Lao động thời vụ tại Hàn Quốc, nông dân Hà Nam được tin tưởng

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác đưa người lao động Hà Nam đi làm việc thời vụ tại Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk (Hàn Quốc) từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh đã có 557 lượt người được tuyển dụng, chủ yếu là nông dân. Chương trình đã thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho người lao động Hà Nam được tiếp cận học tập, nắm bắt công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh (nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp) của Hàn Quốc, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương. Với kết quả này, nhu cầu xuất khẩu lao động thời vụ của người nông dân Hà Nam ngày một tăng cao.

Vào những ngày đầu tháng 3, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tấp nập người đến tư vấn, tìm việc làm, nhưng chủ yếu là những người lao động nông thôn có nhu cầu được sang Hàn Quốc làm việc thời vụ. Đây là một chương trình xuất khẩu lao động được thực hiện hiệu quả từ nhiều năm nay theo thỏa thuận giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hà Nam, Việt Nam và Chính quyền Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk, Hàn Quốc. Điều kiện để người lao động Hà Nam có thể được tiếp nhận sang làm việc là công dân cư trú dài hạn (tối thiểu 5 năm) tại tỉnh, độ tuổi từ 30 đến 50 (tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển dụng); có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không tiền án, tiền sự; có sức khỏe bảo đảm làm tốt các công việc nghề nông như thu hoạch, trồng trọt và quản lý hoa màu: dưa lưới, khoai lang, ớt, dưa hấu, khoai tây, rau xanh... theo yêu cầu. Những điều kiện này hầu như không thay đổi qua các năm, làm cho người nông dân Hà Nam hiểu rõ, thực hiện tốt khi được tuyển dụng.

Anh Trần Đắc Đạt, quê ở thị trấn Vĩnh Trụ chia sẻ: “Tôi là người may mắn đi theo chương trình được vài lần, mỗi lần cư trú làm việc ở Hàn Quốc 3 tháng. Số tiền mang về mỗi đợt trên một trăm triệu đồng, so với thu nhập ở nhà thực sự dư dả hơn rất nhiều. Điều quan trọng, chúng tôi được trải nghiệm, được hòa mình vào môi trường làm nông nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc vô cùng tuyệt vời. Nó làm thay đổi suy nghĩ và hành động của từng cá nhân lao động về mục tiêu làm nông nghiệp, cách thức làm nông nghiệp hướng tới giá trị vật chất, bảo đảm môi trường và tinh thần. Thông qua làm việc còn cho mình những bài học hay, những kinh nghiệm tốt để khi về nước, nếu có điều kiện sẽ tập trung ruộng đất, phát triển trồng trọt theo cách người Hàn Quốc đang làm”.

Người lao động nông thôn Hà Nam đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Ảnh: Chu Uyên

Lý Nhân là địa phương có số người đi lao động thời vụ tại Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk những năm qua đông nhất. Việc đáp ứng các điều kiện tuyển dụng và yêu cầu công việc thực tế của các ông chủ Hàn Quốc đã gắn bó người sử dụng lao động với người lao động ngày một tốt hơn. Chị Trần Thị Thủy, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) chia sẻ: Sau chuyến sang Hàn Quốc làm việc trở về, gặp anh chị em người Hà Nam tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, mọi người đều nói, các ông chủ bên đó rất ưu ái lao động Hà Nam. Họ luôn tin tưởng và dành sự quan tâm với mình vì người lao động Hà Nam khá thuần, chịu khó, biết lắng nghe và tiếp thu. Vì thế, chỉ vào việc một thời gian rất ngắn, mặc dù bị hạn chế về tiếng Hàn nhưng ai cũng nắm bắt được yêu cầu của chủ một cách kịp thời.

Tiếp tục thực hiện chương trình, năm 2024, theo kế hoạch, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ phía Hàn Quốc đối với Hà Nam tăng lên, tỷ lệ thuận với nhu cầu được đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc của nông dân Hà Nam. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số lượng lao động Hà Nam mà Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk cần trong năm nay dự kiến khoảng 200-800 người. Ngay trong đợt 1 của năm sẽ có khoảng 300 lao động sang làm việc thời vụ tại địa phương này.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc trung tâm cho biết: Phía Hàn Quốc rất tin tưởng vào đội ngũ lao động Hà Nam mà mình đã tuyển chọn cho họ những năm qua nên năm nay họ yêu cầu được tái cử những lao động đã từng làm việc với họ tiếp tục ký kết hợp đồng lao động thời vụ từ 3 đến 5 tháng. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và thông tin rộng rãi, minh bạch kế hoạch này trên fanpage của đơn vị, nhận được rất nhiều phản hồi của người lao động nông thôn. Nhìn chung, xu hướng đi xuất khẩu lao động thời vụ với nông dân Hà Nam hiện nay rất lớn.

Trong số 230 chỉ tiêu mà phía Hàn Quốc gửi yêu cầu tái cử, đã có 226 người đăng ký, nộp hồ sơ đi tiếp. Chị Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1978, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) là một trong số những người được đề nghị tái cử lần này cho biết: “Tôi đã sẵn sàng cho ngày lên đường. Năm ngoái, lần đầu tiên tôi sang Hàn Quốc làm việc trong thời gian 5 tháng. Tôi rất may mắn được ông chủ quý mến, tin tưởng, giao việc. Đến tháng cuối cùng còn được tạo điều kiện cho làm thêm để tăng thu nhập. Khoản tiền mang về cũng cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập ở quê chúng tôi. Vì thế, mong muốn được đi tiếp đối với tôi rất nhiều”. Nhà chị Oanh cũng làm nông nghiệp với hơn một mẫu vườn và lúa. Mấy năm trước, khi chồng chị còn đủ tuổi đã được nhận sang Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk làm lao động thời vụ. Năm ngoái, chồng chị hết tuổi nên chị đăng ký đi, may mắn là trúng tuyển. Chị Nguyễn Thị Oanh nói: “Không chỉ gia đình tôi mong muốn được đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, mà rất nhiều người lao động nông thôn hiện nay có nhu cầu này. Vì sao lại thế ư? Bởi vì chương trình này không đòi hỏi người lao động biết tiếng Hàn Quốc thành thạo, chỉ cần biết giao tiếp thông thường, như chào hỏi, mời... Thêm nữa, chi phí để sang đó làm việc không tốn kém, chỉ mất tiền vé máy bay, tiền ăn hằng tháng. Ai tiết kiệm tốt thì số tiền mang về được nhiều. Điều quan trọng, nhiều người nông dân đã nắm được công việc bên đó, họ đã từng làm nông nghiệp, gắn bó với đồng đất cây cối nên làm việc thời vụ ở Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk là khá phù hợp.

Kể từ khi thông báo Kế hoạch “Thực hiện Thoả thuận hợp tác đưa người lao động Hà Nam đi làm việc thời vụ tại Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk, Đại Hàn Dân Quốc” ngày 19/2/2024, đã có hàng nghìn lượt lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hoặc thông qua fanpage của trung tâm để tìm hiểu, có nhu cầu được tham gia. Đây thực sự là dấu hiệu tốt cho công tác xuất khẩu lao động của Hà Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy