Ngăn chặn nguy cơ tác động xấu đến môi trường từ rác thải y tế

Chất thải bệnh viện có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, kết hợp với các hiệu ứng khí hậu và các biến động môi trường hiện nay làm cho các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nhanh và ngày càng nguy hiểm.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế, hoạt động thu gom chất thải rắn y tế tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện đã được thực hiện hiệu quả, đúng quy trình, không gây ảnh hưởng đến môi trường mà tận dụng được nguồn nguyên liệu có thể tái chế từ chất thải rắn y tế.

Xử lý rác thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực tế, việc sử dụng công nghệ lò hấp tiệt trùng rác thải là phương pháp được vận hành theo nguyên tắc khử trùng dưới tác động của hơi nóng và áp suất, đã và đang được áp dụng hiệu quả ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của Hà Nam.

Theo các chuyên gia, lò hấp có thể xử lý được các loại rác thải y tế nguy hại như: Các bộ phận cơ thể con người sau phẫu thuật; các mô động vật; các vật nhọn, sắt nhiễm khuẩn như kim tiêm; bông, băng, gạc nhiễm máu, dịch của bệnh nhân...

Tuy nhiên, phương pháp này không cho phép xử lý các loại rác thải y tế nguy hại như: Các chất dễ bay hơi, chất thải từ các quy trình hóa trị liệu; các loại hóa chất; các loại thuốc quá thời hạn sử dụng; các loại chất thải nhiễm xạ,... Một trong các chỉ số quan trọng để so sánh các loại lò hấp là mức độ vô hiệu hóa vi khuẩn và thời gian hoạt động để đạt được hiệu quả đó.

Hiện nay, toàn tỉnh có 10/13 đơn vị được đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, trong đó chủ yếu sử dụng công nghệ lò đốt rác thải y tế với công suất 20 đến 25 kg/giờ. Ba đơn vị chưa được đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại là Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phong.

Phương án xử lý chất thải y tế của các cơ sở này là thuê doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải của đơn vị. Theo Sở Y tế, tuy mới có 75% đơn vị, cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, nhưng 100% chất thải rắn y tế đều đã được thu gom xử lý an toàn.

Dù vậy, khó khăn hiện nay trong vấn đề xử lý chất thải rắn y tế độc hại được đặt ra là lượng chất thải y tế ngày một phát sinh, trong khi kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường của các đơn vị còn quá thấp. Kinh phí vận hành hệ thống của các đơn vị được đầu tư xử lý rác thải y tế về cơ bản mới chỉ được các nhà thầu cung cấp thiết bị hướng dẫn sử dụng, việc đào tạo cơ bản về quy trình vận hành thiết bị, các yêu cầu chuyên sâu đối với việc quản lý chất thải y tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng còn hạn chế.

Theo mục tiêu phát triển y tế Hà Nam đến năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát triển thành bệnh viện hạng I. Cùng với đó, 70% bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh phát triển thành bệnh viện hạng II; 30% các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II; 100% bệnh viện thực hiện được tất cả các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế. 

Thực hiện chủ trương của Đảng và các Quyết định của Chính phủ về việc di dời các bệnh viện ra khỏi thủ đô và xây dựng cơ sở tại các tỉnh, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã, đang và sẽ triển khai xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức (quy mô 1.000 giường), Bệnh viện Bạch Mai (quy mô 1.000 giường), Bệnh viện Lão khoa (quy mô 500 giường), Bệnh viện Mắt (quy mô 500 giường), Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng (quy mô 500 giường).

Do đó đến năm 2020, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ có quy mô 5.956 giường bệnh, trong đó: các bệnh viện tuyến tỉnh là 1.340 giường, các bệnh viện tuyến huyện là 1.116 giường và các bệnh viện tuyến trung ương có cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 3.500 giường bệnh. Theo dự báo, đến năm 2020, tổng lượng chất thải rắn trung bình tại các bệnh viện là 1,5 kg/giường/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại tính trung bình là 0,35 kg/giường/ngày đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và 0,28 - 0,3 kg/giường/ngày đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Như vậy, đến năm 2020 ở Hà Nam mỗi ngày sẽ thải ra  môi trường khoảng trên dưới 2.000 kg rác thải rắn y tế ra môi trường.

Xử lý chất thải y tế vẫn cứ là vấn đề nan giải khi thực tiễn còn tồn tại những vấn đề nảy sinh, những vướng mắc trong thực hiện.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy