Nâng cao chất lượng dịch vụ trong khu công nghiệp

Nhằm tạo điểm nhấn trong lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh, năm 2023, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN); đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp trong KCN cũng được tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đầu tư, phát triển sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KCN tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 8 KCN theo qui hoạch đã và đang được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng trên tổng diện tích 2.292,06 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 1.652,8 ha. Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện... công tác thu hút đầu  tại các KCN của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích và đạt cao như: Đồng Văn I; Đồng Văn IV; Châu Sơn; Hòa Mạc. Cơ sở hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ, cộng với môi trường đầu tư thông thoáng, công tác thu hút đầu tư của tỉnh năm 2023 đã có bước chuyển tích cực.

Chỉ tính từ tháng 1/2023 đến hết tháng 10/2023, các KCN của tỉnh đã thu hút được 36 dự án đầu tư mới; trong đó, có 24 dự án FDI và 12 dự án trong nước, với số vốn đăng ký lần lượt là 290,981 triệu USD và 1.456, 096 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong 10 tháng năm 2023 là 390, 279 triệu USD và 1.510,374 tỷ đồng. Lũy kế đến 26/10/2023, tại các KCN của tỉnh có 547 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 327 dự án FDI và 220 dự án trong nước).

Nâng cao chất lượng dịch vụ trong khu công nghiệp
Công nhân Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam (Đồng Văn) kiểm tra hệ thống vận hành cung cấp nước sạch cho các doanh nghiệp trong KCN Đồng Văn I. Ảnh: Thu Minh

Nhìn những con số trên có thể khẳng định chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh đi đúng hướng nên đã  thực sự phát huy hiệu quả. Theo bà Vũ Thị Minh Phượng, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, năm 2023, trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế... thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp trong KCN, Ban Quản lý KCN đã phối hợp với sở, ngành liên quan, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong các KCN tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ sản xuất. Qua đó, thực hiện hiệu quả Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ trong các KCN trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện 10 cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong KCN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất...

Ông Đỗ Văn Huynh, Phó Trưởng phòng Hành chính doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN tỉnh) khẳng định: Đến thời điểm này, các dịch vụ phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã  được đầu tư đồng bộ. Hiện, cả 8 KCN đều có trạm xử lý nước thải tập trung xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo qui định trước khi xả thải ra môi trường và được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động có tổng công suất xử lý 18.400 m3/ngày đêm, mọi dữ liệu đều được truyền về Sở Tài nguyên- Môi trường 24/24 h để theo dõi giám sát. Cùng với đó, các dịch vụ về hạ tầng giao thông, đèn chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường cảnh quan trong các KCN được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các hạng mục  bảo đảm an toàn giao thông theo qui định trên các tuyến giao thông như biển báo, tín hiệu, sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc... được xây dựng đồng bộ; công tác duy tu sửa chữa được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Hiện, đã có 6 KCN xây dựng được mô hình KCN an toàn về an ninh trật tự.

Qua tìm hiểu thực tế tại các KCN, chúng tôi được biết, hiện ngoài các dịch vụ về hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động như: viễn thông, ngân hàng, sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp vật tư, máy móc, thiệt bị công nghiệp, dịch vụ nhà ở, đưa đón công nhân, y tế... đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng cao của doanh nghiệp.

Cũng theo bà Vũ Thị Minh Phượng, do chưa có hệ thống xe buýt công cộng liên tỉnh phục vụ người lao động tại các doanh nghiệp trong KCN nên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người lao động ngoại tỉnh, Hà Nam đã triển khai hoạt động 2 tuyến xe buýt (tuyến Kim Bảng- Phủ Lý- Duy Tiên- Hưng Yên và tuyến Phủ Lý- Hà Nội); đồng thời, phối hợp với tỉnh Hòa Bình mở tuyến xe buýt Hòa Bình- Hà Nam. Ngoài các tuyến trên, người lao động và các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các nhà xe để phục vụ việc di chuyển. Hiện, đã có 81 xe được công nhân ký kết và 156 xe được doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển để chuyên chở cán bộ nhân viên... Riêng đối với dịch vụ nhà ở công nhân và khu lưu trú của chuyên gia nước ngoài, hiện đã hình thành 3 khu cán bộ, nhà lưu trú cho chuyên gia nước ngoài tại KCN Đồng Văn (Công ty TNHH Fuji Enginneering, Công ty Thành Đạt, Công ty Tuấn Bách) và 4 khu nhà ở xã hội, ký túc xá cho công nhân (Thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II, nhà ở công nhân của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà ở Việt Nam, ký túc xá của Công ty Honda Việt Nam và khu nhà ở của công nhân Công ty Viglacera tại KCN Đồng Văn I, Đồng Văn IV) đã được đưa vào sử dụng. Toàn tỉnh hiện có 2 khu thiết chế, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho công nhân tại KCN Đồng Văn I và KCN Châu Sơn đã được vận hành phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa cho người lao động. Cùng với đó, các dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề, y tế và dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” liên thông cũng đã được Ban Quản lý các KCN phối hợp triển khai hiệu quả.

Năm 2024, quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh về công tác thu hút đầu tư, tiếp tục phát huy lợi thế nằm trong qui hoạch vùng Thủ đô, cửa ngõ phía Nam Hà Nội, trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng,  Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm, đầy đủ cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư; phối hợp triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ động phối hợp triển khai giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo mặt bằng “sạch” sẵn sàng đón các dự án đầu tư.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Taseco, tại hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình” diễn ra vào cuối tháng 11/2023 cũng đã có những cam kết: Sẽ tập trung dồn mọi nguồn lực về tài chính và nhân lực để triển khai hiệu quả dự án, bảo đảm tiện ích phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy