PCI năm 2017 - Điểm số tăng nhưng thứ hạng chưa được cải thiện

Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hà Nam đạt 61,97 điểm (tăng 3,81 điểm so với năm trước), xếp thứ 35 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, ngang bằng với thứ hạng năm 2016.

Trong khi mục tiêu phấn đấu được tỉnh đề ra trong năm 2017 là tăng PCI lên 5 bậc so với năm 2016. Vậy tại sao mục tiêu này lại không đạt được? Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Oang (ảnh), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

P.V: Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và tạo thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Oang: Thực hiện Chương trình hành động nâng cao PCI tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm và hành động quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc cải thiện điểm số và nâng thứ hạng PCI. Quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; công khai, minh bạch thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế; tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lắp gây phiền hà cho doanh nghiệp;  nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các thiết chế pháp lý ở địa phương nhằm tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp...

P.V: Kết quả xếp hạng PCI 3 năm gần đây của tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Oang: Năm 2015, PCI của tỉnh xếp thứ 31, năm 2016 xếp thứ 35 và năm 2017 theo kết quả xếp hạng PCI, tỉnh Hà Nam đạt 61,97 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 7/11 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

P.V: Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả này ?

Ông Nguyễn Văn Oang: Năm 2017, PCI của tỉnh tăng 3,81 điểm so với năm 2016. Điều này cho thấy tỉnh tập trung và quyết liệt hành động để nâng cao thứ hạng PCI.

Phải nói rằng, các cấp, ngành, địa phương đã đồng thuận hành động thực hiện Chương trình hành động nâng cao PCI của tỉnh, phấn đấu tăng thứ bậc xếp hạng hằng năm, tạo động lực để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, có nhiều chỉ số tiếp tục được cải thiện, tăng điểm như: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cho thấy sự nỗ lực của toàn tỉnh phấn đấu tăng thứ bậc xếp hạng PCI. Tuy nhiên, mặc dù điểm số của tỉnh Hà Nam có tăng nhưng các tỉnh, thành phố khác điểm số cũng tăng cao và vị trí xếp hạng cũng có sự thay đổi. Bởi lẽ, các tỉnh, thành phố khác cũng dành tập trung để nâng thứ hạng PCI và có bước tiến khá nhanh.

Trên cơ sở kết quả PCI của tỉnh năm 2017 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, các sở, ngành, đơn vị có liên quan báo cáo kết quả đã làm được và nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong năm 2017 của ngành mình và đề ra biện pháp khắc phục trong năm 2018.

P.V: Như vậy cũng có nghĩa là vẫn còn nhiều nội dung trong các chỉ số thành phần PCI doanh nghiệp đánh giá chưa tích cực. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Văn Oang: Đúng như vậy! Năm 2017, mặc dù tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn còn có một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức về PCI. Trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết tại một số đơn vị còn hạn chế để tổ chức, công dân phải đi lại nhiều lần. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn còn chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây phản ứng của doanh nghiệp. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ thông tin trong tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại...  đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

P.V: Ông có thể chỉ rõ những yếu kém làm ảnh hưởng và làm mất điểm xếp hạng PCI?

Ông Nguyễn Văn Oang: Đối với chỉ số tiếp cận đất đai, doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, mức độ rủi ro khi bị thu hồi đất còn rất cao.

Thanh tra, kiểm tra nhiều lần làm tăng "chi phí thời gian của doanh nghiệp". Vẫn còn  trên 7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng vẫn bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm.

Tính năng động của chính quyền tỉnh, lãnh đạo tỉnh rất năng động, linh hoạt nhưng sáng kiến hay ở cấp tỉnh lại chưa được thực hiện tốt ở các sở, ngành, giảm 1,71% so với năm 2016; chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện, thành phố giảm 2,4% so với năm 2016.

Cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của doanh nghiệp: có 83% doanh nghiệp đánh giá cán bộ đăng ký kinh doanh hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ và không có ý kiến đánh giá không hài lòng. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép điều kiện chuyên ngành vẫn còn nhiều trở ngại: có 11% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng để đi vào hoạt động.

Tính minh bạch, vẫn còn 70% doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ mới lấy được các tài liệu của tỉnh; 45% doanh nghiệp cho rằng phải thỏa thuận với cán bộ thuế về các khoản phải nộp.

Chi phí không chính thức: vẫn còn 59% doanh nghiệp cho rằng tình trạng phiền hà khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến (tăng 4% so với năm 2016 ); tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra vẫn còn cao...

Các doanh nghiệp tìm hiểu về hệ thống các văn bản trong lĩnh vực Hải quan tại Chi cục hải quan Hà Nam. Ảnh: Thế Trang

P.V: Năm 2017, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng PCI. Mục tiêu này không đạt được có để lại bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Oang: Thứ nhất, các sở, ngành, đơn vị được giao chủ trì từng chỉ số thành phần PCI cần phải chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt Chương trình hành động nâng cao PCI giai đoạn 2016-2020.

Thứ hai, phải thường xuyên quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo để chỉnh sửa bổ sung, thay thế kịp thời. Cần cải thiện hơn nữa môi trường pháp lý và nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm 10 cam kết của UBND tỉnh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng thêm số cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ đối với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, các hiệp hội, Hội Doanh nghiệp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp; hướng dẫn hội viên khi tham gia đánh giá PCI phải nắm rõ nội dung được hỏi, phân công người có trách nhiệm, hiểu biết để trả lời đầy đủ, chính xác, kịp thời và khách quan, trung thực.

P.V: Mục tiêu cụ thể của PCI tỉnh ta trong năm 2018 và thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Văn Oang: Tiếp tục phát huy những chỉ số thành phần có điểm số cao, tăng thứ hạng và cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp và tụt thứ hạng; nâng vị trí xếp hạng trong bảng xếp hạng PCI năm 2018 tăng từ 3-5 bậc; phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Hà Nam nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng PCI cao của cả nước.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến Đoàn (Thực hiện)

Tiến Đoàn, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy