Trò chuyện với người cắm Quốc kỳ trên đảo Đá Thị (Trường Sa) năm 1988

Đại tá Nguyễn Ngọc Ninh (Thanh Tâm, Thanh Liêm) là người cắm Quốc kỳ và cùng đồng đội kiên cường, khôn khéo đấu tranh khẳng định, giữ vững chủ quyền Tổ quốc tại đảo Đá Thị (quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988.

Gần ba chục năm đã qua, trong câu chuyện với phóng viên Báo Hà Nam, Đại tá CCB Hải quân Nguyễn Ngọc Ninh không giấu vẻ tự hào được góp sức chiến đấu, xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Ngọc Ninh. Ảnh: T.V

Nhiều lần trò chuyện cùng đồng đội ông thường nói: Đến với Hải quân là một tình cờ không định trước? Vậy câu chuyện đến với Hải quân của ông chắc có nhiều thú vị?

Đúng là có nhiều thú vị. Nhập ngũ năm 1978, được đào tạo sĩ quan chỉ huy Phòng không nhưng trí tò mò cùng những suy nghĩ "rất lãng mạn", "rất sinh viên"- "muốn biết biển đảo đất nước mình dài rộng như thế nào"…đã đưa tôi đến quyết định tình nguyện đi công tác tại Trường Sa.

Được thỏa ước nguyện đến với Hải quân, gắn bó với biển, đảo của Tổ quốc chắc mang lại cho ông nhiều xúc cảm?

Cảm xúc bao trùm lúc đó là sự háo hức, hồi hộp giữa miên man những tưởng tượng, phỏng đoán, nhất là khi tôi cùng anh em trong khóa học sĩ quan nghe Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương nói chuyện về biển đảo Tổ quốc, về Quân chủng Hải quân tại Hạ Long, Quảng Ninh năm 1984. Đem theo nguyên vẹn dư âm câu chuyện của Tư lệnh, vài tuần sau tôi nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), Vùng IV Hải quân. Tôi nhớ như in chuyến "ra khơi" đầu tiên trong "cuộc đời Hải quân" là một buổi hoàng hôn ngày đẹp trời. Con tàu HQ 671 thân yêu đưa tôi cùng đồng đội rời Quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, nhằm hướng Trường Sa rẽ sóng.

Cảm nhận của ông về biển, đảo quê hương lúc đó thế nào?

Đó là cảm giác ngợp đi đầy phấn khích trước khung cảnh mênh mông, khoáng đạt, kỳ vĩ của biển cả, trước sự thiêng liêng mà rất đỗi gần gũi từ vô vàn những con sóng nơi một phần lãnh hải của Tổ quốc…

Phải chăng đây cũng chính là bắt đầu cho những trải nghiệm sâu sắc và vô cùng thú vị của người lính Hải quân khi thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa?

Đúng vậy! Thời gian từ năm 1984 -1987, tôi và đồng đội nhận nhiệm vụ xây dựng, canh giữ bảo vệ chủ quyền tại các đảo nổi Sơn Ca, Song Tử Tây, là những đảo thuận lợi hơn về điều kiện sống. Đồng thời, từng bước xây dựng cơ sở tại một số đảo chìm. Đây cũng chính là thời gian Hải quân Trung Quốc liên tục có hành động xâm lấn vùng lãnh hải quanh quần đảo Trường Sa của ta.

Vậy câu chuyện mà ông luôn coi là "trọng đại nhất cuộc đời binh nghiệp của mình" ở đảo chìm Đá Thị năm 1988 đã diễn ra như thế nào?

Đó là vào thời điểm Trung Quốc gia tăng đưa tàu quân sự xâm phạm chủ quyền vùng quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động 2 hạm đội hải quân, tăng số tàu chiến (từ 7 lên gần 40 tàu) với mưu đồ thâm độc là dùng áp lực lấn chiếm các bãi cạn Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Đá Thị thuộc nhóm đảo Sinh Tồn. Để khẳng định chủ quyền các điểm đảo, Quân chủng Hải quân điều động thêm lực lượng về nhận nhiệm vụ tại đây. Tôi và một số anh em đang nghỉ phép cũng được động viên lên đường. Nhận mệnh lệnh của cấp trên, sáng 11/3/1988, tôi cùng Trung tá Trần Đức Thông và anh em trong đơn vị rời cảng Cam Ranh trên chiến tàu HQ 709 và HQ 604 cấp tốc cơ động ra thực hiện nhiệm vụ giữ các điểm đảo. Vượt hơn 320 hải lý, đêm 13/3 chúng tôi ra tới đảo. Sớm hôm sau (14/3), trong vai trò đảo trưởng tôi vinh dự thay mặt anh em đơn vị trân trọng cắm lá Quốc kỳ lên đảo Đá Thị, thể hiện quyết tâm cùng đồng đội "lập lá chắn sống" giữ vững điểm đảo khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng trong buổi sáng 14/3 đáng nhớ đó, quân Trung Quốc nổ súng đánh chiếm đảo Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông cùng đồng đội Trần Văn Bảy (xã Lê Hồ, Kim Bảng) và anh em đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh. Sau khi đánh chiếm Gạc Ma, quân Trung Quốc bắn vào đảo Cô Lin và dùng tàu khu trục phong tỏa đảo Sơn Ca, Đá Thị trong suốt gần 10 ngày. Trong khi đó, tôi cùng 15 anh em chỉ có điểm tựa duy nhất là chiếc bông tông (Một thiết bị bằng thép dùng để chuyên chở hàng) đã hỏng nhiều khoang neo vào thềm san hô. Thủy triều lên, đảo đá chìm dưới nước, chiếc bông tông dập dềnh trên sóng, thủy triều xuống, bãi đá mới lộ ra.
Chiều 15/3/1988, đơn vị tôi tiếp nhận tàu chở lực lượng công binh cùng vật liệu  ra xây dựng đảo. Tàu vừa cập đảo, chưa kịp tập kết vật liệu vào vị trí thi công lắp ghép thì sáng 16/3/1988 xuất hiện thêm 1 tàu hộ vệ pháo, 1 tàu quét mìn của Trung Quốc áp sát vây quanh. Từ đó, suốt ngày đêm hai tàu này thay nhau chạy quanh phong tỏa, bao vây các đảo Sơn Ca, Đá Thị, không khí vô cùng căng thẳng. Bên đảo Sơn Ca, anh em nạp đạn vào súng, pháo, lên nòng sẵn sàng chỉ chờ Đá Thị nổ súng là tiếp ứng chi viện. Anh em trên đảo Đá Thị cũng rất nóng lòng muốn nổ súng trả thù cho đồng đội tại đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhưng với vai trò người chỉ huy, tôi kiên quyết không phát lệnh nổ súng trước nhằm bảo toàn tính mạng cho đồng đội, bảo vệ sự sống còn của đảo, của tàu và thực hiện đúng quân lệnh cấp trên "đối thoại, không đối đầu", tránh mắc mưu địch. Nhiều lần tàu Trung Quốc áp sát, quay nòng pháo vào đảo và tàu của ta khiêu khích nhưng tôi cùng anh em vẫn hết sức bình tĩnh, đấu tranh với tinh thần gan góc, ngoan cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bám chắc và bảo vệ đảo an toàn, buộc quân Trung Quốc phải rút lui.

Các CCB Hải quân huyện Thanh Liêm gặp gỡ ôn lại kỷ niệm chiến thắng trận đầu, ngày 5/8/1964. Ảnh: Khương Doanh

Cùng với những hiểm nguy, căng thẳng, cuộc sống của người lính Hải quân lúc đó chắc còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, thưa ông?

Ngày đó đảo Đá Thị chưa có nhà kiên cố và những thiếu thốn trong sinh hoạt nơi đầu sóng ngọn gió thì đã được "đúc kết" gọn trong một câu nói mang phong vị rất riêng của lính đảo: "Rau khô, thịt hộp, ruốc cá, mỡ bơ"... Nhưng khó khăn không ngăn được sự sáng tạo và tinh thần lạc quan của người lính nơi tiền tiêu. Lính đảo vẫn ngâm đỗ xanh làm giá, xay đỗ tương làm đậu, dùng bí ngô nấu chè, vẫn trồng rau, câu cá…đôi phút rảnh rỗi lại háo hức truyền tay nhau cuốn tạp chí Văn nghệ Quân đội phát hành từ năm trước, giành nhau bức thư nhà ố nhòe nước biển... Khẩu hiệu "Đảo là nhà, biển là quê hương, đồng đội là anh em ruột thịt" đã giúp lính đảo tự tin, vững tâm chiến đấu, bám đảo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.  

Hơn ba chục năm gắn bó với biển, đảo, nay nghỉ hưu giữa nhịp đời bình lặng, ông chắc có nhiều xúc cảm về những năm tháng đã trải?

Cảm xúc xuyên suốt là nỗi nhớ. Có đêm ngủ nhà mà cứ ngỡ đang trên tàu, trên đảo. Chiều nào thư thả đón ngọn gió đồng làng quê bỗng thấy da diết nhớ ngọn gió mang hương vị mặn mòi của biển khơi. Tết quây quần bên gia đình trong bữa cơm tất niên mà lòng thêm cồn cào thương về những đồng đội đang cầm súng nơi đảo xa. Rất may được sống giữa những đồng đội CCB Hải quân cùng quê, được thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau gương mẫu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Qua đài báo đưa tin, tôi thấy thật vui khi chứng kiến đảo Đá Thị và hàng trăm điểm đảo đã xây dựng nhà kiên cố, đời sống lính đảo được cải thiện nhiều. Càng vui hơn khi mình thường xuyên được nhận từ các đồng đội Hải quân thuộc thế hệ trẻ trong họ, cùng làng đang làm nhiệm vụ giữ đảo những hình ảnh thân thương về "Hoa bàng vuông" Trường Sa, về cuộc sống chiến đấu, xây dựng của anh em trên tàu, trên đảo. Hòa chung với niềm vui, niềm hạnh phúc đó, nơi sâu thẳm trái tim, tôi luôn tự hào là người cắm lá Quốc kỳ trên đảo Đá Thị và cùng anh em góp phần giữ vững chủ quyền, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Với tôi, đó luôn và mãi là kỷ niệm sâu sắc nhất, là sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời binh nghiệp đã trải.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thế Vĩnh (Thực hiện)

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy