Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển du lịch nhanh, bền vững

Du lịch 13:51 15/11/2023 Giang Nam
Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển du lịch nhanh, bền vững tới 63 điểm cầu UBND các tỉnh, thành trong cả nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TTCP nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Thủ tướng nêu bật những thuận lợi và khó khăn tác động tới sự phát triển du lịch trong những tháng đầu năm 2023. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mặc dù tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt, nhưng lượng khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017); triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch, Thủ tướng đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL báo cáo thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua và định hướng, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.

Báo cáo thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua và định hướng, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Sau khi Du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới, năm 2022 tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ năm 2021, khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đến thăm chùa Tam Chúc chiều ngày 12/5/2023.

Du lịch Việt Nam nhận 54 Giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2023. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số trong du lịch tiếp tục được duy trì và thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia.

Trong bối cảnh còn đang diễn biến phức tạp, khó lường như nhu cầu của khách liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; sự phục hồi của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 còn chậm chạp… Du lịch Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa. Du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện"

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Việt Nam phát triển nhanh bền vững; nêu những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; việc nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới; công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch...

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị. Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo phát triển du lịch, phải nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế để có cách khắc phục. Thủ tướng cho rằng phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…

Quán triệt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 82 của Chính phủ ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo phương châm sản phẩm phải đặc sắc, dịch vụ phải chuyên nghiệp, thủ tục phải thuận tiện đơn giản, giá cả phải cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch sẽ, sạch đẹp, điểm đến phải an toàn, văn minh và thân thiện, Thủ tướng yêu cầu các ngành VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố và Hiệp hội Du lịch... nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, tầm quan trọng, giá trị của ngành du lịch để từ đó các chủ thể có liên quan phải chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả phát triển du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, có tính hiệu quả cao; Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa; Phải phối hợp, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể có liên quan để cùng nhau phát triển ngành du lịch, giữa các địa phương, giữa Nhà nước và tư nhân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương với nhau. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị du lịch quốc gia, toàn cầu. Phải  có phương pháp, cách tiếp cận tư duy mới trong phát triển du lịch theo hướng thể chế phải thông thoáng, giao thông phải thông suốt, quản lý phải thông minh đảm bảo nguồn lực về phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực...Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế; Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam; Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"…

TIN MỚI CẬP NHẬT

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về việc tăng lương vào năm 2025

Xã hội  |  05:47 27/10/2024

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2025 có thể tạm thời dừng lại việc tăng lương, đến năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp.

Người phụ nữ luôn tỏa sáng trên thương trường

Người tốt - Việc tốt  |  05:32 27/10/2024

Tự tin và mạnh mẽ đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp "nữ tướng" Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hà Nam, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh; Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân (thành phố Phủ Lý) và Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Hà Nam. Không chỉ thành đạt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bà còn là người truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều hội viên phụ nữ các cấp và có nhiều đóng góp tích cực đối với cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện.

Nơi mùa bão đi qua

Bạn đọc  |  05:31 27/10/2024

Nơi mùa bão đi qua, nước mắt hòa nước sông mặn chát. Tiếng cha gọi con, tiếng vợ gọi tìm chồng. Những khuôn mặt lấm lem bùn đất. Nỗi đau như đặc quánh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC