Hành trình cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Lần đầu tiên trong khoảng thời gian ngắn, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam đã thực hiện thành công việc cứu sống hai bệnh nhân ngừng tim do nhồi máu cơ tim trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Việc đưa hai bệnh nhân từ cõi chết trở về với cuộc sống được coi là một kỳ tích, chỉ may mắn mới làm được.

Hành trình cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Các y, bác sỹ thực hiện can thiệp tại Trung tâm Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.

Nín thở hàng giờ giành giật sự sống...

 Ngày 10/3/2024, bà Nguyễn Thị Luyến, 62 tuổi ở thôn Thanh Nộn 2, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng vào viện khám vì đau ngực. Sau 5 phút có mặt ở bệnh viện, bà Luyến đột ngột ngừng tim, không bắt được mạch. Các y bác sỹ, nhân viên y tế Khoa Cấp cứu đã thực hiện cấp cứu tại chỗ, ép tim, bóp bóng… sau gần 1 giờ đồng hồ tim mới đập trở lại.

Nghi ngờ bệnh nhân có hiện tượng nhồi máu cơ tim, bệnh nhân được đưa đi chụp động mạch vành qua da và đã phát hiện huyết khối làm tắc động mạch vành nuôi tim, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, ngưng tim.

Khi đó, các y bác sỹ Khoa Tim mạch đã thực hiện các thủ thuật can thiệp, xử lý huyết khối và đặt stent mạch vành. Sau khi chuyển bệnh nhân về Khoa Hồi sức tích cực, tiếp tục thở máy và theo dõi điều trị, bệnh nhân đã nhanh chóng phục hồi, tỉnh táo, cai thở máy, xuất viện sau 17 ngày trong tình trạng ổn định.

Tiến sỹ- Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cho biết: Bệnh nhân không có tiền sử về tim mạch rõ ràng, lần đầu tiên bị đau tức ngực nên đi khám và sau đó ngưng tim tại viện. Đây thực sự là một tình huống bất ngờ cho cả bệnh nhân và bác sỹ. Nếu sự việc xảy ra ở ngoài bệnh viện, nguy cơ tử vong với bệnh nhân khá cao. Giả sử có may mắn cứu sống bệnh nhân trong hoàn cảnh đó thì cũng để lại di chứng não rất nặng nề. Bởi vì, nhồi máu cơ tim là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, diễn biến nhanh, gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng khi cơ tim thiếu máu nuôi dẫn đến chết ồ ạt do cục máu đông trong lòng mạch làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tim đột ngột.

Chiều ngày 24/3/2024, anh Phùng Tiến Phi, 42 tuổi, quê ở xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân cũng được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tim. Theo Thạc sỹ - bác sỹ Trần Văn Đạt, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, bệnh nhân bị ngưng tim trên đường đưa đến bệnh viện, thời điểm đó bệnh nhân cách bệnh viện vài trăm mét.

Anh được đưa vào Khoa Cấp cứu ngay và được các y bác sỹ và nhân viên y tế thực hiện cấp cứu. Sau gần 1 giờ đồng hồ áp dụng biện pháp cấp cứu tim mạch ép tim, sốc điện, bệnh nhân có nhịp tim trở lại.

Hành trình cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Hình ảnh động mạch vành trước khi can thiệp của bệnh nhân Phùng Tiến Phi.

Chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh Phi kể: “Tôi không nghĩ tình trạng bệnh của anh ấy lại diễn biến phức tạp và nhanh đến vậy. Lúc ở nhà, anh ấy kêu tức ngực, rồi nôn, vã mồ hôi, khó chịu lắm! Tôi gọi chú em là bác sỹ ở gần nhà đến khám cho anh ấy, cậu ấy bảo nên đưa anh ấy đến bệnh viện ngay. Khi chúng tôi chỉ cách bệnh viện vài trăm mét, anh ấy đột ngột co giật, tím tái sau đó ngừng tim.

 Gần 40 phút đứng ngoài nhìn các y bác sỹ tận tâm, tận lực cứu chồng tôi mà vẫn chưa có dấu hiệu tích cực gì, chị em tôi đã nghĩ anh ấy không thể ở lại với chúng tôi. Anh chị em đã bắt đầu bàn nhau về chuyện hậu sự cho anh ấy.

Thật kỳ diệu, gần đến phút 50, anh ấy đã có nhịp tim, hy vọng sự sống lóe lên. Rồi họ đưa anh ấy lên Trung tâm can thiệp tim mạch của bệnh viện để  làm các thủ thuật, đặt stend mạch vành. Nhưng sau đó, bác sỹ có nói với tôi về tình trạng não của anh ấy cần được can thiệp ngay bằng phương pháp đưa cơ thể bệnh nhân vào trạng thái “ngủ đông” để giảm tình trạng tổn thương não.”

Hành trình cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Hình ảnh động mạch vành của bệnh nhân Phùng Tiến Phi sau khi được can thiệp.

 Kỹ thuật hạ thân nhiệt được áp dụng bằng cách chườm đá toàn thân và bơm nước đá vào cơ thể để giữ nhiệt độ ổn định từ 33-34 độ trong vòng 24 giờ. Sau đó bệnh nhân được làm ấm trở lại bằng cách tăng nhiệt độ trung bình lên khoảng 0,15 độ C mỗi giờ cho đến khi nhiệt độ trở về bình thường.

Theo Bác sỹ Trần Văn Đạt, khi cơ thể ngưng tuần hoàn từ 3-6 phút, não bắt đầu chịu tổn thương, bắt buộc phải thực hiện các biện pháp can thiệp giúp tim hoạt động trở lại để bơm máu lên não. Đồng thời, trong khoảng thời gian tối đa 70 giờ từ khi hệ tuần hoàn ngưng hoạt động phải có biện pháp bảo vệ, điều trị và phục hồi não nếu không não bộ sẽ bị tổn thương đến mức không thể phục hồi được.

May mắn vì được cấp cứu, can thiệp kịp thời

Sau 17 ngày cấp cứu và điều trị cho hai bệnh nhân ngừng tim vì nhồi máu cơ tim, sáng 27/3, bệnh nhân Nguyễn Thị Luyến đã được xuất viện, sức khỏe ổn định. Bệnh nhân Phùng Tiến Phi đã cai được máy thở và tỉnh táo, trò chuyện với mọi người. Mỗi lần bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn và Trần Văn Đạt vào thăm, anh Phi cảm động rưng rưng: “Tôi không nghĩ mình còn sống…” Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn nói: “Sự sống của hai người nhờ sự may mắn khi được cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian vàng.”

Hành trình cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tiến sỹ- bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn (áo trắng), Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến thăm khám và trao đổi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân với người nhà bệnh nhân Phùng Tiến Phi chiều 27/3.

Theo bác sỹ Tuấn, trước đây những ca tương tự như thế này, tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu có cứu được thì không tránh được di chứng. Muốn can thiệp được thì phải chuyển lên tuyến trên, điều này lại gây nguy hiểm cho bệnh nhân, họ rất có thể tử vong trên đường đi. Vì thế, việc cấp cứu thành công rồi sau đó xác định được nguyên nhân, loại bỏ được nguyên nhân sớm thì cơ hội sống của bệnh nhân cao hơn rất nhiều.

Tiến sỹ- Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch khẳng định: Việc đầu tiên là phải phát hiện bệnh nhân ngưng tim ngay ở những giây phút đầu tiên. Khi bác sỹ cấp cứu phát hiện ra chuyện này thì phải thực hiện các hành động cấp cứu chuẩn xác, có đông người hỗ trợ. Sau khi tim đập trở lại thì phải phối hợp với các bác sỹ chuyên ngành, chuyên khoa cùng đi tìm nguyên nhân và giải quyết được thì mới cứu sống được bệnh nhân. Ở đây, bác sỹ cấp cứu đã nghi ngờ nhồi máu cơ tim  và đã phối hợp với Khoa Tim mạch, chúng tôi với tinh thần trách nhiệm và khẩn trương cử ekip tham gia can thiệp, xử lý kịp thời.

Về mặt nguyên tắc cố gắng làm càng sớm càng tốt trong điều kiện có thể. Đối với hiện tượng ngừng tim, người ta đã tổng kết nếu chúng ta cấp cứu bệnh nhân trong phút đầu tiên thì cơ hội cứu sống họ có thể lên tới 90%. Nếu muộn hơn, để đến phút thứ 9 thì cơ hội  cấp cứu sống bệnh nhân chỉ còn 10%. Thực tế, mỗi năm ở bệnh viện có từ 3-4 trường hợp, nhưng để cấp cứu thành công như những trường hợp này thì quá ít vì những bệnh nhân trước vào viện quá muộn, không có may mắn như  hai trường hợp này.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy