Trở lại Đức Bản

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:22 30/07/2023 Giang Nam
Nổi tiếng là vùng quê của những triệu phú nông dân, xã Nhân Nghĩa nói chung, làng Đức Bản nói riêng đang khoác lên mình một diện mạo mới. Hình ảnh của một làng kháng chiến năm nào đang dần thay đổi theo thời gian và những đổi thay của cuộc sống. Phải đi vào những ngõ ngách của làng, phải gặp lại những con người một thời mắt thấy tai nghe chuyện giặc càn tàn khốc mới thấy sức sống của Đức Bản mãnh liệt và kiêu hùng như thế nào. Để có được cuộc sống như hôm nay, người dân Đức Bản đã phải chịu biết bao nỗi khổ đau của chiến tranh, kiên trung vượt qua những mất mát đau thương ngày ấy…

Đình Đức Bản Ngoại hôm nay. Ảnh: Chu Uyên

Hơn 10 năm về trước đến Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân), chúng tôi bước chân trên con đường làng chật hẹp, chưa đổ bê tông như bây giờ. Hai bên đường là những vạt cỏ, những bụi cây dại. Nhà cửa đa số là nhà cổ, nhà cấp bốn lợp ngói. Hồi đó, đồng chí Nguyễn Xuân Điểm là Bí thư Chi bộ, dẫn khách tham quan những di tích lưu dấu sự mất mát đau thương đối với dân làng trong kháng chiến.

Đồng chí Nguyễn Xuân Điểm cho biết: Làng này là làng kháng chiến, không gọi là làng cổ, người dân chúng tôi không bao giờ quên trận càn năm 1952, làm 32 cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản hy sinh. Khi ấy tôi mới 9 tuổi, nhưng đã biết và đến giờ còn nhớ rất rõ: Chiều ngày 11/3/1952, địch càn tới cống Vùa và cống Nha, khi đó Tiểu đoàn 738, thuộc Sư đoàn 320 của ta về bố trí trận địa ở Vạn Thọ, Đức Bản. Hôm sau, sau hàng giờ địch dội bom, bắn đại bác tàn phá làng Vạn Thọ, binh đoàn cơ động số 4 của địch do tướng Bécsu chỉ huy kéo quân từ Đồng Chữ, cống Vùa đánh vào làng Vạn Thọ (xã Nhân Bình). Hai lần giặc tổ chức tấn công đều bị quân ta đẩy lùi, tiêu diệt nhiều tên địch. Đến 16 giờ cùng ngày, địch tăng viện, có máy bay, xe lội nước yểm trợ từ cống Nha ồ ạt tiến quân đợt 3 và lọt vào trận địa mai phục của ta ở làng Vạn Thọ. Ròng rã một ngày đánh trả các mũi tiến quân của địch, một số chiến sĩ ta đã hy sinh. Cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Chiến sĩ ta đã dùng báng súng, lưỡi lê tiêu diệt nhiều tên địch. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân ta, bọn địch phải tháo chạy. Được lệnh, pháo ta từ Đức Bản bắn chặn đường rút lui của địch, bộ đội và du kích từ Đức Bản cơ động tiếp viện truy kích địch. Bị đòn đau, địch gọi đại bác từ khu vực Phủ Lý, Vĩnh Trụ bắn tới tấp về Đức Bản.

Để tránh mũi nhọn phản công của địch, bộ đội ta đã rời Đức Bản theo kế hoạch mới, còn lại một số thương binh và đơn vị bảo vệ. Khi đó trong làng có hơn 100 thương binh, hàng trăm dân công từ Duy Tiên, Bắc Lý Nhân, Tả Ngạn được nhân dân nuôi dưỡng và bảo vệ. Khi chuyển thương binh ra vùng tự do vào đêm ngày 13/3/1952, xã đã huy động dân công ở Đức Bản bổ sung thêm người để chuyển thương binh ra ngoài. Sau khi chuyển được thương binh đi an toàn, các cụ lão binh trụ lại chôn cất các liệt sỹ. Cay cú vì thua trận, sáng ngày 14/3/1952 giặc Pháp từ bốt cống Nha chia thành 2 mũi kéo lên Đức Bản, một mũi theo đường 63 lên, hầu hết là lính da trắng và ngụy quân, một mũi toàn lính da đen lội đồng từ cống Nha vào xóm 5 Vạn Thọ, ngược lên. Chúng giết 17 người, qua Thượng Nông chúng bắn giết gần một chục người rồi lội đồng về chùa Đức Bản hợp quân. Chúng bắt được cụ Nguyễn Văn Thốn tra khảo hỏi về Việt Minh nhưng cụ lắc đầu: “Không biết!”. Thế là chúng đem cụ vào hầm tránh đại bác nhà cụ Pháo chặt đầu. Đến chùa, giặc chia làm 2 toán, một toán đóng lại ở chùa, một toán phần đông là ngụy quân và một số lính da trắng, da đen đóng ở nhà ông Hoạch, chúng bắt dân giết lợn, gà. Tối đến giặc tập hợp các cụ già, em nhỏ ở sân nhà cụ Học để mua chuộc, dọa dẫm khai Việt Minh. Không mua chuộc được, chúng đánh đập, bắn giết các cụ già, hãm hiếp phụ nữ. Sau khi bắn giết, chúng còn đi giày đinh lên xem có ai còn sống sót không rồi phủ rơm lên đốt. Bọn giặc điên cuồng đã giết hại 30 cụ già và hai thanh, thiếu niên Đức Bản.

10 năm trước, đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Điểm vừa dẫn chúng tôi đến tham quan đình Đức Bản Ngoại, đến nhà ông Trần Văn Hiểu, con trai cụ Trần Văn Dụ, một trong số những người bị giặc giết ngày đó, vừa cho biết: “Cháu có biết thôn này khi ấy có tất cả bao nhiêu hầm không? Hơn 500 hầm, trong khi cả thôn Đức Bản chỉ có 135 hộ gia đình. Có 20 gia đình đã trực tiếp nuôi và bảo vệ các cơ quan, đơn vị, các tiểu đoàn 60, 37 của tỉnh, đơn vị 61 của huyện và nhiều cán bộ huyện đội, tỉnh đội, Quân báo tỉnh, Ty giáo dục Hà Nam”. Bà Cao Thị Ý, vợ ông Hiểu, lúc đó còn khỏe mạnh, vẫn làm hương bán, kể lại rành rọt: “Lúc ấy tôi 16 tuổi, chưa lấy ông Hiểu, nhưng cũng bị dồn đến đây, tận mắt nhìn thấy thảm cảnh ở chính ngôi nhà. Bọn Tây kéo vào, bắn chết các cụ, sau đó lấy rơm chất lên đốt. Bọn giặc rút đi, mọi người mới vào bới tro tìm người. Trong đó có bố chồng tôi là cụ Trần Văn Dụ”.

Cụ Vũ Văn Nghiễm, thôn 4, xã Nhân Nghĩa, nhân chứng vụ giặc Pháp tàn sát Đức Bản năm 1952 nhớ lại những kỷ niệm cũ.

…Một dòng ký ức hiện về trong trí nhớ của tôi khi đi qua đình Đức Bản Ngoại, vào các con ngõ nhỏ. Cụ Vũ Văn Nghiễm một mình trong căn nhà xưa cũ, vui cười khi khách đến. Hơn 10 năm trước, cụ còn khỏe, đi lại nhanh nhẹn, dẫn chúng tôi ra đình, chỉ hầm bộ đội, du kích của ta trú ẩn khi địch tràn về. Năm nay, cụ hơn 90 tuổi, vẫn minh mẫn, nhưng đi lại phải nhờ cây gậy tre. Cụ bảo: “Những người cháu gặp 10 năm trước khi đến đây làm phim về Đức Bản đã qua đời rất nhiều rồi. Chỉ còn ông và một số ít cụ là nhân chứng lịch sử còn sống. Ngôi đình cũng đã được tu sửa đẹp hơn, trang trọng hơn. Thôn Đức Bản được sáp nhập với 3 xóm khác thành Thôn 4, xã Nhân Nghĩa rồi cháu ạ”. Chúng tôi đến nhà ông Hiểu, ngôi nhà gỗ ba gian từng là nơi 17 cụ già và hai thanh, thiếu niên Đức Bản bị giặc giết giờ vẫn nguyên vẹn hình hài. Từ nền đất đến những bức tường nhà… Ông Hiểu đã mất cách đây mấy năm, bà Cao Thị Ý đóng cửa nhà, sang ở với con trai. Nghe nói, bà đang ốm, bệnh trọng lắm!

Ông Vũ Văn Phỉ đứng trên nền nhà cũ của cụ Lý Hồng, nơi giặc Pháp dồn 8 người vào để giết.

Sang nhà cụ Lý Hồng, nơi 8 người dân Đức Bản khác bị giết cùng ngày, căn nhà vắng vẻ. Ông Vũ Văn Phỉ, một trong những thiếu niên thời đó giờ đã ngoài 80 tuổi kể rằng, gia đình cụ Lý Hồng không ai ở đây nữa. Căn nhà giặc dùng để dồn 8 người dân vào giết, đã phá đi, chỉ còn nền móng, ông Phỉ trồng rau trên đất ấy. Tất cả những đau thương ngày ấy đang được phủ lấp bởi màu xanh của cây trái, của những ngôi nhà cao tầng và những đường, ngõ bê tông rộng mở. Ông Cao Thanh Tùng, Trưởng Thôn 4, xã Nhân Nghĩa cho biết: Những  năm trước, dân Đức Bản Ngoại nổi tiếng với nghề trồng rau màu, chăn nuôi. Người dân nhờ trồng màu, trồng vụ đông, tích lũy được tiền của để xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, thay đổi cuộc sống. Giờ, thanh niên vào nhà máy làm công nhân, những người từ 50 tuổi trở lên ở nhà làm ruộng, chăn nuôi vẫn khấm khá, vẫn đủ đầy. Đời sống tươm tất lắm! Cả xã có 130 mẫu rau màu các loại thì ở Đức Bản Ngoại có gần 30 mẫu, chủ yếu trồng dưa chuột. Có nhà trồng hàng mẫu dưa.

Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Nhân Nghĩa cho biết: Mỗi lứa dưa kéo dài khoảng tháng rưỡi, năng suất bình quân 2 tấn/sào. Với giá bán tại ruộng 12 - 13 nghìn đồng/kg như ở vụ xuân vừa rồi, mỗi sào bà con thu về 24 - 26 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy, người nông dân giàu lên từ cây dưa. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Nhân Nghĩa đạt 10 triệu đồng/người thì đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/người/năm. Làng Đức Bản Ngoại có gần 200 hộ dân, trong đó đại đa số đã khá giả, đổi đời.

Đình Đức Bản Ngoại hôm nay. Ảnh: Chu Uyên

Về Đức Bản hôm nay thấy mướt một màu xanh cây trái. Làng quê yên bình với những nếp nhà khang trang nơi vùng quê nông thôn mới. Buổi sáng, lực lượng thanh niên hối hả đến nhà máy làm việc, còn lại bà con nông dân ra đồng cười nói bên những luống rau, luống ngô. Lịch sử đã sang trang…

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC