Nỗ lực thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Những năm qua, thực hiện Chương trình Chống lao Quốc gia, Hà Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là đẩy mạnh triển khai đồng bộ các can thiệp phòng, chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị, tiến tới cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.

Hiện tại mạng lưới phòng, chống lao của tỉnh được bao phủ rộng khắp. Tuyến tỉnh có Bệnh viện Lao và bệnh Phổi với chức năng khám, điều trị bệnh nhân lao và bệnh phổi, chỉ đạo hoạt động Chương trình Chống lao trên địa bàn. Tuyến huyện có 7 tổ chống lao tại 6 huyện, thành phố, thị xã và 01 tổ tại Trại giam Nam Hà. Tuyến xã có 109 cán bộ phụ trách Chương trình Chống lao tại 109 xã, phường, thị trấn.

Những năm qua các hoạt động của Chương trình Chống lao được đẩy mạnh. Đối với hoạt động lao/HIV, duy trì tư vấn xét nghiệm HIV cho 100% bệnh nhân lao phát hiện. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa Chương trình Chống lao và Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2022 số bệnh nhân lao xét nghiệm HIV là 721/742 bệnh nhân. Năm 2023 là 729/758 bệnh nhân. Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ các hoạt động về lao trẻ em: chẩn đoán, quản lý điều trị, quản lý trẻ tiếp xúc và điều trị lao tiềm ẩn. Thực hiện các quy trình chẩn đoán lao trẻ em theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia. Số ca lao trẻ em/tổng số bệnh nhân lao phát hiện của toàn tỉnh năm 2022 là 2/742 ca (chiếm 0,27%), năm 2023 là 7/758 ca (0,92%).

Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam. Ảnh: Yên Chính

Các đơn vị cũng tiến hành thực hiện hoạt động sàng lọc chủ động để phát hiện bệnh nhân lao. Năm 2023 đã thực hiện khám sàng lọc chủ động tại huyện Bình Lục và Duy Tiên tổng số 13.500 người. Qua các xét nghiệm lâm sàng như: Chụp phim, xét nghiệm Gen Xpert,… đã tiếp nhận tổng số 60 bệnh nhân lao để điều trị. Trong hoạt động chiến lược 2X (chụp X-quang phổi và xét nghiệm Gene-Xpert cho những trường hợp có tổn thương bất thường nghi lao trên X-quang), đã có 4.800 người được sàng lọc. Qua đó, phát hiện và đưa vào điều trị 166 người đưa vào điều trị lao tiềm ẩn (là những người có vi khuẩn lao nhưng chưa phát triệu chứng, điều trị dự phòng) và thu nhận điều trị 64 người đã mắc bệnh lao.

Hoạt động phòng, chống lao trong môi trường khép kín, đã thực hiện sàng lọc 4.568 người, qua đó phát hiện 290 người có triệu chứng bất thường nghi lao, số bệnh nhân lao thu nhận điều trị là 42 người. Nhằm phát hiện lao trong nhóm điều trị methadol, người bị bệnh tiểu đường, người trong trung tâm điều trị nghiện ma túy, các đơn vị cũng đã tiến hành sàng lọc 4.350 người. Qua đó phát hiện, thu nhận 133 bệnh nhân lao tiềm ẩn điều trị, 31 bệnh nhân lao phải điều trị.

Sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập– tư nhân trong phòng, chống lao là một giải pháp giúp người bệnh dễ tiếp cận dịch vụ y tế chẩn đoán lao hiện đại và chính xác cao như kỹ thuật xét nghiệm Gene – Xpert, tăng tỉ lệ phát hiện, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Mô hình phối hợp y tế công lập– tư nhân nhằm khuyến khích các phòng khám tư nhân, các bệnh viện công, phòng khám ngoài chương trình chống lao chuyển người có dấu hiệu nghi lao đến các cơ sở chống lao để phối hợp chẩn đoán và điều trị. Chương trình Chống lao tại tỉnh đã thiết lập mạng lưới chuyển người nghi lao từ nhà thuốc, bệnh viện tư, phòng khám tư và bệnh viện công ngoài hệ thống Chương trình Chống lao tới các cơ sở chống lao. Lựa chọn các cơ sở y tế công lập- tư nhân uy tín tham gia chương trình, tiến hành tập huấn, phát tài liệu, phát giấy giới thiệu chuyển bệnh nhân. Hiện nay việc thực hiện phối hợp y tế công lập– tư nhân trong Chương trình Chống lao tại tỉnh chủ yếu thực hiện theo mô hình 1-phối hợp khám, phát hiện, tư vấn, giới thiệu và chuyển gửi người nghi lao tới các cơ sở y tế thuộc mạng lưới chống lao. Việc tham gia mô hình này đã khuyến khích các phòng khám, nhà thuốc tư và các cơ sở công lập ngoài hệ thống phòng chống lao chuyển người bệnh có dấu hiệu nghi mắc lao tới các cơ sở chuyên khoa lao để được chẩn đoán và điều trị. Hoạt động phối hợp này đã góp phần phát hiện 22% số bệnh nhân lao trong tổng số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn tỉnh và đưa vào điều trị.

Để thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030 tỉnh Hà Nam đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025: Giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 40/100.000 người dân. Giảm chết do lao xuống dưới 7/100.000 dân. Khống chế số người mắc bệnh lao kháng thuốc ở tỷ lệ dưới 3% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Từ các kết quả của công tác phòng, chống lao năm 2023 cho thấy, số liệu phát hiện người mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn tiếp tục có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2022, 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020. Phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng, nâng cao vai trò của y tế cơ sở. Trong hoạt động điều trị, tỷ lệ điều trị thành công duy trì ở mức cao, tỷ lệ điều trị khỏi trên toàn tỉnh đạt và vượt yêu cầu của Chương trình chống lao Quốc gia.

Tuy nhiên công tác phòng, chống lao cũng còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Hoạt động lao kháng thuốc, thu nhận mới chỉ đạt mức 74,1% so với chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ điều trị thành công của số bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 58%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao (33%). Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn rất thấp (9/32). Sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang BHYT gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình Chống lao Quốc gia. Việc phối hợp y tế công lập-tư nhân còn những khó khăn nhất định. Công tác thống kê, báo cáo trao đổi thông tin tại các cơ sở y tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn. Nhân viên của các nhà thuốc, phòng khám thường xuyên thay đổi. Kỹ năng tư vấn, khả năng phát hiện bệnh lao của cơ sở y dược tư nhân còn hạn chế. Kinh phí duy trì cho hoạt động phối hợp y tế công – tư còn hạn hẹp, phụ thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Năm 2024, Chương trình Chống lao tại tỉnh tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý, điều tiết sử dụng thuốc chống lao nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định. Tiếp tục thực hiện các giải pháp toàn diện để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy. Cùng đó bảo đảm chất lượng quản lý điều trị, xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng, tiến tới hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Mỗi năm tỉnh Hà Nam phát hiện khoảng 700 - 800 bệnh nhân lao mọi thể trong đó có từ 300 - 400 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn. Tỷ lệ khỏi và hoàn thành trên 90%.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy