Phát triển công nghệ chế biến vật liệu xây dựng

Có nguồn tài nguyên đá vôi phong phú và vùng đất bãi ven sông Hồng, nhiều năm qua, cùng với việc khai thác, các doanh nghiệp đã đi sâu vào sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng (VLXD), góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Qua đánh giá trữ lượng nguồn tài nguyên đá vôi của tỉnh ước khoảng 7,4 tỷ m3, tập trung ở 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Về tài nguyên đất sét, tỉnh ta ước có tổng trữ lượng gần 400 triệu tấn, trong đó đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng khoảng 331 triệu tấn, đất sét làm gạch ngói khoảng 62 triệu tấn.

Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển ngành VLXD, bảo đảm nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thế mạnh trong phát triển ngành sản xuất, chế biến VLXD trên địa bàn tỉnh đó là phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu từ đá, sản xuất xi măng, vôi, bột nhẹ, vật liệu không nung, cát nghiền, gạch tuynel.

Hiện, ở khu vực phía Tây sông Đáy có 6 doanh nghiệp sản xuất xi măng với 11 dây chuyền xi măng công nghệ lò quay, tổng công suất thiết kế hơn 21 triệu tấn xi măng/năm. 

Nhà máy sản xuất ngói không nung Hasuco ở xã Thanh Tân (Thanh Liêm).

Bên cạnh việc phát triển sản xuất xi măng, tỉnh đã chú trọng phát triển sản xuất VLXD hậu xi măng và những "sản phẩm tinh" từ khai thác tài nguyên khoáng sản. Nổi bật trong mấy năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi vào sản xuất một số sản phẩm vật liệu không nung, cát nghiền, bột nhẹ, vôi.

Ông Lã Hoàng Cường, Giám đốc Xí nghiệp VLXD Vicem Bút Sơn phân tích: Ưu điểm của việc sử dụng gạch không nung là bảo vệ được môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên đất, chi phí đầu tư xây dựng thấp, chất lượng vẫn bảo đảm theo yêu cầu. 

Đến nay, gạch không nung đang tăng dần tỷ trọng sử dụng trong tổng các loại vật liệu xây dựng, thậm chí nhiều dự án gạch không nung đã thay thế hoàn toàn gạch đất sét nung. Đây là tín hiệu tốt để tiếp tục đẩy nhanh số lượng, chủng loại sản phẩm vật liệu không nung cung cấp cho thị trường, nhất là ở tỉnh ta có lợi thế về nguồn nguyên vật liệu đầu vào. 

Ngoài khai thác VLXD vùng núi đá vôi, chúng ta còn có lợi thế phát triển ngành VLXD từ vùng đất bãi sông Hồng, sông Đáy. Đến nay, tỉnh đã cấp được 9 điểm mỏ sét phục vụ cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ngói. Một năm, các doanh nghiệp này sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng trăm triệu viên gạch các loại, góp phần nâng cao giá trị của ngành sản xuất VLXD. Trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel đã mạnh dạn chuyển đổi công nghệ sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Nhờ tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, chế biến VLXD, những năm gần đây nguồn thu ngân sách từ khai thác tài nguyên khoáng sản, chế biến VLXD đã tăng đáng kể (bình quân ước đạt từ 500 - 700 tỷ đồng/năm), giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Ngành VLXD của tỉnh phát triển còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành VLXD quốc gia.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy