Làng nghề truyền thống lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên hiện có khoảng 150 hộ đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm lụa truyền thống Nha Xá. Nếu như trước đây việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là phân phối qua các kênh bán lẻ truyền thống, chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh thì hiện nay, các hộ sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá đã tìm tòi, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng việc ứng dụng nền tảng số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm lụa Nha Xá hiện đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, sàn thương mại điện tử tỉnh Hà Nam… Trong đó, nhiều sản phẩm cao cấp như lụa hoa, lụa trơn, đũi, lanh, các sản phẩm thời trang tơ tằm như quần áo lụa, nón lụa… được khách hàng ưa chuộng và tìm mua trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Phạm Thị Thủy, Cơ sở sản xuất lụa Nha Xá Minh Thủy, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên cho biết: Việc đăng tải các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội khiến cho sản phẩm lụa Nha Xá được nhiều người biết đến hơn. Từ đó thị trường mở rộng tới các địa phương khác trong cả nước, thậm chí là những đơn hàng từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Mạnh Trinh, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam, Duy Tiên cho biết: UBND xã đã quan tâm chỉ đạo Hiệp hội làng nghề, HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến, các hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm làng nghề. Trong đó, tập trung tìm hiểu các kênh bán hàng qua mạng xã hội facebook, zalo, hay các sàn thương mại điện tử nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Thông qua hình thức quảng bá, tiêu thụ mới này, mức tiêu thụ sản phẩm của làng nghề đã được nâng lên, mang đến nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề.
Với chiếc máy tính hay điện thoại có kết nối internet, vào sàn giao dịch thương mại điện tử gõ sản phẩm cần tìm, chỉ sau vài giây, người tiêu dùng có ngay hình ảnh sản phẩm với đầy đủ thông tin, giá cả, địa chỉ nơi sản xuất, chất lượng sản phẩm… Đây là cách mà Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam đã và đang quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty như bún khô, phở khô, bánh đa nem chùm ngây đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Không chỉ phân phối sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị lớn trên cả nước như Aeon, Lotte, GO! mà hiện nay công ty ngày càng quan tâm, chú trọng các kênh quảng bá sản phẩm trực tuyến. Trong đó, đơn vị đã chủ động xây dựng website riêng để giới thiệu sản phẩm, cũng như đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn trên cả nước. Với cách thức này, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, sản lượng tiêu thụ cũng tăng cao với mức trung bình 12 tấn sản phẩm/năm.
Chị Kiều Thị Chinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam, TP. Phủ Lý cho biết: Kênh phân phối chủ yếu của công ty hiện vẫn là thông qua hệ thống bán lẻ của chuỗi siêu thị nổi tiếng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng thị trường bằng cách đăng ký kinh doanh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh. Để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, công ty cũng chú trọng đến việc cải tiến hình ảnh, mẫu mã quảng bá sản phẩm; đăng tải đầy đủ thông tin về sản phẩm để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tra cứu trên sàn thương mại…
Những năm gần đây, đẩy mạnh thương mại điện tử được xác định là hướng đi quan trọng bên cạnh các hoạt động quảng bá truyền thống nhờ sự bùng nổ của các phương tiện thông tin hiện đại. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, VietGap của tỉnh đã được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, tập trung vào các sàn như Postmart (của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), sàn thương mại điện tử Hà Nam (của Sở Công thương tỉnh Hà Nam)…
Trong đó, sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Nam đang quảng bá, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm các loại. Nhiều sản phẩm nổi tiếng của các địa phương trong tỉnh được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử như: Bánh đa nem làng Chều, cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng; bánh đa Kiện Khê, rượu voọc Vũ Bản; mật ong rừng; sữa chua các loại… được thị trường rất ưa chuộng. Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, việc tham gia các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách sâu rộng đến người tiêu dùng trên khắp mọi miền, giảm được các chi phí quảng bá, giới thiệu sản phẩm; mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, tăng doanh số bán hàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển và đạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng mới, việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn nhiều hạn chế. Vì vậy thời gian tới, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, người dân những kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử một cách hiệu quả.
Sáng 23/12, tại Nhà Văn hóa thị xã Duy Tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Khai mạc Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học tỉnh Hà Nam, năm học 2024-2025.
Sáng 23/12, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác mặt trận và nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở cơ sở.
Sáng 23/12, Huyện ủy Kim Bảng tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) và kỷ luật của Đảng năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.