Tiếp chúng tôi trong ngôi đình làng đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Lũng Xuyên cho biết: Là vùng quê cách mạng, trong giai đoạn trước năm 1945 và những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 Lũng Xuyên là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng vô cùng quan trọng.
Theo những tư liệu còn được lưu giữ: Tháng 9 năm 1927, Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Tử Yến (tức giáo Việt) về Lũng Xuyên bắt liên lạc với Nguyễn Hữu Tiến (người con của quê hương Lũng Xuyên) và thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Đây là chi hội đầu tiên được thành lập tại Lũng Xuyên, gồm 3 đồng chí: Trần Tử Yến, Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Văn Uyển. Chi hội do đồng chí Trần Tử Yến làm Bí thư. Chỉ sau một thời gian ngắn, chi hội đã kết nạp các đồng chí Nguyễn Văn Trạc, Nguyễn Văn Phác, Bùi Xuân Lan, Nguyễn Văn Tín, Phạm Văn Hội. Để tập hợp đông đảo quần chúng trong phong trào cách mạng chống lại áp bức, bóc lột của đế quốc phong kiến, tại đình Lũng Xuyên đã mở thêm lớp học buổi tối cho những người lớn tuổi. Lớp vừa học chữ, vừa là nơi tuyên truyền đường lối cách mạng. Cũng từ những phong trào này mà chỉ trong thời gian ngắn các xã ở Yên Bắc đã tổ chức được các tổ chức quần chúng như hội Tương tế, hội Hiếu, hội Hỷ được đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều người trong các hội này (đặc biệt là đông đảo phụ nữ) đã được kết nạp vào Nông hội đỏ.
Tháng 9 năm 1930, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trạc (Lũng Xuyên), đồng chí Lê Công Thanh được Xứ ủy Bắc kỳ cử về chủ trì Hội nghị của tỉnh. Hội nghị đã cử ra Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam gồm 3 đồng chí: Lê Công Thanh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Duy Huân do đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được phân công phụ trách xuất bản tờ báo “Đỏ”, mỗi tháng ra 2 kỳ, in lại tờ báo “Búa liềm”, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, tờ “Quân nhân”, “Kêu gọi lính”, cuốn “Cộng sản vấn đáp”. Cơ sở in đặt tại nhà đồng chí Tiến. Việc mua giấy in, mực, thanh in và chuyển những tài liệu đã in cho các cơ sở đảng trong toàn tỉnh do quần chúng đã được giác ngộ ở Yên Khê Bắc giúp đỡ. Đặc biệt là các chị em phụ nữ đã lợi dụng khi đi chợ để mua nguyên vật liệu và chuyển tài liệu. Do đó, địch lập nhiều trạm kiểm soát tại chợ Lương, ga Đồng Văn, trên các trục đường giao thông nhưng vẫn không phát hiện được tài liệu in ấn chuyển đi và tài liệu cất giấu tại hậu cung đình Lũng Xuyên hay ở các nhà dân...
Ngày 1/5/1930 - nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động các chi bộ đảng đã lãnh đạo đảng viên và quần chúng cách mạng đi rải truyền đơn và treo cờ Đảng. Cờ búa liềm đã được treo trên các ngọn cây gạo trước đình Lũng Xuyên. Ngày 22/1/1931, tại nhà ông Nguyễn Văn Chưởng (Lũng Xuyên), Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam được tổ chức. Hội nghị bầu Ban Tỉnh ủy chính thức, đồng chí Lê Công Thanh được bầu là Bí thư Tỉnh ủy. Địch đã tung mật thám, chỉ điểm về các làng xung quanh Lũng Xuyên đi do thám nhưng không phát hiện được những hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ở Yên Khê Bắc.
Ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh vô điều kiện. Bọn Nhật ở nước ta thì hoang mang dao động. Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam đã triệu tập hội nghị vào hai ngày 15 và 16/8/1945. Hội nghị được tổ chức tại nhà bà Nguyễn Thị Gái (Lũng Xuyên) đã quyết định: Giành chính quyền các huyện trước, không cần đợi nổ ra cùng một lúc nhưng phải nhanh, gọn để tập trung lực lượng giành chính quyền tỉnh; phương châm hoạt động là kết hợp quân sự với chính trị, chủ yếu lấy dụ hàng làm tan rã quân địch trước khi đánh; triệt để cô lập quân Nhật, sẵn sàng đối phó khi chúng chống phá. Đối với bọn tay sai, nếu chúng đầu hàng thì bảo đảm tính mạng và tài sản, nếu tình nguyện tham gia cách mạng thì sử dụng, nếu chống lại thì nghiêm trị… Sáng ngày 17/8/1945, Ban Cán sự Việt Minh huyện Duy Tiên họp tại nhà bà Nguyễn Thị Thóc (Lũng Xuyên), có 20 đại biểu cán bộ trong huyện dự. Hội nghị đã truyền đạt tinh thần chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh và cử ra Ủy ban quân sự cách mạng lâm thời gồm 7 đồng chí do đồng chí Lưu Quang Bích làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Huân (Lũng Xuyên) làm Phó Chủ tịch và quyết định khởi nghĩa ở Duy Tiên vào ngày 20/8/1945… Đêm ngày 19/8/1945, lực lượng chính của quân cách mạng tập hợp tại đình Lũng Xuyên. Sáng sớm ngày 20/8/1945, các lực lượng làm lễ tuyên thệ tại đình. Sau đó chia làm 3 tiểu đội do đồng chí Nguyễn Huân chỉ huy cùng đông đảo quần chúng tiến về huyện đường tại Điệp Sơn. Đúng 10 giờ quân cách mạng đã giải phóng và làm chủ huyện đường. Chiều ngày 20/8/1945, tại huyện lỵ Điệp Sơn, Ủy ban quân sự huyện đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tuyên bố 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện, kêu gọi quần chúng nhân dân triệt để thực hiện chính sách của cách mạng...
Tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng tổ phố văn hóa, tổ dân phố Lũng Xuyên luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Kỷ niệm sự kiện quan trọng: “Đêm ngày 19/8/1945, lực lượng chính của đội quân cách mạng tập hợp tại đình Lũng Xuyên. Sáng sớm ngày 20/8/1945 cùng với hàng năm quần chúng từ các ngả tiến về huyện đường đóng tại Điệp Sơn lật đổ chính quyền tay sai của địch, thành lập chính quyền cách mạng huyện Duy Tiên”, vào sáng ngày 20/8 hằng năm tổ dân phố Lũng Xuyên tổ chức hội nghị kỷ niệm sự kiện lịch sử trên ngay tại đình làng. Trước đó, đêm ngày 19/8 tổ dân phố tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước… Các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ của thôn biểu diễn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem.
Cùng chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đình làng, đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Lũng Xuyên nói: Sau mấy năm gián đoạn do dịch Covid – 19, năm nay, tổ dân phố Lũng Xuyên duy trì lại việc tổ chức hội nghị kỷ niệm sự kiện lịch sử diễn ra trên quê hương 78 năm trước. Như mọi năm, tối ngày 19/8 tổ dân phố sẽ tổ chức giao lưu văn nghệ. Sáng ngày 20/8 làm lễ kỷ niệm trọng thể tại đình làng. Đây chính là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ dân phố ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương; là dịp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời động viên, khích lệ mọi người phát huy truyền thống cách mạng, tiếp bước cha anh, nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương trong giai đoạn mới.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.