Người lưu giữ hồn quê

Về xã Xuân Khê (Lý Nhân) hỏi nghệ nhân - doanh nhân Trương Minh Ngọc, sinh năm 1971 hầu như ai cũng biết. Biết anh không chỉ là người lam lũ từ tấm bé, hay lam hay làm, mà bởi anh là một người đam mê nghề làm nhà gỗ cổ góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống nhà cổ cha ông để lại từ hàng trăm năm trước. Anh và bạn nghề đã thực hiện nhiều công trình nhà cổ ở khắp vùng gần xa trên toàn quốc. Các công trình từ nhà dân đến đền, đình, chùa là những tác phẩm nghệ thuật phỏng theo tích cổ, được chạm khắc tinh vi với đường nét kênh bong mềm mại, uyển chuyển, thể hiện rõ tâm nguyện lưu giữ được hồn quê.

Những ngày đầu xuân này, thật may mắn được ông Trương Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Khê – người bạn thân của anh Ngọc hẹn trước, dẫn tôi đến gặp anh tại nhà – nơi hàng chục người thợ đang miệt mài chế biến gỗ, đục chạm những hạng mục của một công trình. Anh Ngọc vừa mở cổng, trước mắt chúng tôi hiện ra một cơ ngơi với không gian rộng thênh thang, bên trái đang trưng bày khung nhà cổ có giá trị tới chục tỷ đồng; vào sâu bên trong phía sau là khu nhà thờ của gia đình cũng làm theo lối nhà cổ và sân vườn sơn thủy hữu tình…

Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Trương Minh Ngọc có khoảng 50 lao động. Ảnh: Lê Dũng

Vui vẻ mời khách vào nhà trưng bày, vừa pha nước, anh Ngọc vừa trò chuyện: Thuở xưa, quê nghèo, nhà nghèo lại đông con, bố mẹ không có điều kiện cho con học hành, mới 13 tuổi tôi đã phải xa nhà theo họ hàng vào tận miền núi huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa làm thợ mộc dựng nhà để kiếm cơm tự nuôi thân, đồng thời cũng để gia đình bớt đi một miệng ăn. Ngày ấy, thời bao cấp khó khăn lắm, bố mẹ còng lưng nuôi tám anh em, bữa đói, bữa no, mà đói là nhiều chứ no được mấy bữa. Khi ấy, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, đi làm trước hết để được no cái bụng, sau học được cái nghề để tự kiếm cơm nuôi thân, giúp gia đình chứ cũng chẳng nghĩ sẽ giàu có như bây giờ. Cứ thế, tôi miệt mài làm việc và sau mỗi ngày làm việc cực nhọc, được ăn no là thấy sung sướng nhất…

5 năm xa nhà theo thầy học nghề, vừa ngọt tay đục một chút thì năm 1988 khi tròn 18 tuổi, tôi phải tạm gác lại việc nghề để đi bộ đội, đóng quân trên Cao Bằng xa xôi. Ngoài đời, thầy dạy tính sáng tạo, tỷ mỉ, luyện khéo tay; vào quân ngũ tiếp tục được quân đội rèn tính kỷ luật, giờ giấc nghiêm minh, quân lệnh như sơn, cộng với tinh thần đồng chí, đồng đội đoàn kết, tình cảm đồng hương tận tình giúp đỡ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… Tất cả những điều đó đã tôi luyện tôi trưởng thành về mọi mặt, để hơn 3 năm sau khi xuất ngũ trở về quê hương Xuân Khê lập nghiệp tôi có trong mình tinh thần, nghị lực của một người lính, không sợ khó khăn, gian khổ. Nhờ đó tôi đã trưởng thành như ngày nay. Anh Ngọc tự hào.

Được biết, cơ sở sản xuất của anh Ngọc ra đời đã hơn 30 năm và có những người thợ nhiệt tình, đồng cam cộng khổ, gắn bó cũng gần bằng ấy năm miệt mài, rong ruổi theo anh trên khắp các nẻo đường. Anh và những bạn nghề là những người cùng quê, trân quý nhau bởi cái tình mang tính cố kết cộng đồng nên cái tình ngày càng đậm đà, sâu sắc hơn. Để có việc làm thường xuyên cho mấy chục người với mức lương ổn định, anh Ngọc xác định sản phẩm làm ra trước hết phải bảo đảm chất lượng, có tính mỹ thuật cao, làm vừa lòng khách hàng. Đồng thời, phải tích cực quảng bá hình ảnh, tạo dựng thương hiệu bền vững. Anh tâm niệm là, phải "làm thật, ăn thật", tuyệt đối không "làm chơi, ăn thật" để giữ gìn và nâng cao uy tín cho sự nghiệp mà anh gây dựng gần nửa đời người mới có được.

Đặc biệt, việc đam mê phục dựng nhà cổ được anh và thợ chăm chút tỉ mẩn, đục chạm tinh sảo. Mỗi căn nhà hoàn công được anh xem như ngôi nhà của mình và là một tác phẩm nghệ thuật để lưu giữ những nếp nhà cổ - nét văn hóa mang đậm phong tục tập quán vùng đồng bằng Bắc Bộ của cha ông xưa để lại cho các thế hệ con cháu. Mấy chục năm tâm huyết, miệt mài với nghề, anh và đội thợ đã thực hiện phục dựng, làm mới được hàng trăm ngôi nhà cổ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những căn nhà gỗ làm mới hoặc phục dựng theo lối cổ đều hội tụ tâm huyết, sự sáng tạo bởi bàn tay của những người thợ chân quê, khéo léo. Mỗi căn nhà cổ do anh và đội thợ tạo nên luôn phù hợp phong thủy và môi trường cảnh vật xung quanh, theo đúng phong tục, tập quán và văn hóa của người dân mỗi địa phương.

Sản phẩm đồ gỗ của cơ sở anh Trương Minh Ngọc đa dạng mẫu mã, chủng loại. Ảnh: Ngọc Diệp

Anh Ngọc cho biết: Ngày mới theo các cụ học nghề, chỉ chuyên làm nhà gỗ đơn sơ. Sau khi rời quân ngũ, từ năm 1991 tôi luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để phục dựng, sản xuất được những nếp nhà cổ. Tuy nhiên, ban đầu kinh nghiệm chưa nhiều, tay thợ chưa cao nên một số sản phẩm làm ra không ưng ý phải bỏ đi. Tôi đã dày công học hỏi, nghiên cứu thực tế và tự rút kinh nghiệm. Năm 1995, sẵn có nghề trong tay và với tinh thần vượt khó vươn lên, tôi mạnh dạn đầu tư vốn để làm những căn nhà cầu kỳ hơn theo lối kẻ truyền, chồng chóp… Trong quá trình làm việc, với cách cầm tay chỉ việc, bảo đảm sản phẩm làm ra đạt chất lượng, ưng ý, vừa lòng khách hàng. Cứ như thế tay nghề đội thợ ngày càng cao, có khả năng làm những căn nhà cổ với hệ thống cột búp đòng, xà, câu đầu, kẻ bẩy trang trí theo tích cổ bằng những đường nét đục chạm kênh bong, lá lật, hình chim muông, hoa lá… và đều được sử dụng kỹ thuật mộng thắt, lắp đặt chắc chắn, đúng lối cổ. Các tích cầm kỳ thi họa, tứ linh, tứ quý với các chi tiết hoa lá, chim muông, thú được tái hiện bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ ngày càng trở nên sinh động, mềm mại, uyển chuyển hơn. Từ làm nhà cho người dân khắp các vùng, chúng tôi còn thực hiện trùng tu, tôn tạo và làm mới nhiều đền, đình, chùa, như: Đình Cao Đà (Di tích lịch sử quốc gia); đền Trần (Nam Định); đền Cửa sông, miếu cô Chín (Xuân Khê)… Có những đơn hàng tới 50m3 gỗ, có công trình thời gian thi công tới 3-5 năm. Mặc dù vậy, việc làm đình chùa, miếu mạo cho nhân dân lấy nơi thờ tự, tôi luôn xác định phát tâm công đức “cúng dường” là chính...

Để những sản phẩm làm ra vừa bền, vừa đẹp, có tính thẩm mỹ cao, đúng lối cổ, anh Ngọc cho biết, trước hết phải tuyển chọn gỗ bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại, kích thước. Nhiều công trình đòi hỏi gỗ tốt, kích thước lớn phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài. Đặc biệt, làm nghề nhưng không được phép nghĩ đến thu nhập trước, mà phải nghĩ đến uy tín bằng chất lượng công trình. Do vậy phải đánh giá được nguyên liệu đầu vào sao cho chất lượng, vừa việc. Đặc biệt, phải thổi được hồn vào sản phẩm, làm cho những bức tranh, phù điêu chạm khắc hoa văn, muông thú theo tích phải mềm mại, sống động, tái hiện được nét văn hóa truyền thống. Các cụ ta ngày xưa chạm trổ tinh vi lắm, giờ mình làm không tương xứng thì không những khách hàng không ưa, mà chính tâm mình cũng không chấp nhận được.

Sau nhiều năm gắn bó cùng đồng cam cộng khổ, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, giờ đây mỗi người thợ của tôi là một “nghệ nhân” thực thụ. Với sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, họ đã giúp tôi sản xuất đa dạng sản phẩm cao cấp, không chỉ nhà gỗ cổ, mà còn nhiều vật dụng, đồ trang trí phù hợp không gian nhà cổ, như: bàn ghế, tủ, kệ, sập, đôn cũng theo lối cổ; cùng những hợp đồng gia công nhà gỗ, tủ đồ, trang trí nội thất cho các công ty, doanh nghiệp… Và chính họ đã giúp tôi tạo nên uy tín thương hiệu, được khách hàng khắp nơi gửi gắm, đặt niềm tin. Anh Ngọc tự hào về những người thợ - bạn nghề của mình.

Nói về nghệ nhân Trương Minh Ngọc, ông Trương Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Khê và những người thợ đã theo anh, gắn bó nhiều năm với nghề đều có chung nhận xét: Dù trước kia khi cuộc sống còn khó khăn cũng như khi đã khấm khá nhiều năm nay, anh Ngọc là người hiền lành, chất phác, sống có tâm đức, luôn quan tâm đến anh em thợ và gia đình họ, giúp họ gắn bó với anh trên khắp các nẻo đường từ các tỉnh phía Bắc hay miền Trung xa xôi. Ngoài đời, anh luôn dành kinh phí không nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi dịp lễ, Tết; đi đầu ủng hộ phòng chống dịch Covid – 19, xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm, giúp hội viên phát triển sản xuất…

Là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và phát triển bền vững”, với nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tích cực hoạt động phong trào hội đoàn thể, từ thiện, anh Ngọc đã được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh và các cấp, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xuân đang về mang theo hơi ấm nồng nàn của miền quê, bên sắc thắm hoa mai, hoa đào, nghệ nhân Trương Minh Ngọc cùng các cộng sự tiếp tục miệt mài với những công trình mới. Với đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của những người thợ ngày đêm thổi hồn vào sản phẩm, những nếp nhà theo lối cổ nối dài niềm đam mê của anh Ngọc và những bạn nghề, là những tác phẩm nghệ thuật, làm đẹp cho đời, góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống cha ông để lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Trần Quyết

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy