Hai năm Tuất lưu danh người Hà Nam

Trong lịch sử dân tộc, có những năm Tuất in dấu những sự kiện, những chiến công. Nhân năm Mậu Tuất (2018), chúng ta hồi cố về hai năm Tuất, người Hà Nam đã lưu danh đậm nét vào lịch sử.

Năm Nhâm Tuất (542), khởi nghĩa Lý Bí

Thế kỷ thứ VI, nhà Lương (Trung Quốc) thống trị nước ta. Nhân dân khổ cực với hàng trăm thứ thuế, đủ thứ phu phen, tạp dịch, lòng dân oán hận dâng cao. Là một hào trưởng địa phương quê ở huyện Thái Bình, quận Giao Chỉ (thuộc tỉnh Sơn Tây), Lý Bí (Lý Bôn) đã bí mật chiêu mộ nghĩa binh, luyện tập quân sĩ, chờ thời cơ vùng lên.

Năm Nhâm Tuất (542), cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo bùng nổ. Nhân dân và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng. Nghĩa quân tấn công thành Long Biên - trị sở bè lũ đô hộ. Quân Lương đại bại, Thứ sử Tiêu Tư hoảng sợ bỏ chạy về nước. Chưa đầy 3 tháng, cuộc khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước.

Đầu năm sau (543), vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng đem quân sang phục thù. Lý Bí tổ chức một trận tấn công lớn tại Hợp Phố. Quân Lương tan tác, tháo chạy về Quảng Châu.

Mùa Xuân năm Giáp Tý (544), Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy lại danh xưng nước ta đã bị phong kiến phương Bắc xóa kể từ khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc.

Đình đá Nguyễn Trung, xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: Thế Trang

Trong cuộc khởi nghĩa này, nhân dân Hà Nam thời đó đã tham gia tích cực, nổi bật là các vị tướng người Hà Nam.    

Đinh Lôi - một vị tướng của Lý Bí được dân làng Nguyễn Trung (xã Liêm Phong, Thanh Liêm) tôn làm thành hoàng, thờ ở đình làng. Cha Đinh Lôi là Đinh Phụng người trang Nguyễn Trung, kết hôn với bà Nguyễn Thị Thường người trang Hương Ngãi (nay là thôn Hòa Ngãi, Thanh Hà, Thanh Liêm). Theo thần phả, Đinh Lôi sinh ra có tướng mạo kỳ dị, mặt đen như sắt, tiếng khóc như sấm. Vì thế, cha mẹ đặt tên là Lôi (có nghĩa là sấm). Đến năm 10 tuổi, Đinh Lôi đã tinh thông võ nghệ, văn chương.

Nghe tin Lý Bí khởi nghĩa, Đinh Lôi chiêu mộ dân binh, ông chọn hơn 60 người có sức khỏe nhất, mổ trâu bò khao quân, rồi đến xin gia nhập nghĩa quân của Lý Bí. Thấy Đinh Lôi trung thực, văn hay, võ giỏi, có chí khí, Lý Bí phong cho ông làm Trung tướng quân, cùng Hữu tướng quân Phạm Tu, Tả tướng quân Triệu Quang Phục đem quân đánh Tiêu Tư đại bại. Sau khi lên ngôi Hoàng đế (Lý Nam Đế), Lý Bí cử tướng Đinh Lôi đi trị nhậm vùng đất Hồng Châu (Hải Dương nay). Đinh Lôi về quê khao thưởng họ hàng, dân làng, cúng lễ tổ tiên. Mùa hè năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu, Trần Bá Tiên đem hơn 30 vạn quân, hơn 8.000 kỵ mã xâm lược nước Vạn Xuân. Nhà vua phong Đinh Lôi làm Đại tướng quân chống giặc. Thế giặc rất mạnh, Lý Nam Đế lui về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ), giao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Rút về đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Triệu Quang Phục dựa vào địa hình hiểm yếu đánh tan quân Lương bao vây, kéo về giải phóng thành Long Biên. Triệu Quang Phục lên ngôi vua (Triệu Việt Vương), mời Đinh Lôi cùng gánh vác việc nước, nhưng ông từ chối, trở về trang Nguyễn Trung, mở trường dạy học, chăm lo đến nghề nông của dân.

Tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí còn có ba anh em ruột người thôn Thượng, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng. Đó là ba ông Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang. Ba ông sớm có lòng yêu nước, đến tuổi trưởng thành hợp sức tuyển mộ nghĩa binh ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm (Hà Nam), Hoài An, Sơn Minh (Hà Đông cũ) được hơn 1.000 người, lập thành 3 đồn quân, thường xuyên luyện tập binh sĩ.

Nghe tin Lý Bí khởi nghĩa, ba ông mang quân bản bộ đến ra mắt vị thủ lĩnh. Lý Bí phong Nhất Lang là Thủy đạo tướng quân lãnh đạo quân thủy, Nhị Lang làm Tiền duệ tướng quân, lãnh đạo quân tiên phong, Tam Lang làm tướng Tham mưu. Ba ông chỉ huy quân lập nhiều chiến công, riêng Nhị Lang tả xung hữu đột, chém được hơn 50 đầu giặc.

Năm Bính Tuất (1886), khởi nghĩa Ba Đình

Từ khi quân Pháp đánh ra Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), Đinh Công Tráng, người thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) đã kêu gọi văn thân, sĩ phu đứng lên cứu nước. Ông chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa ngay tại quê hương. Nghĩa quân của ông đánh thắng nhiều trận ở Tâng, Bưởi, Sở Kiện (Thanh Liêm), Châu Cầu (Phủ Lý) giải phóng phủ Bo (Ý Yên, Nam Định). Ông được vua Tự Đức phong là Hiệp quản. Năm 1874, ông trả lại chức cho triều đình, đi tìm người nghĩa khí đánh giặc. Lên Sơn Tây gặp Hoàng Kế Viêm, được phong làm Lãnh binh phối hợp với tướng Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy quân Cờ đen đánh trận Cầu Giấy, chém đầu Gácniê - chỉ huy quân Pháp.

Được Tôn Thất Thuyết mời vào Thanh Hóa - trung tâm phong trào Cần Vương, đầu năm Bính Tuất (1886), Đinh Công Tráng và Phạm Bành lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông là thủ lĩnh tối cao về quân sự, trực tiếp chỉ huy việc xây dựng căn cứ, tổ chức nghĩa quân, bố phòng...

Căn cứ được xây dựng trên địa bàn 3 làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê (nay thuộc xã Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa). Vào mùa mưa, căn cứ này như một hòn đảo giữa đồng nước mênh mông. Gọi là căn cứ Ba Đình vì mỗi làng có một ngôi đình. Bao bọc căn cứ là lũy tre ken dầy ở bên ngoài. Vào bên trong, đầu tiên là lớp hào sâu, rộng, tiếp đến là thành đắp đất cao 3m, chân rộng từ 8m - 10m, mặt thành đi lại được. Trên mặt thành đặt các rọ tre đựng bùn trộn rơm. Trong thành có mạng lưới giao thông hào, sử dụng để chiến đấu và chuyển lương thực, khí giới. Tại các điểm xung yếu có công sự vững chắc, bố trí theo hình chữ "chi" nhằm hạn chế thương vong. Mỗi đình làng là một đồn quân, gọi là đồn Thượng (Thượng Thọ), đồn Trung (Mậu Thịnh), đồn Hạ (Mỹ Khê). Nhờ sự tích cực của nghĩa quân và đóng góp của nhân dân, chỉ trong một tháng căn cứ đã hoàn thành.

Lực lượng nghĩa quân Ba Đình, lúc cao điểm gần hai vạn người, có người Kinh, Mường, Thái, tổ chức thành 10 toán, mỗi toán có một Hiệp quản chỉ huy. Vũ khí của nghĩa quân gồm súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ.

Năm 1886, nghĩa quân liên tiếp tiến công các phủ, thành, huyện lỵ, chặn đánh các đoàn xe, các toán quân lẻ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 12 tháng 3 năm 1886, lợi dụng phiên chợ đã tấn công Tòa Công sứ Thanh Hóa. Và tiếp đó, nghĩa quân đã tấn công nhiều phủ thành, chặn đánh các đoàn xe vận tải của quân Pháp. Thấy rõ sự lợi hại của căn cứ Ba Đình, từ 18 tháng 12 năm 1886 đến 20 tháng 1 năm 1887, Đại tá Brissand được chỉ huy quân đội Pháp giao thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình. Quân Pháp đã nã tới 16.000 quả đại bác trong vòng một ngày trời, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa. Nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu trong suốt 32 ngày đêm chống lại đối phương đông gấp 12 lần, được trang bị vũ khí tối tân hiện đại. Trong các trận chiến đấu vô cùng ác liệt nghĩa quân đã tỏ ra mưu trí dũng cảm, nhưng vì hỏa lực mạnh của đối phương nên nghĩa quân Ba Đình bị thương vong nhiều.

Đường Đinh Công Tráng,  phường Châu Sơn (TP. Phủ Lý). Ảnh: Tân Xuân

Để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn, nghĩa quân Ba Đình đã mở một con đường máu vượt qua vòng vây dầy đặc của quân Pháp, rút lên căn cứ Mã Cao.

Đến sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp mới chiếm được Ba Đình. Sau đó, quân Pháp đã triệt hạ hoàn toàn cả ba làng của căn cứ Ba Đình, tiếp tục cho quân truy kích nghĩa quân ở Mã Cao, rồi triệt hạ luôn đồn này vào ngày 2 tháng 2 năm 1887.

Sau đó, một số đông nghĩa quân rút lên Thung Voi, Thung Khoai, rồi lên miền Tây Thanh Hóa sáp nhập với nghĩa quân của Cầm Bá Thước.

Đinh Công Tráng về Nghệ An để tiếp tục gây dựng phong trào chống Pháp. Quân Pháp treo giải với giá trị tiền thưởng rất cao cho kẻ nào mật báo hoặc giết ông. Tháng 10 năm 1887, ông bị quân Pháp bắt và giết hại.

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình và Thủ lĩnh Đinh Công Tráng được lịch sử đánh giá rất cao. Chính người Pháp đã phải thừa nhận: 1886 - 1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng nhất, cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ huy lo ngại nhiều nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn tên Ba Đình để đặt cho Quảng trường Ba Đình, nơi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tên Ba Đình còn được chọn để đặt tên cho hội trường của Quốc hội, 1 quận của thủ đô Hà Nội, 1 xã của huyện Nga Sơn, 1 phường của thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa). Tên của thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Ba Đình Đinh Công Tráng đã trở thành tên phố (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và ở thành phố Thanh Hóa. Quê hương Hà Nam trân trọng lấy tên ông đặt cho một con đường ở thành phố Phủ Lý và một trường học của huyện Thanh Liêm.     

Ghi vào lịch sử dân tộc, những chiến công của các vị tướng, thủ lĩnh nghĩa quân người Hà Nam trong hai năm Nhâm Tuất (542), Bính Tuất (1886), đồng thời làm sáng lên lịch sử đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân Hà Nam.

Mai Khánh

Mai Khánh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy