thu thập dữ liệu người dùng. Điều đó cũng có nghĩa, thay vì trả bằng tiền, người dùng đã trả cho các mạng xã hội thông tin cá nhân để có quyền sử dụng sản phẩm. Facebook là ví dụ điển hình cho việc biến dữ liệu người dùng thành thứ "hái ra tiền". Ngay từ bước đăng ký, Facebook đã yêu cầu người dùng cung cấp email, số điện thoại, tên, tuổi, địa chỉ... Trong quá trình hoạt động, nền tảng này còn thu thập vị trí, ghi nhớ các hành động, thói quen và nội dung tìm kiếm của người dùng. Những thông tin này sau đó được dùng để phân tích nhằm phục vụ cho quảng cáo hướng đối tượng.
Google cũng có cách làm tương tự Facebook nhưng ở quy mô còn khủng khiếp hơn. Với hàng loạt các công cụ như Google Search, YouTube, Google Maps, Gmail,... gã khổng lồ tìm kiếm nắm trong tay lượng dữ liệu vô cùng lớn từ hàng tỷ thiết bị.
Chưa kể, tới đây, các mạng xã hội triệt để ứng dụng công nghệ AI, khai thác tối đa thông tin người dùng thì sức hấp dẫn, lôi kéo bạn đọc còn lớn hơn hiện tại. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nguồn dữ liệu này được sử dụng cho những mục đích không lành mạnh? Đó là lúc mà cả thế giới phải đối mặt với những hiểm họa lớn về vấn đề an ninh.
Thực tế hiện nay, để đảm bảo an ninh quốc gia, nhiều chính phủ phải thận trọng đưa ra nhiều biện pháp cả về kỹ thuật, công nghệ và luật pháp để ngăn chặn và kiểm soát thông tin. Ngay cả Mỹ cũng đã và đang dè chừng với tik tok. Trung Quốc, Triều Tiên gần như ngăn cấm hoàn toàn sự hiện diện của các nền tảng nước ngoài. Nga thì dồn sức và khá thành công khi phát triển mạng VK (Vkontakte), đủ sức cạnh tranh với facebook. Theo số liệu thống kê của Statista cho thấy, tính đến tháng 1/2020, Vkontakte hiện có 38 triệu người dùng Nga, chiếm khoảng 54% lượng người sử dụng mạng xã hội thường xuyên tại quốc gia này. Đây cũng là ví dụ hiếm hoi cho thấy một quốc gia có thể phát triển mạng xã hội của riêng mình để cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới ([2]). Có thể thấy, Nga là một trong những số ít quốc gia mà mạng xã hội facebook không chiếm được thị phần đa số.
Như đã đặt vấn đề ở bài viết này, thế giới phẳng và sẽ tiếp tục phẳng hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục kéo theo sự phát triển bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Chẳng ai có thể nói trước điều gì. Nhưng khó có thể đoán định rồi đây sẽ có những mạng xã hội hay mô hình truyền thông xã hội khác mới hơn phủ định các mạng xã hội hiện có. Trong một thế giới mở, phát triển trên không gian mạng sôi động ấy, chúng ta không thể không đứng trong sự vận động năng động đó. Và con đường duy nhất là phát triển mạng xã hội Việt đủ mạnh, đủ lực hút người sử dụng Việt.
Nói như vậy để có thể khẳng định rằng, chỉ khi nào các mạng xã hội Việt phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng chủ yếu người dùng trên mạng xã hội, cùng với các kênh báo chí và truyền thông chủ lực đủ sức chí phối thông tin trên không gian mạng thì lúc đó chúng ta có thể thực sự làm chủ trận địa tư tưởng trên không gian mạng.
2. Giải pháp nào để xây dựng các kênh truyền thông chủ lực góp phần giữ vững trận địa tư tưởng trên không gian mạng?
Để giữ vững trận địa tư tưởng trên không gian mạng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có những giải pháp căn cơ, cả về lâu dài và trước mắt, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng mô hình truyền thông chính thống trên không gian mạng
Mô hình này có thể cấu trúc gồm: Báo chí và Truyền thông - Kênh truyền thông chủ lực - Mạng xã hội Việt. Trong đó, cơ chế hoạt động theo nguyên tắc: Kênh truyền thông chủ lực trên mạng xã hội là trung tâm; báo chí và truyền thông cung cấp thông tin chính thống cho kênh truyền thông chủ lực; mạng xã hội Việt hoạt động độc lập trên các nền tảng mạng xã hội và tương tác với các thông tin trên kênh truyền thông chủ lực.
Cụ thể là:
Đối với các cơ quan báo chí và truyền thông
Hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội vừa giúp PR, quảng bá sản phẩm truyền thông vừa làm nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Vì thế, nếu tương tác cùng một lúc nhiều nền tảng thì sản phẩm thông tin càng đến với đông đảo các đối tượng độc giả và sự lan tỏa của sản phẩm thông tin của các cơ quan báo chí truyền thông càng hiệu quả. Theo hướng đó, các sản phẩm truyền thông đồng thời cùng một thời điểm có thể đăng tải lên kênh truyền thông chủ lực, mạng xã hội Việt và mạng xã hội nước ngoài. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng nền tảng mạng xã hội, có thể lựa chọn các sản phẩm thông tin đăng tải cho phù hợp. Ví dụ: trên các kênh chủ lực, chủ yếu lựa chọn các sản phẩm thông tin chính thống, ở các thể loại chính luận để đăng tải. Trên các mạng xã hội Việt và mạng xã hội nước ngoài có thể đăng tải dưới dạng app hoặc trang fanpage để thu hút bạn đọc truyền thống và thường xuyên.
Đối với kênh truyền thông chủ lực
Hiện có nhiều kênh truyền thông đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó chỉ có một vài kênh truyền thông mang tính độc lập. Phần còn lại chủ yếu nối dài từ các app hay các trang fanpage của một số cơ quan báo chí. Do đó, rất cần có định hướng phát triển một số kênh truyền thông độc lập, chủ lực đấu tranh trên trận địa tư tưởng trên không gian mạng. Tuy nhiên, mỗi nền tảng mạng xã hội nước ngoài lại có những đặc thù, ưu việt riêng. Ví dụ: Mạng xã hội facebook thường chia sẻ link các bài viết và các bài viết dạng dài; Mạng xã hội tik tok, Instagram có lợi thế để chia sẻ dưới dạng đa phương tiện, sử dụng âm thanh, video ngắn và hình ảnh; Mạng xã hội youtube có lới thế là đăng tải các video có nội dung dài, hoặc các sản phẩm multimedia. Lợi thế đặc biệt là Youtube có tính năng Livestream để phát các chương trình trực tiếp...
Với tính đặc thù riêng có của từng loại hình mạng xã hội như đã phân tích trên, chúng ta có thể xây dựng và phát triển các kênh truyền thông độc lập riêng. Trước mắt, có thể đầu tư xây dựng và duy trì, phát triển 3 kênh có quy mô tầm cỡ, có thể tác động, chi phối thông tin trên mạng: (1) Trên nền tảng mạng facebook, có thể phát triển kênh Hương sen Việt; (2) Trên nền tảng Youtube, phát triển kênh Đối diện (của VTV) và Mạch nguồn (của Học viện Báo chí và Tuyên truyền); (3) Ngoài ra có thể phát triển kênh truyền thông độc lập của TTXVN và Đài Tiếng nói Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội tik tok và instragram để sản xuất và đăng tải các thông tin đa phương tiện, âm thanh, video ngắn và hình ảnh.
Đối với các mạng xã hội Việt
Cần có chiến lược phát triển hệ thống mạng xã hội Việt theo tầm nhìn lâu dài để thu hút cộng đồng mạng sử dụng. Ngoài zalo, cần phát triển mạnh mẽ các mạng hiện có như Mocha, Gapo, Lotus và Vcnet. Trong đó, trước mắt cần đầu tư phát triển mạng xã hội chuyên biệt VCnet chuyên về lĩnh vực chính trị, xã hội để thu hút công dân mạng, cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ sử dụng, tham gia đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Thứ hai, đổi mới cơ chế truyền thông trên mạng xã hội
Để đủ sức định hướng và chi phối thông tin chính thống trên mạng rất cần một cơ chế hoạt động thống nhất để vận hành hiệu quả một mô hình truyền thông nêu trên. Trong đó, Ban Chỉ đạo 35 giữ vai trò chủ đạo trong chỉ đạo, định hướng đối với các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội Việt và các kênh truyền thông chủ lực.
Theo đó, cần có quy định đối với các cơ quan báo chí về việc tham gia đăng tải các sản phẩm thông tin chính thống đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội trong và ngoài nước. Cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí Trung ương và báo Đảng địa phương tham gia đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Trong số các cơ quan báo chí, cần thống nhất danh sách các báo, tạp chí chủ lực tham gia các sản phẩm thông tin trên mạng. Hằng tháng, quý, năm thống kê danh sách các sản phẩm thông tin để báo cáo Ban Chỉ đạo 35 Trung ương.
Mặt khác, Trung ương cần chỉ đạo, đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để mô hình truyền thông trên mạng hoạt động hiệu quả. Theo đó, cần có quy định phối hợp hai chiều giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với các kênh truyền thông và mạng xã hội; giữa mạng xã hội với các kênh truyền thông chủ lực và các cơ quan báo chí. Trong đó, có quy định rõ cơ chế phối hợp thông tin của cơ quan báo chí đối với các kênh truyền thông. Ví dụ: quy định các cơ quan báo chí VTV, VOV, VTC... có trách nhiệm cung cấp bài, video, hình ảnh cho Hương sen Việt hay Mạch nguồn.
Đối với các mạng xã hội Việt, cần có cơ chế, quy định cụ thể về quản trị nội dung và bình luận. Đồng thời, lựa chọn, định hướng phát triển một số đơn vị mạng chủ lực tham gia đấu tranh trên không gian mạng. Đảm bảo mạng xã hội Việt tự bản thân nó vừa tuân theo xu hướng mở, tự do thông tin, chia sẻ, bình luận, vừa có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc thông qua bộ lọc tự động. Hiện các mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, X, Tik tok cũng kiểm soát chặt chẽ tùy thuộc môi trường mạng xã hội ở các quốc gia sử dụng. Ví dụ: Facebok có quy định về vi phạm cộng đồng. Tự động từ chối hoặc thậm chí cho treo tài khoản nêu đăng tải các hình ảnh, thông tin khiêu dâm.
Thứ ba, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng truyền thông trên mạng xã hội
Việc định hướng thông tin có vai trò hết sức quan trọng lựa chọn các sản phẩm truyền thông của các cơ quan báo chí và các kênh truyền thông chủ lực để đăng tải trên mạng xã hội. Hệ thống thông tin chính thống có tính định hướng tư tưởng chính trị sẽ tác động lan tỏa trong chi phối, dẫn dắt thông tin trên môi trường mạng xã hội.
Chính vì vậy, các sản phẩm thông tin, dù dưới dạng bài viết hay phóng sự video cần đảm bảo tính tư tưởng, tính định hướng và tính chiến đấu. Thực hiện phương châm “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch. Mặt khác, cần đổi mới nội dung, đi trực diện vào những vấn đề cần thông tin chính thống, cần trực tiếp đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Tùy từng đối tượng để có những bài viết, các phóng sự video phù hợp. Không nên đăng tải các bài viết kinh viện, bác học, dài dòng, trừu tượng như trước đây.
Nội dung tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Một là, tăng cường thông tin chính thống để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, chú trọng thông tin chính thống về nền tảng tư tưởng của Đảng - Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng; lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam... Đây là biện pháp hữu hiệu giữ vững trận địa tư tưởng trên không gian mạng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, thường xuyên thông tin đầy đủ, khách quan về thành tựu của gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước nhằm khơi dậy niềm tin của nhân dân với Đảng. Mặt khác, cũng không né tránh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng.
Để tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chúng ta phải chiếm lĩnh thông tin, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, phân tích, luận giải về bản chất các vấn đề nóng, nhạy cảm đang được xã hội quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng mạng.
Ba là, các kênh truyền thông trên không gian mạng phải đồng bộ, thống nhất tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm sai trái; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân - với tư cách công dân mạng có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thế nào là quan điểm thù địch. Khi đã nhận thức đúng - sai của thông tin xấu độc, sai trái, thù địch thì mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội
Bản chất, âm mưu, mục tiêu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa trên không gian mạng là không thay đổi. Chúng chỉ thay đổi phương thức, thủ đoạn chống phá cho phù hợp với bối cảnh mới thay đổi, nhất là sự thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin 4.0. Như đã đặt vấn đề, các mạng xã hội và tiện ích hiện đại của nó mở ra nhiều phương thức hiện đại để chuyển tải thông tin. Chính vì vậy, các thế lực thù địch đã và đang rất triệt để lợi dụng những công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm thông tin mới hấp dẫn, lôi kéo bạn đọc mạng để chống phá chúng ta. Hiện nay, hằng ngày, hằng giờ chúng ta đang phải đối mặt với không ít phóng sự video của các phần tử phản động ngụy tạo qua công nghệ cắt ghép ảnh, cài đặt giọng nói tự động qua công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Họ dựng lên xuyên tạc, bôi nhọ, bêu xấu, thậm chí dựng chuyện không có thật 100% với bất kỳ lãnh đạo nào hòng gây mất đoạn kết nội bộ, gây phân tâm trong cộng đồng mạng. Nguy hiểm và lợi hại hơn chúng tận dụng các tiện ích, công nghệ mới của internet để tạo các diễn đàn online, livestream. Lợi dụng các tiện ích này để phát tán các thông tin sai trái, thù địch, lôi kéo sự tò mò của công dân mạng, nhất là lớp trẻ tham gia đối thoại trực tiếp, bình luận, dẫn dắt thông tin theo ý đồ xấu của chúng. Trong thực tế, thời gian qua không ít thông tin trên mạng thông qua các tiện ích, công nghệ mới, hiện đại trên các mạng xã hội đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin đối với vai trò lãnh đạo của Đảng...
Chính vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải đổi mới phương thức truyền thông mới mang lại hiệu quả. Cần thường xuyên đổi mới phương thức, phương tiện đấu tranh hiện đại, nhất là các tiện ích mới nhằm thu hút công chúng mạng tham gia chia sẻ, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để đối phó với các phương tiện hiện đại - thông qua mạng internet, cần đổi mới phương thức, xây dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức mạnh, đủ khả năng tham gia vào hoạt động giao lưu thông tin quốc tế trong xu thế “thế giới phẳng”. Hệ thống đó vừa phải đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin chính thống của nhân dân nói chung, của cư dân mạng nói riêng, vừa phải đủ sức bảo vệ lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời đủ sức chiến đấu, phê phán phản bác các thông tin sai trái, độc hại trên mạng internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, để đẩy lùi, giảm thiểu tối đa tác động từ các thông tin sai trái, thù địch, chúng ta cũng rất cần đổi mới, mở rộng các hình thức, phương tiện đấu tranh. Các cơ quan báo chí có lượng người đọc lớn, có tác động, chi phối thông tin trên mạng cần mạnh dạn tạo các diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Cần tạo diễn đàn mở để trao đổi trực tuyến, tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn để một mặt chúng ta tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt khác, nhân dân có thể tham gia trao đổi - tranh luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet. Đồng thời thường xuyên đấu tranh, yêu cầu các mạng xã hội như Facebook, Google, Tik tok... tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử dân tộc....
Thứ năm, xây dựng mạng lưới tổ chức các kênh truyền thông, mạng xã hội và nhân lực tham gia truyền thông mạng xã hội
Như đã đề cập ở trên, các cơ quan hữu quan cần sớm tham mưu để kịp thời có văn bản quy định về cơ cấu tổ chức các kênh truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Quy định rõ trách nhiệm của hệ thống các cơ quan báo chí; các mạng xã hội Việt và các kênh truyền thông độc lập trên mạng xã hội. Trong đó, ra quyết định cụ thể về tổ chức, nguồn kinh phí và biên chế cụ thể của các kênh truyền thông chủ lực độc lập trên mạng và mạng xã hội chuyên biệt Vcnet. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí cụ thể trong việc cung cấp các sản phẩm thông tin đăng tải lên mạng xã hội Vcnet và các kênh truyền thông chủ lực, độc lập trên mạng xã hội./.
[1] Bộ Thông tin và Truyền thông, https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=145497
[2] https://vietnamnet.vn/mang-xa-hoi-viet-nam-dang-o-dau-so-voi-facebook-google-688437.html
TS. Trần Doãn
Sáng 27/11, tại Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba sao, huyện Kim Bảng), chùa Tam Chúc đã phối hợp với Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật tổ chức khai mạc Lễ hội giao lưu Văn hóa Phật giáo Việt Nam – Nhật Bản.
Sáng 27/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực Tỉnh đoàn, bí thư các huyện, thị, thành đoàn; đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Quy chế.
Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.