Salon tóc Anh Cường của anh Trần Đức Cường ở số 151 Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý lúc nào cũng đông khách. Đây cũng là địa điểm tiếp nhận nhiều người có nhu cầu học nghề làm tóc vào đào tạo.
Trần Đức Cường cho biết, quê anh ở thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân. Tốt nghiệp THCS, như bao bạn trẻ khác anh thi vào THPT nhưng học được nửa học kỳ năm lớp 10 thì anh không muốn học nữa mà thích đi học nghề. Sau một thời gian học và làm nghề ở một Salon tóc trên Hà Nội anh thấy có năng khiếu và yêu thích nghề này nên quyết định gắn bó. Sau khi xây dựng gia đình riêng vợ chồng anh mở Salon tóc tại thị trấn Vĩnh Trụ. Tại đây anh vừa phục vụ khách hàng, vừa tiếp nhận các học viên có nhu cầu theo học nghề tóc. 8 năm làm nghề ở thị trấn Vĩnh Trụ, mỗi năm anh đào tạo được khoảng 10 người thành nghề.
Năm 2022 anh chuyển lên Phủ Lý mở Salon tóc và tiếp tục vừa phục vụ khách hàng vừa tiếp nhận đào tạo nghề tóc cho người có nhu cầu. Điều đáng ghi nhận là dù đào tạo nghề ở cơ sở làm nghề nhưng anh Cường đầu tư trang thiết bị, học cụ đầy đủ, có quy trình đào tạo bài bản không khác gì ở trường nghề. Cụ thể, anh có hẳn một phòng riêng phục vụ cho công tác đào tạo với bàn ghế, bảng, bút dạ, học cụ. Học viên trước khi chính thức bắt tay vào học nghề sẽ được học đạo đức, văn hóa làm nghề tóc.
Anh Cường nói: Trước khi chính thức dạy tôi luôn nhấn mạnh với các bạn phải xác định rõ tâm thế khi học nghề, rằng đây là một nghề làm đẹp, nên làm nghề phải có tâm. Nếu bạn có tâm bạn sẽ cẩn trọng trong nhận diện khuôn mặt khách hàng, tư vấn kiểu tóc cho phù hợp, tận tình trong quá trình làm để được đúng kiểu tóc ưng ý. Ngoài ra đây là nghề phục vụ nên luôn phải có thái độ niềm nở với khách hàng, biết lắng nghe, và kiên nhẫn. Tôi cũng nói rõ với các bạn nghề này vừa đòi hỏi kỹ thuật, vừa yêu cầu sự sáng tạo và thăng hoa, nên nếu muốn tiến xa trong nghề phải rèn được đôi tay giỏi, và con mắt nghệ thuật, phải có tình yêu và sự đam mê với nghề.
Sau khi xác định được tâm thế các học viên được học lý thuyết (chỉ khoảng vài mặt giấy, chữ in to, quy trình rất rõ ràng, mạch lạc), sau đó thực hành trên học cụ là các bộ tóc của ma nơ canh. Bao giờ anh Cường cũng cho học viên học thử trong 1 tuần, để các bạn cảm nhận, nếu thấy hợp, yêu thích thì học, không thì dừng để đỡ tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Thời gian học việc cơ bản khoảng 2 tháng, các bạn phải trả học phí để có sự nghiêm túc trong học tập, sau đó nếu biết việc bắt đầu làm tại cửa hàng, được xếp lương cơ bản và lương sẽ tăng dần theo trình độ tay nghề. Thường nếu đào tạo nhanh từ 6 tháng đến 1 năm là ra mở cửa hàng được. Còn muốn nâng cao tay nghề để thực sự giỏi thì gắn bó với cửa hàng vài năm để lấy kinh nghiệm.
Hiện lúc nào Salon tóc Anh Cường cũng có khoảng 5 thợ học việc, tuổi từ 16-30, bao gồm học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, người đã đi làm nghề khác, có cả người đã đi xuất khẩu lao động về. Các học viên cho biết họ muốn nhanh biết nghề để ra đi làm nên chọn cơ sở làm nghề để học. Với kinh nghiệm, lòng yêu nghề, muốn truyền tình yêu nghề cho học viên nên anh Cường cùng với việc truyền nghề còn bổ sung cho các bạn những kiến thức nền tảng, như phải tạo lập tâm thế, hiểu về đạo đức, văn hóa trong làm nghề, có sự say mê với nghề,… Điều này giúp các bạn có nền tảng để phát triển bền vững và có cơ hội tiến xa trong nghề.
Ngoài các hiệu làm tóc thường có đông học viên học nghề, các cơ sở làm đẹp khác như tiệm spa, sơn móng, thẩm mỹ cũng có không ít học viên theo học. Nguyễn Phương Hoa, một thợ spa ở một cơ sở spa trên địa bàn thành phố Phủ Lý chia sẻ cô cũng nhờ học việc ở một cơ sở spa trên Hà Nội mà biết làm nghề này và trở thành nghề sinh nhai của cô. Hoa cho biết sau khi học xong THPT cô lên Hà Nội làm nhưng công việc không ổn định, cô theo chân một người bạn đi học ở một tiệm spa, làm ở trên đó mấy năm, khi xây dựng gia đình riêng và có con cô về Phủ Lý làm. Hoa cho biết gần như tất cả các thợ làm spa đều học nghề trực tiếp tại cơ sở spa. Tại đây học viên cũng được học lý thuyết cơ bản và quan trọng nhất là được thực hành theo cấp độ từ dễ đến khó. Các kỹ thuật làm spa nhiều, không dễ, lại chủ yếu chăm sóc, cải thiện da vùng mặt, nên nếu sơ suất sẽ rất ảnh hưởng đến khách hàng cũng như việc kinh doanh của cơ sở. Vì thế chủ cơ sở rất khắt khe trong việc tuyển thợ làm, nếu muốn có một công việc người học phải có khiếu, rất chuyên tâm, chăm chỉ học các kỹ thuật, việc sử dụng máy hỗ trợ, và kể cả đã thành nghề ra đi làm rồi vẫn phải không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề. Ngoài ra khách hàng đến các cửa hiệu spa không chỉ làm đẹp mà còn cần được thư giãn. Vì thế nhân viên spa phải biết cách trò chuyện làm hài lòng khách hàng, để họ gắn bó với cửa hàng lâu dài.
Đối với lĩnh vực thẩm mỹ, theo chia sẻ của một vài người làm trong nghề, họ phải học ở các cơ sở thẩm mỹ có uy tín tại các thành phố lớn, tìm người có kinh nghiệm dạy bởi công việc này khó hơn và nếu có sai sót sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Và kể cả làm spa hay thẩm mỹ cũng thường xuyên phải cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới bởi lĩnh vực này liên tục phát triển.
Học, dạy nghề trong các cơ sở làm nghề là hình thức học, dạy nghề truyền thống. Hiện nay dù có các trường nghề nhưng hình thức học nghề tại các cơ sở làm nghề vẫn thu hút khá đông người học bởi tính hiệu quả, “học” gắn liền với “hành”, vừa học vừa làm. Đối với lĩnh vực làm đẹp hiện các trường nghề chưa quan tâm nhiều, cộng với đặc thù nghề làm đẹp là phải thực hành nhiều, học qua thực hành nên người có nhu cầu thường chọn các cửa hàng làm nghề để xin vào học. Các cơ sở làm nghề nhận học viên vào học với mục đích có thêm người làm, truyền nghề, nâng cao uy tín, và cũng có chút kinh phí. Với nhiều cơ sở làm đẹp chủ cơ sở và các thợ chính dù đã làm giỏi vẫn thường xuyên tham gia các khóa học, các cuộc thi để nâng cao tay nghề, sức cạnh tranh, nhiều người được cấp chứng chỉ, chứng nhận trong các cuộc thi. Vì thế họ có đủ các điều kiện để dạy nghề. Ở Hà Nam chưa có nhưng tại các thành phố lớn có những chủ cơ sở làm đẹp được các trường nghề mời đến thỉnh giảng. Hầu hết người học nghề sau khi biết nghề đều ở lại làm tại cơ sở một thời gian, người vài năm, có người gắn bó lâu năm, trở thành thợ chính của tiệm. Những người sau khi học xong muốn mở tiệm riêng hầu hết đều được chủ cơ sở dạy tư vấn, hỗ trợ thời gian ban đầu.
Nhu cầu làm đẹp ngày càng phát triển, kéo theo đó các cơ sở dịch vụ về lĩnh vực này ngày càng nhiều, cần số lượng nhân lực nhất định. Trong khi các trường dạy nghề chưa chú trọng đến các nghề làm đẹp, việc dạy và học nghề ở các cơ sở làm đẹp tư nhân vừa đáp ứng nhu cầu của người học, giúp các cơ sở làm nghề khẳng định mình, đồng thời góp phần vào công tác dạy nghề, tạo việc làm nói chung.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.
Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.