Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), trong những ngày tháng 7 này, tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, các thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Trong đó, việc tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà tại các Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh trong và ngoài tỉnh là việc làm được nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm làm tốt.
Thương binh Nguyễn Huy Điện (xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nhập ngũ tháng 6 năm 1974, bị thương tại chiến trường Tây Nam, là thương binh hạng 1/4, hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm). Được các cấp, các ngành về thăm, động viên tinh thần, sức khỏe, Thương binh Nguyễn Huy Điện xúc động chia sẻ: Được chăm sóc, điều dưỡng tại đây đều là những thương, bệnh binh nặng, có những đồng chí hiện nay không thể đi lại, không thể tự ăn uống, gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vào những dịp này, chúng tôi được các cấp, ngành quan tâm, tới thăm hỏi, tặng quà; không quan trọng giá trị phần quà là lớn hay nhỏ, mà chính những nghĩa cử cao đẹp ấy đã trở thành nguồn động viên, chia sẻ to lớn giúp anh em thương, bệnh binh chúng tôi vượt qua chính mình, là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, con cháu và thế hệ trẻ noi theo.
Hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam đã đến thăm, tặng quà Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm). Tại đây, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với các thương, bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mong muốn các thương, bệnh binh tiếp tục phát huy ý chí, bản lĩnh kiên cường, vượt lên khó khăn sống vui, sống khoẻ, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Nhân dịp này, đoàn đã trao tặng 25 triệu đồng tới Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam. Đây là việc làm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân sâu sắc đối với các thương bệnh binh – những người đã cống hiến một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian qua, cùng với việc làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Ngân hàng CSXH Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng CSXH Việt Nam luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa. Hàng năm, Ngân hàng CSXH từ Trung ương đến địa phương đều dành những phần đóng góp của cán bộ, người lao động để tri ân với những thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng… Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng đã thể hiện sự nỗ lực, tấm lòng tri ân của cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống Ngân hàng CHXH.
Xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là việc làm có ý nghĩa thiết thực, thời gian qua, Chi đoàn Sở Nội vụ đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7). Nhân dịp này Chi đoàn Sở Nội vụ đã phối hợp với đơn vị đoàn thanh niên các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tri ân các thương binh, liệt sĩ và hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023. Chi đoàn Sở Nội vụ đã phối hợp với Đoàn thanh niên xã Xuân Khê (huyện Lý Nhân) tổ chức thăm hỏi, tặng quà 10 gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Xuân Khê (với tổng trị giá 3 triệu đồng). Đoàn viên, thanh niên 2 đơn vị đồng loạt ra quân dọn dẹp Nghĩa trang liệt sĩ xã, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân và cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ.
Cùng đó, Chi đoàn Sở Nội vụ phối hợp với Đoàn thanh niên phường Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý) tổ chức “Bữa cơm sum vầy” tại gia đình bà Vũ Thị Phố, thân nhân liệt sĩ Đinh Văn Trác, hiện đang sống neo đơn tại tổ dân phố số 8, phường Hai Bà Trưng. Các đoàn viên, thanh niên đã có mặt từ rất sớm, vệ sinh nhà cửa; đi chợ, nấu thức ăn và dùng bữa cơm chay cùng bà Vũ Thị Phố, trong không khí ấm cúng, sum vầy.
Chị Trần Ngọc Anh (Chi đoàn Sở Nội vụ) cho biết: Đền ơn đáp nghĩa là tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đây cũng là dịp để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên các đơn vị trong Chiến dịch Tình nguyện hè 2023. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của lớp lớp cha anh đi trước, bồi đắp tình yêu quê hương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành và tuổi tuổi trẻ tỉnh Hà Nam đều nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, đã phần nào sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh, động viên họ vượt qua khó khăn, bệnh tật. Đồng thời, cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay phát huy tinh thần cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.