Chị Trịnh Hằng, một người từng đi hàng chục địa danh trong và ngoài nước, vừa trở về sau chuyến du lịch tự túc Trung Quốc hơn 10 ngày, chia sẻ kinh nghiệm cách sử dụng tiền mặt ở quốc gia này.
Cũng như ở hầu hết các nước, du khách đến Trung Quốc có nhiều lựa chọn cách thanh toán mỗi khi mua vé tàu xe, đặt chỗ tham quan hoặc mua sắm.
Thanh toán qua ứng dụng điện thoại
Phương thức này phổ biến ở Trung Quốc đến mức bạn có thể nhìn thấy ở khắp nơi: từ quầy vé sân bay, tàu xe, các điểm tham quan du lịch, đến cửa hàng, cửa hiệu, và cả những tiệm rau củ bánh trái ven đường. Đâu đâu cũng có dán mã QR để thanh toán qua app, phổ biến nhất là Alipay và WeChat Pay. Người dân Trung Quốc hiện nay rất ít dùng tiền mặt, hầu như mọi thứ trong cuộc sống của họ đều có thể thanh toán qua app.
Nhưng với du khách nước ngoài, đây lại là một rào cản. Alipay cho phép liên kết với một số ngân hàng nước ngoài, còn WeChat Pay thì không. Bạn phải có tài khoản của một ngân hàng tại Trung Quốc mới có thể dùng WeChat Pay. Cả hai ứng dụng đều yêu cầu đăng ký số điện thoại thật, trên lý thuyết có thể dùng số điện thoại nước ngoài, nhưng thực tế chỉ có thể đăng ký nhanh chóng thuận lợi nếu dùng sim Trung Quốc. Vì vậy, khách đến du lịch ở quốc gia này trong một thời gian ngắn sẽ khó đăng ký được tài khoản và khó dùng được Alipay, WeChat Pay. Kể cả nếu đăng ký được tài khoản, vẫn có rủi ro nếu bạn không vào được mạng, hoặc ứng dụng trục trặc, hay điện thoại của bạn không hoạt động tốt.
Sử dụng thẻ thanh toán quốc tế
Nếu bạn mua bán giao dịch qua mạng, một số website Trung Quốc (hãng bay, hãng tàu, trang thương mại điện tử lớn) chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master, JCB. Còn khi giao dịch trực tiếp, không nhiều nơi có máy quẹt thẻ, và không phải máy quẹt thẻ nào cũng dùng được thẻ thanh toán quốc tế của bạn. Lý do là đại đa số các điểm tham quan, mua sắm đều ưu tiên thanh toán qua app.
Vì thế, nếu có sẵn thẻ thanh toán quốc tế được phát hành tại Việt Nam, bạn cứ mang đi phòng khi cần sử dụng đến, nhưng khả năng này khá ít, nhất là đối với những giao dịch giá trị nhỏ hàng ngày của du khách như ăn uống, mua đồ lưu niệm, mua vé tham quan.
Thanh toán bằng tiền mặt
Đây là phương thức phù hợp nhất đối với du khách nước ngoài khi đến Trung Quốc, vì mọi nơi đều chấp nhận thanh toán tiền mặt. Ưu điểm là bạn không phải lo trục trặc dẫn đến không đăng ký được hoặc không thanh toán được qua app; cũng không phải sợ rằng điểm mua sắm đó không có máy quẹt thẻ. Nhược điểm là nếu bạn muốn chi tiêu thoải mái thì sẽ phải mang theo nhiều tiền mặt.
Trong trường hợp bạn dự định di chuyển bằng phương tiện công cộng, hãy đổi thật nhiều tiền lẻ, tốt nhất là đồng 1 RMB, 2 RMB, 5 RMB (nhân dân tệ). Giá vé các phương tiện công cộng nội đô ở Trung Quốc rẻ, vé tàu điện ngầm khoảng 2-5 RMB (6.600-16.500 đồng), vé xe buýt phổ biến từ 1 đến 4 RMB (3.300-13.200 đồng). Trên các chuyến xe buýt chỉ có tài xế, không có phụ lái. Khách lên xe sẽ tự quẹt app điện thoại lên máy để thanh toán tiền vé. Du khách nước ngoài không có app thì có thể thanh toán tiền mặt nhưng thường thì tài xế không chuẩn bị sẵn tiền lẻ để trả lại. Vì thế bạn hãy tự bỏ tiền lẻ vào máy thu tiền và bắt đầu chuyến đi.
Tại tất cả các ga tàu điện ngầm, ga tàu hỏa đều có máy bán vé tự động, một số máy chấp nhận thanh toán tiền mặt, một số máy chỉ chấp nhận thanh toán qua app (có ghi rõ trên từng máy). Trong trường hợp cần mua vé mà không có app hoặc không biết sử dụng máy, hãy đề nghị nhân viên nhà ga hỗ trợ - luôn có nhân viên túc trực ngay gần máy bán vé để giúp đỡ. Họ rất thân thiện và nhiệt tình.
Còn tại các cửa hàng, cửa hiệu, điểm mua sắm, bất kể bạn đưa tiền mặt với mệnh giá bao nhiêu, người bán cũng luôn sẵn sàng nhận và trả lại đầy đủ tiền thừa. Đại đa số người bán hàng, người làm dịch vụ ở Trung Quốc đều chuyên nghiệp và hiếu khách, họ sẽ hỗ trợ bạn tối đa có thể.
Cách hạn chế phụ thuộc vào tiền mặt, app hoặc thẻ
Để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi Trung Quốc và không phải mang quá nhiều tiền mặt, không phải phụ thuộc vào app hoặc thẻ, bạn hãy thanh toán trước tất cả những khoản cố định, như vé máy bay hai chiều Việt Nam - Trung Quốc, vé tàu đi lại giữa các tỉnh thành, khách sạn hoặc homestay. Trong đa số trường hợp, những khoản trên đã chiếm phần lớn chi phí của chuyến đi, số còn lại bạn có thể mang theo tiền mặt kết hợp với thẻ thanh toán quốc tế.
Đặt chỗ và thanh toán trước những khoản cố định cũng là cách để bạn có thể yên tâm và bớt lúng túng trong suốt chuyến đi. Nếu đến nơi bạn mới mua vé tàu, tìm thuê phòng khách sạn và săn vé máy bay chiều về thì rất có thể sẽ bị lỡ lịch trình, lỡ chuyến, thậm chí phải bỏ ra số tiền lớn hơn hẳn so với dự kiến. Hãy chuẩn bị trước một cách chủ động và nhớ mang theo hộ chiếu mọi lúc mọi nơi, vì nhiều chỗ mua sắm, tham quan sẽ yêu cầu bạn xuất trình hộ chiếu.
Sáng 23/12, tại Nhà Văn hóa thị xã Duy Tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Khai mạc Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học tỉnh Hà Nam, năm học 2024-2025.
Sáng 23/12, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác mặt trận và nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở cơ sở.
Sáng 23/12, Huyện ủy Kim Bảng tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) và kỷ luật của Đảng năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.