Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ là cần thiết trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước còn phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài còn khiêm tốn. Điều này cũng tăng sức hút trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và tại Hà Nam nói riêng.

Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm: dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí - chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao… Đặc biệt, Nghị định 57/2021/NĐ-CP ngày 4/6/2021 của Chính phủ đã bổ sung một số ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với quy định cũ. Đối tượng được hưởng lợi từ nghị định là các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng trước năm 2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp thuộc các trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi công nghiệp hỗ trợ.

Tại Hà Nam, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cộng với sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh về cả số lượng, chất lượng. Nhiều doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong tổng số 560 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN, có 247 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm trên 44% tổng số dự án). Trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp hỗ trợ có sự tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước từ 15%/năm trở lên, nhất là đối với các sản phẩm như: thiết bị điện, điện tử, bộ dây điện ô tô, xe gắn máy, màn hình cảm ứng... Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đạt kết quả tích cực. Riêng năm 2023, trong tổng số 52 dự án đăng ký đầu tư mới vào các KCN của tỉnh, có 34 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm trên 65% số dự án).

Là doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm ưu tiên được hưởng ưu đãi về thuế, Công ty TNHH YKK Việt Nam, KCN Đồng Văn III (Duy Tiên) sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả. Ảnh: Hân Hân

Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Cùng với chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước, những năm qua, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp ngành này phát triển, mở rộng quy mô hoạt động, trong đó điển hình là việc xây dựng KCN Đồng Văn III dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp hỗ trợ, nhất là những doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP đều duy trì hoạt động hiệu quả, đạt mức tăng trưởng dương qua các năm, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình là: Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH YKK Việt Nam, Công ty TNHH ACE Antenna, Công ty TNHH Sinfonia Microtec…

Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm dây dẫn điện dùng trong ô tô, các dự án sản xuất của Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam tại Hà Nam có sự phát triển nhanh chóng tại KCN Đồng Văn II và KCN Thanh Liêm với tổng số lao động hiện nay lên tới trên 7.000 người. Doanh thu và sản lượng sản phẩm tiêu thụ tăng trưởng mạnh qua các năm. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 30% so với năm 2022. Theo ông Hiroshi Kuroda, Tổng Giám đốc công ty, Sumi Việt Nam phát triển mạnh tại Hà Nam là nhờ sự quan tâm của chính quyền tỉnh và các sở, ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư, đăng ký chương trình công nghiệp hỗ trợ để hưởng ưu đãi về thuế… Hiện nay, Sumi Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế đối với cả 2 dự án sản xuất tại KCN Đồng Văn II và KCN Thanh Liêm. Mong rằng, thời gian tới, Sumi Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất. Dự kiến, đến quý IV/2024, dự án tại KCN Thanh Liêm sẽ thu hút khoảng 4.000 lao động vào làm việc, tăng trên 1.000 lao động so với hiện nay.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 doanh nghiệp được xác nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển. Các doanh nghiệp đã hoàn thiện lập hồ sơ để hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao sự tích cực của các sở, ngành trong việc thông tin, phổ biến kịp thời tới doanh nghiệp về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các bước xác nhận hưởng ưu đãi theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP và Nghị định 57/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ đó, các doanh nghiệp yên tâm hoạt động và doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hằng năm, Sở Công thương đều tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp tới hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh; thường xuyên cập nhật thay đổi thông tin doanh nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ; có công văn hướng dẫn doanh nghiệp truy cập, đăng ký vào trang http://csdlcnht.hanam.gov.vn. Cùng với đó, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh hỗ trợ tìm kiếm nhà cung ứng tại địa phương cho Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam; ban hành công văn thông báo tới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thực hiện xác nhận ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu, năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 219.441 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2023. Đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh là 56,5%; giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng từ 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí lắp ráp; quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang hoạt động mở rộng quy mô nhà máy, đầu tư thêm các dự án mới tại các khu, cụm công nghiệp; tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; tăng cường phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tại các KCN, nhất là dịch vụ điện, nước, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy