Bài thơ “Mẹ Tơm” của nhà thơ Tố Hữu là một trong những bài thơ hay, đầy xúc động viết về lòng dũng cảm, tình yêu thương cao cả, sự hy sinh thầm lặng của mẹ Tơm trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. “Con đã về đây ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm”. Bằng những lời thơ bình dị mà hết sức xúc động, tác giả đã khắc họa rõ nét hình ảnh mẹ Tơm - một người mẹ nghèo nhưng giầu tình yêu thương, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Mẹ nghèo nhưng mẹ sẵn sàng dành cơm, sẵn sàng nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ những người lính cách mạng vừa trốn thoát khỏi ngục tù của kẻ địch. “Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh/ Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh”, “Đêm đêm chó sủa… Làng bên động?/ Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn …” - Không sợ hiểm nguy, không sợ bị phát hiện, không sợ hãi trước sự đe dọa đòn roi tàn ác của kẻ thù, ngày đêm mẹ âm thầm hoạt động, vừa là người rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh, vừa là người nuôi dấu các chiến sỹ cách mạng… Hình ảnh mẹ Tơm là hình ảnh đại diện cho những người mẹ Việt Nam nhân hậu, giàu tình yêu thương, dũng cảm, kiên cường, thủy chung với Đảng, với cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng/ Em đã sống lại rồi, em đã sống!/ Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không giết được em, người con gái anh hùng!” - Đây là những vần thơ ca ngợi sự dũng cảm, quật cường của chị Trần Thị Lý trong bài thơ “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu. Tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, mọi đòn roi tàn ác, thâm độc nhất của kẻ thù (điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung…) cũng không khuất phục được chị - người con gái bé nhỏ, dịu dàng nhưng vô cùng kiên trung, anh dũng. “Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại/ Còn một giọt máu tươi còn đập mãi/ Không phải cho em. Cho Lẽ phải trên đời/ Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!”… Vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước, chị sẵn sàng chịu đựng mọi tra tấn, cực hình; chịu đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần; sẵn sàng hy sinh “Cho Lẽ phải ở trên đời”, “Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!”… Vững tâm, vững lòng và vững tin - mọi thủ đoạn của kẻ thù không khuất phục được chị. Và cuối cùng chị đã trở về thần kỳ giữa những vòng tay yêu thương, chăm sóc tận tình của đồng chí, đồng đội. Từng câu, từng chữ trong bài thơ là lời ngợi ca, thể hiện lòng kính phục trước người con gái quả cảm và phi thường ấy. Không chỉ chị Trần Thị Lý, bao đời nay, với truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, khi đất nước có ngoại xâm, những người phụ nữ chân yếu tay mềm luôn sẵn sàng ra trận, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. “Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đóa hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất/ Ngay trong phút hy sinh/ Bây giờ dưới gốc dương/ Chị nằm nghe biển hát.” - Đó là những câu thơ xúc động, lay động rất nhiều trái tim độc giả của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong “Bài thơ chị Võ Thị Sáu”. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều thế hệ học trò đã thuộc lòng những vần thơ trên. Những vẫn thơ viết về tấm gương hy sinh dũng cảm của chị Võ Thị Sáu, người con quê hương miền đất đỏ. Viết về sự hy sinh, mất mát nhưng những câu thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không hề bi lụy mà tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Chị Võ Thị Sáu - “Người con gái trẻ măng”, trước họng súng của kẻ thù vẫn thể hiện được khí phách hiên ngang, tinh thần lạc quan và niềm tin cách mạng nhất định sẽ thắng lợi. Chị Sáu đã hy sinh, nhưng những gì chị cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho quê hương, đất nước sẽ sống mãi cùng lịch sử cách mạng Việt Nam; tô đẹp và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam ...
Đều là những nhân vật có thật ngoài đời, “bước” vào trong thơ ca, những mẹ Tơm (tên thật là Nguyễn Thị Quyển), chị Trần Thị Lý, chị Võ Thị Sáu... đã trở thành hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam dũng cảm, kiên cường trong cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh kiên trung, bất khuất, một lòng theo cách mạng của các mẹ, các chị mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Bởi sự hy sinh vì dân, vì nước chính là sự hy sinh cao cả nhất.
Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024, mới đây Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua việc ban hành nhiều chính sách có tính kích cầu cao đối với nền kinh tế. Trong đó, việc giảm, gia hạn thuế đã giúp cho nhiều doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, từng bước vươn lên phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động.
Các băng nhóm tội phạm vẫn gieo rắc nỗi kinh hoàng tại Haiti bất chấp những nỗ lực của lực lượng cảnh sát và phái bộ Hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS) do Kenya dẫn đầu nhằm khôi phục ổn định tại Haiti. Tình trạng bạo lực cản trở hoạt động viện trợ, khiến khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng, đẩy người dân Haiti vào vòng xoáy khó khăn chưa có lối thoát.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.