Vẻ đẹp đình Bùi

Quê hương núi Đọi sông Châu 05:48 04/11/2023 Phạm Hiền
Đình Bùi, thôn Bùi Nguyễn, xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý được xây dựng trên một khu đất cao rộng; nằm bình yên, trầm mặc dưới bóng mát của những gốc đa cổ thụ. Xưa kia, cạnh đình là bến Bùi bên dòng sông Ngô Xá nối với dòng sông Châu. Trên bến Bùi là chợ Bùi họp vào các ngày mùng 2, mùng 4, mùng 7, mùng 9, 12, 14, 17, 19, 22, 24, 27, 29 hàng tháng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày phiên chợ, thuyền về buôn bán đậu chật bến sông. Chợ Bùi đông vui, sầm uất, tấp nập cảnh người bán người mua hết sức nhộn nhịp. Nằm gần bến sông, gần ngay chợ Bùi, nhưng đình Bùi luôn giữ được vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng; được người dân trong vùng, quanh vùng, người tới bán buôn đều một lòng thành kính thờ phụng.

Tiếp chúng tôi trong ngôi đình cổ, luôn được quét dọn sạch sẽ, bác Đỗ Đôn Thìn, Trưởng Ban khánh tiết đình Bùi chậm rãi nói: Đình Bùi thờ hai vị là Dực Vương Thiên Thông Đại Vương và Hà Bá Thủy Hải Đại Vương. Tương truyền vào một năm thiên tai, dịch bệnh hoành hành làm cho người dân vô cùng khổ cực. Với mong muốn mưa thuận gió hòa, giải bệnh trừ tai, dân làng bàn bạc rồi thống nhất lập đàn tế cầu xin trời đất. Trong lúc tế lễ bỗng có một người trong đám đông đứng lên và bảo rằng: Ta là thần ở trên trời, tên là Dực Vương Thiên Thông Đại Vương cùng với Hà Bá Thủy Hải Đại Vương đang đi tuần hành kiểm soát trong thiên hạ. Qua đây, thấy mọi người thành tâm cầu nguyện, nếu muốn thoát khỏi dịch bệnh tai ương thì phải lập đền thờ phụng tôn hai ta thần hiệu là Dực Vương Thiên Thông Đại Vương và Hà Bá Thủy Hải Đại Vương. Nghe vậy, người dân đã đồng lòng hợp sức lập đền thờ vào năm Dương Hòa thứ 8 (năm 1642) đời vua Lê Thần Tông.

Sau khi lập đền, dân trong làng và các vùng lân cận khi đến cầu nguyện đều thấy linh ứng. Vào triều vua Lê Đại Hành, trong nước bị hạn hán, dịch bệnh hoành hành, nghe tin đền Bùi linh thiêng vua liền sai người đến xin duệ hiệu thần về thờ ở xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm, làm lễ cầu đảo, cầu mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc. Khi cầu xong, quả nhiên thấy mưa to, nước dâng đầy đồng; dịch bệnh cũng được tiêu trừ. Đến năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) triều vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) binh sĩ mắc dịch bệnh rất nhiều. Khi qua đền, vua sai lập đàn làm lễ cầu đảo, binh sĩ tự nhiên khỏi bệnh, khỏe mạnh như thường. Năm Thuận Bình thứ nhất (1549) vua Lê Trung Tông đã đến đền cầu đảo, trừ tai ương. Biết hai vị là Thượng đẳng thần cùng chung đạo sắc, vua ban nghi lễ “Quốc tế”. Từ đó, hằng năm, cứ vào mùa xuân, các quan viên trong phủ, huyện đều đến tế lễ.

Qua thời gian, chứng kiến sự linh thiêng của các vị thần được thờ trong đền các bô lão cùng các quan viên trong thôn đã thống nhất sửa chữa, tôn tạo ngôi đền thành ngôi đình, coi hai vị là thành hoàng làng, luôn được thành kính thờ phụng. Năm 1763, đình được ông Đoàn Văn Tài, là người con của quê hương làm quan dưới thời Lê Mạc đã hiến toàn bộ số lượng gỗ vua ban để sửa chữa xây dựng lại đình…

Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Bùi là nơi tập trung du kích; nơi tiễn đưa thanh niên trong làng lên đường tòng quân đánh giặc; nơi tiếp đón, là điểm xuất phát của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tiến công các đồn bốt quanh vùng như: bốt Đầm, Sui, Ngô Khê… Làng Bùi Nguyễn hôm nay vẫn còn lưu truyền câu ca: “Đình Bùi có cây si còng/ Mình si uốn khúc như rồng đang bay/ Từ ngày cách mạng về đây/ Nhân dân hội tụ gốc cây si còng/ Ngọn si phấp phới cờ hồng/ Nhân dân tấp nập khắp vùng đến nghe/ Việt Minh mang cách mạng về…”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình Bùi là trạm giao liên đưa đón những đoàn quân vào Nam chiến đấu…

Đình Bùi, nơi thờ tự hai vị thành hoàng của làng. Ảnh: Thanh Châu

Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, của thời gian, bến Bùi xưa tấp nập thuyền về bán buôn không còn. Dòng sông Ngô Xá xưa nay cũng chỉ còn là một hồ nước rộng bên cạnh đình. Chỉ chợ Bùi vẫn họp theo phiên, vẫn là chợ lớn bán mua nhộn nhịp của người dân quanh vùng. Cùng bác Thìn chậm rãi tham quan một vòng quanh đình Bùi chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp và sự bình yên nơi ngôi đình cổ kính nổi tiếng linh thiêng. Đình Bùi quay hướng Bắc, phía trước cổng có cây đa cổ thụ xòe tán che mát một khoảng sân rộng. Phía Tây đình, trên hồ nước nổi lên một gò đất cao, tương truyền đây là mộ của Thủy Hải Đại Vương (đức Thánh hai), trùm lên mộ là gốc đa cổ thụ, cành lá xum xuê tươi tốt in bóng xuống hồ nước trong xanh. Cách đình khoảng 500m về phía Đông Bắc có mộ của Thiên Thông Đại Vương, có cây đa bái Thánh.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kiến trúc cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc đình Bùi còn giữ được các mảng trạm khắc trang trí đa dạng, phong phú và độc đáo trên các cấu kiện của di tích. Đề tài trang trí tập trung vào tứ linh, tứ quý… Riêng hình ảnh “long mã”, “long xà” được lặp đi lặp lại trên nhiều mảng chạm với các sắc thái riêng. Rất có thể, các nghệ nhân xưa muốn tô đậm nguồn gốc của hai vị thành hoàng được thờ ở đình là: Thông Thiên Đại Vương từ trên trời xuống (long mã) và Thủy Hải Đại Vương từ dưới nước lên (long xà). Ngoài ra, những người thợ mộc tài hoa nổi tiếng xưa của thôn khắc họa cảnh đua thuyền với hình ảnh đuôi thuyền có người cầm chèo lái, hình ảnh nửa người của 4 chàng trai khỏe mạnh cầm chèo bơi, hình ảnh một người đánh trống cổ vũ cho cuộc đua, hình ảnh chim đậu trên hoa sen, cảnh mặt nước nổi sóng mạnh làm cho ba ba, cá chép cũng phải ngoi lên…

Đình Bùi được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2001. Lễ hội đình Bùi được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch hằng năm - là ngày giỗ của hai vị thành hoàng làng. Tự hào về ngôi đình cổ nổi tiếng linh thiêng, những năm qua, người dân thôn Bùi Nguyễn luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích đình Bùi, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, tăng cường sự đoàn kết và gắn bó cộng đồng ở khu dân cư.

dinh bui di tich kien truc nghe thuat di san van hoa ha nam le hoi dinh bui thon bui nguyen

TIN MỚI CẬP NHẬT

Bão số 3 di chuyển về phía Tây Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Môi trường - Đô Thị  |  06:07 08/09/2024

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lúc 0 giờ sáng 8/9, bão số 3 đã suy yếu và vẫn còn trên trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực nông nghiệp

Nông nghiệp  |  05:40 08/09/2024

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngành quản lý. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Hiệu ứng tích cực từ mô hình “Tổ tự quản toàn diện ở khu dân cư”

An ninh  |  05:38 08/09/2024

Nhằm tập hợp, đoàn kết, phát  huy quyền làm chủ và động viên nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lý Nhân đã chỉ đạo triển khai đề án xây dựng mô hình “Tổ tự quản toàn diện ở khu dân cư" (KDC). Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC